Thêm 2 di tích được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia

08:04, 11/04/2014

Trong 9 di tích lịch sử, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh trên cả nước vừa được Bộ VH, TT và DL quyết định công nhận xếp hạng di tích quốc gia, tỉnh ta có 2 Di tích gồm: Di tích lịch sử Đền An Trạch, xã Hải An (Hải Hậu) và Di tích lịch sử Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Di tích lịch sử quốc gia Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Di tích lịch sử quốc gia Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Đền An Trạch là nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, đồng thời phối thờ các vị tổ lập làng, những người đã theo Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khẩn hoang lập nên làng An Trạch. Căn cứ vào nguồn tư liệu Hán Nôm tại Đền và qua khảo sát các loại vật liệu kiến trúc cho thấy ngôi đền từng được trùng tu lớn vào năm 1921, đời vua Khải Định. Từ đó đến nay, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc nguyên mẫu và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Về kiến trúc, Đền được xây dựng trên một khu đất cao, rộng 8.587,2m2, hướng đông nam. Đền có các hạng mục kiến trúc: Nghi môn, bình phong, sân, miếu thổ thần, nhà bia, phủ Mẫu, giải vũ, nhà từ và công trình kiến trúc trung tâm, tạo thành một chỉnh thể mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc. Hiện nay, Đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, tiêu biểu như: Sắc phong, bia đá, kiệu bát cống, câu đối, đại tự, tượng thờ. Cả 3 đạo sắc phong trong Đền hiện còn lưu giữ đều của triều Nguyễn, bao gồm đạo sắc phong ngày 8-6, niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911) và 2 đạo sắc phong ngày 15-7, niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) phong cho Đương cảnh Thành hoàng Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Bia đá dựng tại góc sân bên trái đền, cao 110cm, rộng 60cm, dày 19cm, chạm khắc 2 mặt. Mặt trước, trán bia chạm họa tiết hoa đào, diềm bia trang trí họa tiết hóa long, chữ “vạn” và hoa cúc dây. Thân bia trên cùng khắc 6 đại tự “Hậu thổ thần miếu bi minh”, phía dưới khắc 16 dòng chữ Hán. Mặt sau, trán bia chạm hổ phù ngậm chữ “Thọ”, diềm bia trang trí họa tiết lá hóa long, cẩn quy. Thân bia phía trên khắc 6 đại tự: “Thần miếu tiến cúng bi ký”, phía dưới khắc 15 dòng chữ Hán. Nội dung văn bia ghi tên người đóng góp tiền của xây dựng các công trình tín ngưỡng. Căn cứ vào dòng lạc khoản thì bia được lập vào năm Canh Thân, triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920). Hằng năm, tại Đền diễn ra lễ hội truyền thống vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch với các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian như: Dâng hương, tế, rước kiệu, chọi gà, leo cầu ngô, tổ tôm điếm, hát chèo.

Di tích lịch sử Đền Tuân Lục thờ quan huấn đạo Đỗ Công Hạo. Sinh ra ở quê hương Tuân Lục, ông là người đầu tiên mở mang nền học vấn cho nhân dân trong làng và có công phò giúp triều đình nhà Lê sơ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Đền Tuân Lục còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức thánh Triệu Việt Vương cùng các vị thần như: Nam Hải chi thần, Cao Sơn thượng đẳng thần, Nam Hải Phạm Đại Vương và Hải thượng đẳng thần. Để ghi nhận công đức của các vị thần, tại di tích còn lưu giữ được hệ thống các đạo sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, cùng với đó là hệ thống các hiện vật như: Tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng, sấu gỗ… có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và khẳng định được giá trị lịch sử của di tích. Di tích Đền Tuân Lục được xây dựng trên một khuôn viên rộng với các hạng mục: Nghi môn, sân, vườn, giải vũ, công trình kiến trúc chính (tiền đường và cung cấm), lăng mộ, miếu thờ. Hiện nay, các hạng mục của Đền có trên 20 gian lớn nhỏ đều được gia công bằng các vật liệu truyền thống. Dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo song các hạng mục vẫn được nhân dân bảo vệ giữ gìn làm tăng sự bền vững, đồng thời thể hiện ý thức và trách nhiệm của nhân dân địa phương với di sản văn hóa, lịch sử ông cha để lại. Hằng năm, tại di tích diễn ra một số kỳ lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh dân gian đặc sắc nhằm tôn vinh công đức của các vị thần. Tiêu biểu nhất là kỳ lễ diễn ra trong 2 ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng để kỷ niệm ngày sinh của quan huấn đạo Đỗ Công Hạo. Lễ hội có nhiều nghi thức như: Dâng hương, tế lễ, đặc biệt là trò chơi dân gian “cướp Trái” không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn thể hiện tinh thần thượng võ, tri ân công đức của vị Thành hoàng làng. Những hình thức sinh hoạt văn hóa được tổ chức tại Đền Tuân Lục mang ý nghĩa tôn vinh, tưởng nhớ công lao của các vị thần và những bậc tiền bối có công với quê hương, đất nước.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, nhân dân các địa phương có 2 Di tích lịch sử này đã thường xuyên phát tâm đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích, thể hiện ý thức của nhân dân trong việc gìn giữ di sản văn hóa của cha ông, theo đúng quy định của Nhà nước. Tại xã Liêm Hải, ngay sau khi được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1996, UBND xã đã thành lập Ban quản lý di tích gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và các bậc cao niên trong làng. Hằng năm, Ban quản lý di tích đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác, tăng cường công tác bảo quản các hiện vật của di tích để phục vụ công tác nghiên cứu. Tại xã Hải An, chính quyền và nhân dân địa phương ngoài bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử, cũng làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu phát huy các giá trị của di tích, tổ chức lễ hội truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại di tích./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com