Đã ở lớp tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong tâm thức và tình cảm của các CCB từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ mà chúng tôi được gặp, trò chuyện vẫn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng hào hùng “gan không núng, chí không mòn”, “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Cùng đồng chí Nguyễn Quang Phương, Chủ tịch Hội CCB xã Hoành Sơn (Giao Thủy), chúng tôi tới thăm gia đình các CCB đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là các ông: Vũ Đình Bảng, Phạm Trọng Thiếp, Vũ Văn Vinh, Phạm Văn Chiến. Trong đó hai CCB Vũ Đình Bảng, xóm 2 và Phạm Trọng Thiếp, xóm 10, đều là chiến sĩ thuộc Đại đoàn 316 trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Người cán bộ tiền khởi nghĩa được trao tặng Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, ông Vũ Đình Bảng tham gia Đoàn Cứu quốc quân tháng 1-1945. Trong Chiến dịch Thu Đông, ông bị thương nặng chuyển về an dưỡng tại Phú Thọ. Đến năm 1953, ông trở lại chiến trường vào Đại đoàn 316. Còn với ông Phạm Trọng Thiếp, nhập ngũ năm 1949, sau khi huấn luyện tại K10 Việt Bắc, ông được điều động vào C180, Đại đoàn 316. Ông Bảng nhớ lại: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 316 hoạt động trên một địa bàn rộng lớn, từ Lai Châu đến các tỉnh bắc Lào; từ Khe Chít, Pú Hồng Mèo đến Mường Chà, Mường Nhé, A Pa Chải và ngã tư Tuần Giáo. Đại đoàn được giao nhiệm vụ tiến công các cứ điểm A1, C1 và C2, cánh cửa thép phía Đông Điện Biên Phủ. Với tinh thần xả thân, mưu trí, sáng tạo, những chiến sĩ Đại đoàn 316 đã anh dũng chiến đấu, lập nên chiến công vang dội ở Tà Lèng, Đồi Xanh, Đồi Cháy. Từ cuối năm 1953 đến 1954, ông Thiếp trực tiếp tham gia lực lượng vận tải, dựng hệ thống hầm hào chiến đấu. Khó khăn đối với những người lính thời kỳ này chính là điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và những thiếu thốn trong sinh hoạt. Mặc dù phải ăn măng rừng thay cơm, rải lá rừng để ngủ, mọi người vẫn luôn vui vẻ động viên nhau cố gắng cho trận chiến. Mỗi chiến sĩ được giao nhiệm vụ đào một đoạn chiến hào và dùng luôn đoạn chiến hào đó làm nơi sinh hoạt. Chiến hào phải được đào ven bìa rừng, ở những dốc đứng, đường hẹp để tránh bị địch phát hiện nên công việc càng khó khăn gấp bội, thế nhưng ai cũng làm việc trong khí thế phấn khởi và niềm tin chiến thắng. Còn với CCB Vũ Đình Bảng, do bị thương, ông được cấp trên bố trí làm công tác tham mưu, chuẩn bị lực lượng, huấn luyện bộ đội và tham gia công tác cứu thương tại mặt trận. Ông kể: “Ngày ấy, các ca trọng thương rất nhiều, như vết thương xuyên bụng, vỡ nội tạng, chấn thương sọ não, gãy xương đùi, xương cẳng chân... Điều kiện phẫu thuật ở chiến trường hết sức thiếu thốn, các bác sĩ thậm chí phải mổ dưới “ánh đèn” đi-na-mô xe đạp. Sợ nhất là những ngày trời mưa. Vì điều kiện chiến trường, những thương binh chưa kịp chuyển tuyến sau phải nằm tạm ở các hầm hàm ếch, nếu mưa sẽ làm sụt hầm, vùi lấp thương binh. Thuốc men thiếu đã đành, đến chỉ khâu, bông băng... cũng thiếu và không giặt hấp được. Các bác sĩ, y tá phải tự pha chế nước cất, huyết thanh, dịch truyền. Ông Vũ Đình Bảng kể: Có những lần pháo rơi gần miệng hầm khiến đất trời chao đảo, các quân y sĩ và đội cứu thương không ai bảo ai chạy ngay lại, mỗi người ôm một thương binh, lấy thân mình che cho thương binh để đất bụi không rơi vào vết thương của các anh!
