Từ thành phố Nam Định theo quốc lộ 10 về phía Ninh Bình khoảng 20km, rẽ phải vào đường 57 khoảng 4km là đền thờ Đức thánh Tổ thuộc thôn Tống Xá, xã Yên Xá huyện Ý Yên.
Tống Xá là một vùng đất được hình thành vào cuối thế kỷ VIII do công lao của Tống Phúc Thành. Từ một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, Tống Phúc Thành đã chiêu tập dân phiêu tán khắp nơi thành lập một khu đất trù phú với diện tích khoảng 1.450 mẫu. Ban đầu mảnh đất này có tên là trang Kiến Hòa. Sau này để tưởng nhớ công lao của Tống Phúc Thành, nhân dân đã đổi tên Kiến Hòa thành Tống Xá.
Về làng Tống xá, nếu như Tống Phúc Thành là ông tổ có công lao đặt nền tảng khai sinh ra mảnh đất thì Nguyễn Minh Không lại được nhân dân tôn làm ông tổ của nghề đúc đồng nổi tiếng nơi đây.
Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh năm 1076, con ông Nguyễn Tất Đạt, quê ở Gia Viễn - Ninh Bình. Khi mới xuất gia, Nguyễn Chí Thành theo học nhà sư Giác Không ở chùa Diên Phúc, xã Yên Vệ, phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Từ đây ông được sư phụ đặt cho pháp danh là Minh Không.
Đền thờ Đức Thánh Tổ, xã Yên Xá, huyện Ý Yên. |
Quá trình tu hành của Thiền sư Nguyễn Minh Không được dân gian và sử sách truyền tụng với nhiều sự linh dị lạ thường. Ngoài những truyền thuyết mang tính huyền bí về pháp thuật như chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông, ông còn là một thi nhân với nhiều bài thơ nổi tiếng như: Ngôn hoài, Ngư nhàn... Đọc thơ của ông, người ta có thể cảm nhận được tình yêu đời sống đồng quê thanh nhàn và một làn điệu trữ tình sâu sắc, mang âm hưởng của Thiền học.
Không chỉ có thế, Nguyễn Minh Không còn là người đúc nên những công trình nặng hàng nghìn cân, mệnh danh là đại khí của nước ta như: Vạc Phổ Minh, chuông chùa Phả Lại...
Cuốn thần phả do tiến sĩ Vũ Huy Trác soạn năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) cho biết trong khoảng thời gian từ năm 1115 đến năm 1120, Nguyễn Minh Không đã về làng Tống Xá thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, dân cư thuần hậu, đặc biệt chất đất nơi đây thích hợp để làm khuôn đục nên ông đã lưu lại , truyền lại nghề đúc cho nhân dân địa phương.
Nối tiếp sự nghiệp của ông truyền dậy, các thế hệ người dân ở đây đã khéo léo kết hợp kinh nghiệm truyền thống và sự sáng tạo để ngày càng hoàn thiện trình độ. Những công trình đúc liền khối với trọng lượng hàng chục tấn trên khắp mọi miền đất nước đều được những nghệ nhân nơi đây hoàn thành đảm bảo kỹ, mỹ thuật. Nhớ ơn ông, người đã truyền nghề cho dân làng, nhân dân Tống Xá đã thờ tự ông ngay bên cạnh vị tổ lập làng là Tống Phúc Thành, đời đời về sau tri ân hai vị tổ của quê hương. Chính vì vậy mà câu đối tại đền đã viết:
Phục tiên trù ư điền mẫu
Khải hậu thế dĩ công nông
(Nối theo vị khai khẩn đất của người xưa nơi đồng ruộng
Mở cho đời sau các nghề thợ và nghề nông)
Ngôi đền Tống Xá còn gọi là đền Đức Thánh Tổ được xây dựng tại trung tâm thôn Tống Xá. Đền được xây theo hướng tây nam, phía trước là con đường liên xã rộng rãi, thuận lợi cho việc phát huy giá trị di tích.
Trước đây ngôi đền chỉ có tòa trung đường 3 gian và hậu cung 4 gian làm theo kiểu chữ đinh. Năm 2000, nhằm đáp ứng nhu cầu chiêm bái của người dân nên địa phương đã xây dựng thêm 5 gian tiền đường, tạo cho khu vực đền có tổng cộng 12 gian theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh. Mặc dù mới được xây nhưng công trình tòa tiền đường vẫn mang phong cách kiến trúc truyền thống với hệ thống vì bằng gỗ được sơn thếp chu đáo.
Tòa trung đường với 2 bộ vì được làm bằng gỗ lim theo kiểu chồng rường giá chiêng. Phần chạm khắc ở đây được điểm xuyết các họa tiết lá lật, mây tản cùng các hoa lá cách điệu được gia công một cách mềm mại, thanh thoát.
Hậu cung gồm 4 gian xây dọc nối với trung đường. Cả 3 bộ vì cung cấm được làm theo kết cấu mê cốn, chạm kênh bong họa tiết tứ linh, long cuốn thủy, triện tàu lá dắt... Toàn bộ đều được sơn thếp chu đáo tạo sự trang nghiêm, lộng lẫy cho nơi đặt tượng thờ của vị tổ làng nghề.
Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc, đền Tống Xá còn là nơi diễn ra lễ hội vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ tưởng niệm ngày ông tổ làng nghề đặt chân đến đây và truyền nghề cho nhân dân. Lễ hội ngoài những phần lễ tế, rước để tưởng niệm Đức Nguyễn Minh Không, ban tổ chức còn tổ chức những trò chơi dân gian như tổ tôm điếm, bắt vịt dưới ao, vật cù... Ngoài ra, tham gia lễ hội, du khách còn có dịp tìm hiểu rõ hơn về mảnh đất và con người Tống Xá, về sự phát triển của một làng nghề truyền thống.
Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định