Nữ Anh hùng "câu bom" nơi cửa sông Ninh Cơ

08:05, 07/05/2014

Tiết trời tháng 4, nắng vàng như mật trải dài tận cuối chân trời; sông Ninh Cơ, nước phù sa cuồn cuộn những lớp sóng vỗ bờ. Lần này về Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), cùng đi với chúng tôi có một “nhân chứng” mà tên tuổi của bà đã gắn liền với những chiến công vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, cách mạng của người dân vùng chân sóng. Đó là nữ Anh hùng LLVTND Vũ Thị Thanh Nhâm.

Đặt chân đến cửa sông Ninh Cơ, mặt trời đã đứng ngọn tre, tiếng con trẻ tan trường rộn rã, theo gió lan xa. Đứng trên mặt đê, bà Nhâm lặng lẽ dõi nhìn dòng nước, giọng xúc động: Sông Ninh Cơ, nơi chúng ta đang đứng, những năm chống Mỹ cứu nước là trận địa xung yếu, một mục tiêu đánh phá ác liệt của địch. Chỉ tính từ năm 1966 đến 1972, giặc tổ chức 48 đợt đánh phá, biến vùng đất Nghĩa Thắng và các xã lân cận thành “túi bom, vựa đạn”, gây nên bao đau thương, mất mát cho người dân. Nhưng cũng từ trong đau thương, người dân quê biển đã kiên cường, hiệp đồng với các LLVT thực hiện thắng lợi các phương án đánh giặc trên không, trên sông, trên biển, đánh địch đổ bộ theo đường biển, bảo vệ quê hương. Trong đó, lực lượng dân quân xã Nghĩa Thắng đã lập nhiều chiến công hiển hách, phá thủy lôi và các phương tiện chiến tranh của địch, bảo vệ cửa sông, tuyến giao thông huyết mạch.

Anh hùng LLVTND Vũ Thị Thanh Nhâm.
Anh hùng LLVTND Vũ Thị Thanh Nhâm.

Là xã ven biển nằm trên dải đất phù sa bồi tụ gần cửa sông Ninh Cơ, Nghĩa Thắng là vùng đất trẻ. Nằm giáp bờ Biển Đông, nơi sông Ninh Cơ đổ ra biển, nên Nghĩa Thắng là địa bàn xung yếu về chính trị, quân sự của huyện và của tỉnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi tấc đất của quê hương đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu và nước mắt của biết bao người dân. Hứng chịu các đợt đánh phá dữ dội của địch, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Thắng vẫn vững vàng, chắc tay súng, vững tay cày, đẩy mạnh sản xuất chi viện cho tiền tuyến, anh dũng đánh giặc, bảo vệ quê hương. Nhiều phong trào thi đua: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”, “Phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng”, thi đua giành mục tiêu “5 tấn thóc, 2 con lợn 1ha” sôi nổi, rộng khắp. Ngày ấy, Trung đội nữ dân quân xã Nghĩa Thắng được thành lập, bà Vũ Thị Thanh Nhâm là trung đội trưởng. Bà Nhâm cho biết: “Thời kỳ này, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, các nam thanh niên xung kích ra mặt trận, lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương chủ yếu là nữ thanh niên. Để phong tỏa đường giao thông trên biển của ta với mưu đồ chặn nguồn chi viện vũ khí, quân trang, lương thực từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, địch dồn dập thả thủy lôi và bom từ trường tại cửa sông Ninh Cơ. Tôi được cấp trên cử đi học lớp kỹ thuật công binh ở Hà Nam, sau đó về địa phương cùng với đội nữ dân quân trực chiến máy bay địch, đồng thời, phụ trách tổ công binh rà phá bom mìn, ứng cứu các tàu, thuyền vận tải của ta khi bị địch bắn phá”. Nhớ lại những năm tháng nơi “túi bom, vựa đạn”, bà Nhâm kể:

- Nhiệm vụ quan trọng của tổ công binh là phải thực hiện rà phá bom, thủy lôi của địch nhằm khai thông luồng lạch. Ban đầu, cách “đánh” của các chiến sĩ tổ công binh là dùng luồng kết thành bè, có gắn nam châm; sau đó, trực tiếp lái bè tiến về vùng có bom nổ chậm; từ trường của nam châm kích từ trường của bom khiến bom phát nổ.

Là người trực tiếp tham gia nhiều trận “câu bom”, có lần, bà Nhâm bị sức ép của bom hất xuống dòng sông, bất tỉnh, may được các đồng đội ứng cứu kịp thời. Vào mùa đông năm 1972, tổ công binh phát hiện một quả bom từ trường nơi cống Quần Vinh nặng khoảng một tấn; nguy cơ bom nổ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Là tổ trưởng tổ nữ dân quân phá bom, bà trực tiếp nhận nhiệm vụ phá bom. Nghiên cứu kỹ tình hình, vận dụng kinh nghiệm trận mạc, bà chọn phương án “dùng bom giặc, phá bom giặc”. Bà Nhâm cho biết: “Để thực hiện kế hoạch này, tôi lấy thuốc nổ của các quả bom nổ chậm trước đây gói thành 2 gói, tra kíp nổ và dây cháy chậm để làm phương tiện phá bom. Trước khi làm nhiệm vụ, đồng đội tay xiết chặt tay, không ai cất thành lời, bởi ai cũng hiểu, đây có thể sẽ là “trận đánh” cuối cùng của mình vì đây là bom từ trường nguy hiểm”. Gà gáy canh ba, bà trở dậy, vén chăn đắp cho mẹ, mắt ngân ngấn lệ. Nhà có 3 chị em, chị cả đi thanh niên xung phong thời đánh Pháp, sau năm 1954, lấy chồng thoát ly, em trai đi bộ đội vào Nam chiến đấu, mẹ lại bị lòa, sức khỏe yếu. Nhìn mẹ say giấc, bà không ngại hiểm nguy và sẵn sàng hy sinh, chỉ thương cho mẹ già, nếu bà có mệnh hệ gì thì mẹ trông tựa vào ai! Nhiệm vụ cấp trên giao quyết phải thực hiện thắng lợi. Bà gạt nước mắt viết đôi dòng chữ gửi lại bố mẹ: “Hôm nay con đi làm nhiệm vụ nguy hiểm, nếu sau khi bom nổ mà con không về,… bố mẹ lấy ngày này để làm giỗ cho con…!”. Và đêm hôm đó, bà đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi chạy khoảng 80m, quả bom phát nổ, bà chỉ bị vùi trong đất cát.

Trong 7 năm, nữ dân quân Vũ Thị Thanh Nhâm đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu 120 trận; tự tay phá 2 quả bom nổ chậm, 5 quả đạn rốc két và cùng đồng đội phá 23 quả bom khác. Với những chiến công đặc biệt, ngày 2-9-1973, Vũ Thị Thanh Nhâm đã trở thành nữ dân quân duy nhất của tỉnh ta được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com