CCB chống Pháp Trần Trọng Tùng, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) đang trò chuyện với các cháu học sinh về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước. Ảnh: Văn Huỳnh |
Với người dân xã Hải Hà (Hải Hậu), ông Lâm Ngọc Cấn, 83 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng luôn là tấm gương mẫu mực, tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Năm 1949, ông gia nhập đội tuyên truyền vũ trang xã Hưng Đạo (nay tách thành 3 xã: Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc), giữ chức Trung đội phó. Năm 1950, trên đường hoạt động vượt sông từ Thái Bình trở về địa phương, ông bị địch bắt. Chúng giải ông cùng 23 người khác về giam tại nhà thờ Ninh Cường (Trực Ninh). Tại đây, ông và các đồng chí bị tra tấn dã man với đủ các ngón đòn như treo lên xà nhà đánh, kẹp mắt, dùng gậy gỗ đánh tím bầm toàn thân nhưng vẫn không lung lạc ý chí thép của người cộng sản kiên trung, chúng buộc phải thả ông. Trở về địa phương, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, cùng đồng đội lập công phục kích bắt sống 3 tên lính Bảo Hoàng, thu giữ 3 khẩu súng và lựu đạn tại phía nam chợ Quán xã Hải Hà. Ngày 20-1-1952, ông vào bộ đội được biên chế vào đơn vị thuộc Đại đoàn 304, tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch Đông - Xuân (1953-1954), đơn vị ông hành quân lên Phú Thọ. Tại đây, cán bộ đơn vị được triệu tập gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhận lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13-3-1954, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Hồng Cúm. Cấp trên quyết định Tiểu đội 3 do ông Cấn làm Tiểu đội trưởng đi phá sân bay dã chiến Hồng Cúm. Trời tối đen, tiểu đội luồn sâu sát sân bay thì thấy nhiều bóng đen thẳng hàng, ông ra lệnh cho anh em nằm xuống theo dõi tình hình. Nhiều đồng chí nóng ruột đề nghị: “để chúng em lia cho nó một băng”, ông Cấn ra lệnh: “Không nóng vội, cấm manh động”, vì lúc đó nếu bắn sẽ lộ bí mật, nhiệm vụ không hoàn thành. Một mình ông trườn lên, cách bóng đen chừng 5m, lấy viên đất nhỏ ném thăm dò nhưng không thấy động tĩnh, thì ra đó chỉ là những chiếc dù gấp sẵn chờ máy bay chuyển đi. Theo kế hoạch, 12 chiến sĩ đào bới sân bay, đồng thời gài lựu đạn, mìn tại sân bay nhằm đánh phá sân bay, ngăn không cho máy bay địch hạ cánh tiếp tế. Kế hoạch thành công, từ đó máy bay địch không dám hạ cánh mà chỉ thả dù tiếp tế, nhưng đa phần dù bay lạc hướng rơi vào tay quân ta, giúp cho bộ đội có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn. Sau chiến công này, ông được kết nạp Đảng nơi chiến hào. Buổi lễ kết nạp Đảng diễn ra trang trọng trở thành quyết tâm lớn của cả đơn vị. Cuộc chiến vào giai đoạn quyết liệt, một lần quân địch nống ra lấp hào, có xe tăng yểm trợ nhằm khôi phục đường 41, khống chế không cho quân ta chi viện Noọng Nhai. Được cấp trên giao nhiệm vụ phải giành lại trận địa, chi viện cho Đại đội 54 đang mắc kẹt, ông ra lệnh cho các chiến sĩ trong tiểu đội tập trung hoả lực, lựu đạn, bắn, ném cùng lúc. Trong khói đạn mù mịt, cả tiểu đội ào lên chiếm hào địch sát bờ sông Nậm Rốm, quân địch tháo chạy về Mường Thanh. Tiểu đội cùng Đại đội 54 khôi phục lại trận địa, giữ vững cầu Mường Thanh để quân ta xông lên bắt sống tướng Đờ-cát và Bộ Chỉ huy của địch. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông Lâm Ngọc Cấn được cử đi học tại Học viện Quảng Châu (Trung Quốc). Năm 1985, ông được bổ nhiệm Hiệu phó Trường Sĩ quan Đặc công và nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Đại tá.
