Những nghệ nhân làng nghề

08:04, 18/04/2014

Đến với các làng nghề trong tỉnh, chúng tôi được gặp gỡ những người nông dân với bàn tay tài hoa, khéo léo đã tạo ra những cây thế mang tính nghệ thuật cao hay những bức tranh giả cổ được khảm, đúc bằng trí tuệ và tâm huyết được nhiều người truyền tụng. Với những kinh nghiệm đã được đúc kết, rèn giũa trong lao động sản xuất kết hợp với ý tưởng sáng tạo, nhiều người đã được công nhận là “nghệ nhân làng nghề”.

Đồ gỗ giả cổ của nghệ nhân Phạm Văn Phiến, làng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu).
Đồ gỗ giả cổ của nghệ nhân Phạm Văn Phiến,
làng Phạm Pháo, xã Hải Minh (Hải Hậu).

Về xã Hải Minh (Hải Hậu), gặp gỡ những nghệ nhân làng nghề mới thấy được những tinh hoa nghệ thuật được làm ra từ bàn tay của những “lão nông tri điền”. Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Phạm Văn Phiến, Chủ tịch chi Hội Sinh vật cảnh làng Phạm Pháo, xã Hải Minh kể về những thế cây qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những “nghệ nhân” cây cảnh đã trở thành những tác phẩm có hồn, điển hình như đôi cây “Mai chiếu thủy” của ông Đinh Văn Phi, “Mai bò” của ông Phạm Văn Tuấn hay cây Vọng cách (Lão vọng) rỗng thân từ chân lên đến ngọn đã trải qua chín đời người chơi của nghệ nhân Phạm Văn Phiến. Những người làm nghề này một phần tự quan sát và học hỏi, còn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm trồng, chiết, chăm sóc cây, từ đó nắm được quy luật phát triển của từng loại cây để định hình, tạo dáng theo “phom”, theo thế. Những người nông dân nơi đây rất tự hào, bởi nghề cây cảnh ngoài việc đem lại sự thư thái trong tâm hồn, còn đem lại thu nhập cao cho bản thân và gia đình, nhiều người trở thành tỷ phú nhờ cây cảnh. Xã Hải Minh còn có nghề chế tác gỗ, buôn và chơi đồ cổ. Về chế tác, làm đồ gỗ giả cổ, người dân Hải Minh làm theo đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc. Với sự hướng dẫn của những nghệ nhân làng nghề, thanh niên là lực lượng chủ công phụ trách các khâu khó như đục, khảm, “chạm rồng trổ phượng”, các bà, các chị, các em nhỏ cũng có thể phụ vào đánh giấy giáp, sơn màu… Người dân ở xã Hải Sơn (Hải Hậu) những năm gần đây cũng trở nên khấm khá nhờ nghề trồng cây cảnh. Hiện nay, xã có hơn 2.000 hộ (trong tổng số 2.600 hộ dân trong xã) làm nghề trồng cây cảnh trên tổng diện tích 66,5ha; nhiều hộ trồng từ 1 mẫu trở lên có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, xã có gần 100 tỷ phú, tiêu biểu như các ông Trần Văn Trung, Vũ Văn Tuynh, Nguyễn Văn Thành, Hoàng Văn Xuyên, Trần Văn Quyết, Trần Văn Chinh, Vũ Văn Giang, Hoàng Việt Dũng… Xã đã có quy hoạch mở rộng vùng chuyên canh hoa cây cảnh, đạt diện tích 183,26ha vào năm 2015. Trong số 27 làng nghề được huyện công nhận, có làng nghề sản xuất đồ gỗ Phạm Rỵ, xã Hải Trung. Người thôn Phạm Rỵ gắn bó với nghề mộc từ những năm 1935-1940. Nhiều thợ giỏi của làng đã từng đi khắp các địa phương trong cả nước tham gia xây dựng các nhà thờ, đền đài và nghề truyền thống đó được phát huy đến ngày nay. Gặp ông Phạm Quốc Toản ở xóm 8, xã Hải Trung, người được huyện công nhận là nghệ nhân, ông cho biết, năm 2011, ông nhận thi công chùa Đậu ở huyện Thường Tín (Hà Nội) gồm phục dựng ngôi chính tam bảo, thánh điện, thượng điện thời gian kéo dài trong 1 năm, tạo việc làm cho 35 lao động trong xã. Để giảm chi phí khi xây dựng các công trình ở ngoài tỉnh, các nghệ nhân thường sử dụng một số thợ giỏi của làng nghề, còn lại thuê lao động tại địa phương có công trình; một số công đoạn còn được gia công tại nhà, sau đó chuyển đến công trình. Thôn Phạm Rỵ có 614 hộ thì có trên 320 hộ làm nghề mộc, trong đó hơn 20% số hộ có 5-10 lao động, thợ giỏi có thu nhập 200-250 nghìn đồng/ngày.

Với lịch sử hình thành hàng trăm năm nay, các làng hoa, cây cảnh như Điền Xá, Nam Toàn (Nam Trực) hay Hải Sơn (Hải Hậu) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn vang danh khắp cả nước. Tại những làng nghề truyền thống này, nhiều cây sanh, cây si qua sự chăm sóc, tạo dáng, cắt tỉa của các nghệ nhân có giá bán tính bằng tiền tỷ. Thoăn thoắt cắt những đám lá mọc lô xô khỏi tán, chuốt lại “phom” chuẩn cho cây sanh thế “Sư tử hý cầu” của một gia đình tại Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), anh Nguyễn Ngọc Sơn, xã Nam Toàn (Nam Trực), có thâm niên hơn 20 năm trong nghề sửa cây, cho biết: Với những người thợ có tay nghề cao, thời gian chỉnh sửa một cây cảnh cỡ nhỏ hoặc trung bình từ 1-2 tiếng. Sau khi đã định hình kiểu dáng, người thợ cắt bỏ những nhánh thừa, sau đó dùng dây nhôm cuộn xoắn theo những cành, nhánh để uốn định hình thế cây đã lựa chọn. Tùy thuộc vào từng loại cây là sanh, si, đa, tùng La hán hay quất, đào… mà người thợ lựa chọn kiểu cho phù hợp… Do luôn đòi hỏi sự sáng tạo tối đa nên để trở thành một nghệ nhân là điều không đơn giản(!). Ở tỉnh ta, có những nghệ nhân nổi tiếng trong nghề dù tuổi đời chỉ ngoài 40 như ông Phạm Minh Châu, ông “Vua lộc vừng” Phạm Trà ở xã Nam Toàn, ông Nguyễn Văn Hoan ở xã Điền Xá (Nam Trực), nghệ nhân Lê Văn Thoại, ở Thị trấn Cồn (Hải Hậu)… Với tay nghề của những nghệ nhân, mỗi tháng họ có thu nhập 20-30 triệu đồng.

Với đôi bàn tay tài hoa và trí óc sáng tạo…, những nghệ nhân làng nghề đang hằng ngày truyền thụ cho lớp con cháu kiến thức và sự tinh tế trong việc gìn giữ, phát huy sức sáng tạo tinh hoa trong nghề, góp phần phát triển làng nghề ngày càng hưng thịnh./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com