Đền – Chùa xã Hạ

05:04, 15/04/2014

    Chùa và đền xã Hạ (nay thuộc xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu) là di tích lịch sử - văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng  năm 1995. Xã Hạ còn có tên là Quần Anh Hạ. Quần Phương Hạ vốn xưa kia thuộc đất Quần Anh - Cái nôi của công cuộc khai hoang lấn biển, từ hơn 5 thế kỷ trước. Cùng với việc mở mang đất đai, phát triển sản xuất, các tổ khai sáng còn xây dựng đền, chùa để chăm lo tới đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân. Theo một số văn bia còn lưu giữ được tại di tích, thì từ triều vua Minh Mệnh năm thứ 4 (1823) chùa xã Hạ được xây dựng với tên chữ là “Anh Quang tự” (chùa Anh Quang).

    Chùa Anh Quang là một công trình kiến trúc quy mô, tuy đã sửa nhiều lần nhưng vẫn bảo lưu được đường nét, phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Phía trước sân chùa có hệ thống tam quan 3 tầng với kiểu kiến trúc chồng diêm, mái cong, trang trí đề tài tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết truyền thống. Từ hệ thống tam quan vào tòa bái đường là một sân rộng, lát gạch phẳng phiu, phía bên trái có tháp mộ được xây bằng gạch Bát Tràng với những đường nét trang trí đẹp, nghệ thuật. Khu vực thờ chính của chùa Anh Quang được thiết kế kiểu chữ công, có tất cả 15 gian bao gồm bái đường, tam bảo và thượng điện. Ngoài ra ở phía sau còn có gác chuông, nhà tổ, tăng phòng và hai dãy nhà hành lang hai bên tạo thành kết cấu nội công, ngoại quốc hài hòa, kín đáo. Nổi bật, độc đáo hơn cả là tòa bái đường 5 gian ở phía trước. Công trình với kiểu kiến thiết chồng diêm, 2 tầng mái cong lợp ngói nam mang đậm phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê thế kỷ XVIII. Các cấu kiện kiến trúc bên trong làm bằng gỗ lim, chạm khắc lá lật cách điệu, soi ống tơ, chỉ nổi nên mặc dù kích thước khá lớn nhưng vẫn có đường nét mềm mại, thanh thoát. Tuy không đục chạm cầu kỳ, chi tiết nhưng nhìn chung tòa bái đường vẫn gây được cảm xúc cho mọi người khi đến thăm chùa. Phía sau thượng điện là gác chuông được xây dựng trong hai năm 1834 và 1835. Công trình làm theo kiểu chồng diêm 3 tầng, tuy xây dựng bằng gạch nhưng vẫn giữ được phong cách nghệ thuật của dân tộc với việc thiết kế các cột trụ, đầu đao ở bốn góc và hệ thống cửa uốn kiểu vành mai độc đáo.

Chùa và đền xã Hạ (nay thuộc xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu)
Đền - Chùa xã Hạ (nay thuộc xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu).

    Ngoài vẻ đẹp và quy mô kiến trúc, chùa Anh Quang còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị. Đó là hệ thống tượng pháp khá phong phú, chạm khắc nghệ thuật, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho Tam thế, Phật bà, Thích Ca, Cửu Long v.v… Các câu đối, đại tự, cửa võng cũng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Ngoài ra chùa Anh Quang còn nhiều văn bia ghi lại việc dựng chùa, ghi tên những người đóng góp tiền của, công đức. Đặc biệt trên gác chuông còn giữ được quả chuông đúc từ đời vua Minh Mệnh năm thứ 8 (1827). Chuông có đường kính 0,60m; cao 0,90m với dáng đẹp, chạm khắc đề tài tứ linh và trang trí nhiều họa tiết với đường nét nhấn tỉa mạch lạc.

    Bên cạnh chùa Anh Quang là đền Chính, thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, gồm 3 tòa, 12 gian thiết kế kiểu “tiền nhất, hậu đinh” và đền thờ các liệt tổ với 8 gian làm kiểu chữ đinh. Mặc dù mang phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn nhưng các cấu kiện kiến trúc của hai công trình này đều được chạm khắc, kênh bong đề tài long cuốn thủy, phượng múa, ly chầu, rùa ẩn mình dưới ao sen vv… cùng các họa tiết triện tàu, lá lật cách điệu. Cả hai công trình này cũng còn giữ được khá nhiều câu đối, đại tự, cuốn thư với nội dung ca ngợi công lao của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và các liệt tổ có công khai hoang mở đất. Ngoài ra ở đền Chính còn tấm bia đá được tạc vào niên hiệu đời vua Gia Long năm thứ 15 (1816) với các họa tiết đẹp, đường nét đục chạm sắc sảo.

    Chùa Anh Quang cùng với đền Chính, đền thờ các liệt tổ đã tạo nên một quần thể di tích không chỉ ý nghĩa về lịch sử mà còn có nhiều giá trị nghệ thuật, là niềm tự hào của nhân dân địa phương.

    Để tỏ lòng biết ơn các liệt tổ khai sáng và khai thác vốn văn hóa truyền thống của quê hương, hàng năm cứ vào dịp đầu xuân nhân dân Hải Bắc tổ chức mở lễ hội. Lễ hội chùa, đền xã Hạ bao giờ cũng được chia làm hai kỳ. Ngày 6 tháng giêng là ngày nhân dân địa phương kỷ niệm các liệt tổ đã đặt chân tới mảnh đất này. Lễ hội tổ chức vào ngày này cũng là dịp để con cháu các họ gần, xa về quê hương thăm viếng mồ mả tổ tiên, ra chùa lễ Phật. Ngoài việc tế lễ, rước kiệu, ngày hội còn tổ chức các trò vui như thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm; đặc biệt là thi hát chèo, hát ả đào. Hải Bắc vốn tự hào là nơi có truyền thống hát ả đào từ lâu đời. Trước kia ở xóm Tây có miếu thờ tổ dậy nghề hát còn gọi là “cầm ca nhĩ tổ” (thờ tổ đàn ca). Thời phong kiến, các quan huyện thường về dự hội thưởng thức hát ả đào để khai xuân. Ngày nay miếu “Cầm ca nhĩ tổ” không còn nhưng Đảng bộ, chính quyền xã Hải Bắc vẫn quan tâm xây dựng đội văn nghệ của địa phương với nhiều tiết mục độc đáo, nhiều giọng hát hay, tay đàn giỏi để phục vụ những ngày diễn ra lễ hội. Sau kỳ lễ hội đầu tháng giêng, trong các ngày 14,15 và 16 tháng 2 âm lịch, địa phương lại tổ chức kỳ lễ hội thứ hai và đây được coi là kỳ lễ hội chính trong năm. Trong những ngày này không khí ở Hải Bắc thật vô cùng náo nhiệt vì đây là dịp để mọi người cùng nhau hội tụ, gặp gỡ thăm hỏi nhau. Các gia đình lo chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm để đón tiếp bà con đi làm ăn ở phương xa về thăm chốn tổ, lễ Phật và lễ Mẫu. Ngoài việc tụng kinh, tế lễ, trong những ngày diễn ra lễ hội, địa phương còn tổ chức rước kiệu phụng nghinh thánh và các trò vui chơi, giải trí, như tam cúc, đấu cờ, múa sư tử, chọi gà, bơi thuyền, hát chèo trên sông trước cửa chùa vv... mang đậm màu sắc văn hóa quê hương và tinh thần thượng võ của dân tộc.

    Lễ hội chùa, đền xã Hạ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Hải Bắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của con cháu đối với công lao tiên tổ.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com