Gặp CCB Trần Trọng Tùng, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), chúng tôi được ông kể cho nghe hồi ức về những ngày tháng gian khổ cùng với đồng đội, đồng chí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 19 tuổi, ông vào bộ đội, lên chiến trường Việt Bắc làm lái xe ở Cục Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần. Tháng 10-1950, ông tham gia phục vụ Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Chiến dịch Thượng Lào năm 1953, cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đơn vị vận tải do ông phụ trách gồm 17 đại đội, mỗi đại đội khoảng 36 xe tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có mỗi chuyến hàng an toàn ra tiền tuyến cho bộ đội, anh em vận tải trải qua không ít gian nan từ quản lý, bảo quản an toàn hàng hóa, đường đi vô cùng hiểm trở và khốc liệt. Địch thường đón đánh tại các bến phà Âu Lâu, Bình Ca, ngã ba Cò Lòi, đèo Pha Đin dài 30km thường xuyên bị địch bắn phá, xe phải chạy ban đêm, sử dụng đèn gầm để dò đường chứ không được bật đèn pha. Đoạn đường từ Thanh Hóa lên đến Điện Biên cũng có nhiều “túi” bom địch bắn phá ác liệt nhằm triệt phá đường vận chuyển hàng hóa, lương thực chi viện cho quân đội ta như dốc Cun, suối Rút (Hòa Bình). Không ít lái xe đã dũng cảm hy sinh trên các chuyến đi, nhưng không làm nhụt chí những người còn sống. Anh em luôn rút kinh nghiệm, bàn tính lựa chọn các phương án hiệu quả nhất để đưa hàng đến nơi an toàn. Đoạn đường từ Thanh Hóa lên Tuần Giáo dài gần 500 cây số, ban ngày ngụy trang để bốc, dỡ hàng, ban đêm tranh thủ chạy xe không lúc nào nghỉ. Nhiều lúc đang vận chuyển hàng hóa thì bị máy bay địch phát hiện, ném bom, lái xe phải chạy thật nhanh tìm nơi ẩn náu kịp thời. Nhiều lúc xe bị đổ, hàng hóa tung tóe, ông và các đồng đội đã phải khiêng những bao gạo nặng hơn trọng lượng cơ thể mình. Mặc dù vừa đói, vừa mệt, nhưng tinh thần Chiến dịch đã tạo cho các ông sức mạnh để cứu hàng, cứu xe...
Tham gia bộ đội từ năm 1951, sau một thời gian huấn luyện ông Phan Văn Uông ở xã Nghĩa An (Nam Trực) được phân công vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 65, Sư đoàn 312 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nhiệm vụ đào hầm, công sự, địa đạo. Để kịp phục vụ Chiến dịch, đơn vị không chỉ đào ban đêm mà cả ban ngày. Trong quá trình đào hầm, đơn vị đã rất vất vả ngụy trang để địch khỏi phát hiện, nhiều lúc mưa to, gió lớn, anh em trong đơn vị phải lội sâu hơn 1,5m để đào hầm. Ông Uông nhớ lại, khi ông đang đào hầm ở khu vực Mường Thanh, đồi A1 thì bị máy địch ném bom, mặc dù được ngụy trang kỹ lưỡng nhưng vẫn bị máy bay địch bắn sập hầm, ông và các đồng đội khác bị thương. Ông tiếc mãi đã không được ở lại chiến trường để chứng kiến giờ phút được thấy Chiến dịch toàn thắng.
Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa lại trở về đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển quê hương. Những kỷ niệm thời máu lửa 6 thập kỷ trước là những bài học lịch sử sống động để các ông giáo dục con cháu về lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc. Các ông mãi là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo./.
Việt Thắng và Văn Huỳnh