Đền – chùa Thọ Vực

05:04, 29/04/2014

    Đền -  chùa Thọ Vực thuộc xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường là hai công trình tôn giáo, tín ngưỡng có lịch sử xây dựng và phát triển gắn liền với công cuộc khẩn hoang, tạo lập làng xã diễn ra vào những năm đầu thế kỷ XV.

    Cách đây hơn 500 năm, mảnh đất Thọ Vực nói riêng và vùng đất nằm ở phía nam sông Cường (Ninh Cơ) nói chung, bao gồm các xã thuộc hai huyện: Giao Thủy, Hải Hậu ngày nay đều là bãi bồi ven biển, quanh năm ngập nước. Sau công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh thắng lợi, ngoài những chủ trương, chính sách tích cực để phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống các vua nhà Lê còn quan tâm đến việc mở rộng diện tích đất đai thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cho phép những nơi nào người ít ruộng nhiều hoặc còn hoang hóa thì người nơi khác đến khai khẩn, lập thành các trang trại để cấy cày. Do vậy, vùng đất bồi, ngập nước phía nam sông Cường (Ninh Cơ) đã trở thành nơi thu hút nhiều nhân lực ở các nơi tìm về khai phá.

Đền -  chùa Thọ Vực thuộc xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường
Đền - chùa Thọ Vực thuộc xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường

    Qua nghiên cứu, khảo sát các nguồn tư liệu Hán nôm như: Thần tích, văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự hiện lưu giữ tại di tích, đặc biệt là cuốn tư liệu: Thọ Vực xã chí gia huấn diễn ca (1) thì vào khoảng niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497) có vị thủy tổ tên gọi là Cầm Phúc cùng 6 vị tổ các dòng họ: Nguyễn, Phạm, Vũ, Lê, Đinh, Đặng từ vùng đất Hà Đông xuống đây khẩn hoang lập ấp. Sách Thọ Vực xã chí gia huấn diễn ca có đoạn chép như sau:

 “Một xem huân nghiệp tiên công
Khẩn điền vâng chiếu đến vùng hải liêu
Khoảng năm Hồng Đức Lê triều
Tới đây lập giới, định điền nghĩa xa…”

    Công cuộc khẩn hoang của các vị thủy tổ trên miền đất mới rất khó khăn vất vả, tốn nhiều công sức, tiền của. Sau khi đồng đất đã dần dần hình thành, các vị thủy tổ lại cho khơi thêm những con ngòi nhỏ để đưa nước ngọt vào đồng phục vụ thau chua rửa mặn. Với hệ thống đê điều bảo vệ, kết hợp với mạng lưới sông ngòi mương máng phong phú, công cuộc khai hoang mở đất của các vị thủy tổ đứng đầu là vị tổ Cầm Phúc đã thu được nhiều kết quả. Từ vùng bãi bồi quanh năm ngập nước, qua bàn tay lao động cần cù, dũng cảm của các tổ khai sáng đã hình thành nên vùng đất rộng lớn ước tính khoảng trên 700 mẫu. Trong số các ruộng đất đã khai khẩn được, thủy tổ Cầm Phúc và các tổ 6 dòng họ đã trích ra một phần dùng để cấp cho những người học hành thi cử gọi là ruộng “khoa điền” và những người đi lính gọi là ruộng“xã binh”.

    Công lao mở đất buổi ban đầu của các tổ khai sáng đã được nhân dân địa phương ghi nhận bằng tấm lòng biết ơn, trân trọng, thành kính, đúng như nội dung câu đối nhấn vữa tại đền.

Mẫu tịch nam, đông cân thịnh lợi
Công đồng phụ mẫu tịnh sinh thành.

(Ruộng đất mở ra ở cõi nam, cõi đông đều trở thành nơi thịnh vượng
Công lao ấy ngang với công sinh thành của bố mẹ).

    Đền – chùa Thọ Vực hiện nay xây dựng trên khu đất cao rộng có diện tích hơn hai mẫu Bắc bộ, kề sát đường giao thông nên thuận tiện cho việc phát huy giá trị.

    Đền Thọ Vực xây dựng theo kiểu: “nội chữ công, ngoại chữ quốc” gồm các hạng mục tiền đường 5 gian, trung đường hai gian và cung cấm ba gian. Bao quanh công trình chính còn có 6 gian giải vũ và ba gian nhà khách với tổng cộng 19 gian lớn nhỏ. Tất cả các công trình của đền đều được xây dựng bằng chất liệu vôi vữa, mái lợp ngói nam.

    Chùa Thọ Vực, tên chữ là Thiên Thọ tự (chùa Thiên Thọ) có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm hai hạng mục: Bái đường 5 gian và Tam bảo bốn gian. Tòa bái đường 5 gian xây kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái, lợp ngói nam. Tòa tam bảo có bốn gian được xây dựng kiểu chồng diêm bốn mái mang phong cách truyền thống.

    Trên mặt bằng tổng thể của chùa còn có các hạng mục: Phủ mẫu ba gian, nhà tổ ba gian, nhà khách ba gian, tăng phòng 5 gian với 26 gian lớn nhỏ tạo thành thế khép kín bảo vệ chùa.

    Hàng năm tại di tích đền – chùa Thọ Vực vào các dịp tháng giêng, tháng sáu âm lịch, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ hội để bày tỏ tấm lòng tri ân công đức với các vị thủy tổ có công khai sáng. Trong ngày hội làng, ngoài nghi thức tế, lễ, rước kiệu… dân làng còn có tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đấu roi, thi đấu cờ người, leo cầu ngô, bắt vịt. Đây là những trò chơi dân gian đã được nhân dân địa phương duy trì và phát triển từ lâu đời nhằm tái diễn lại cuộc sống khó khăn gian khổ ở nơi miền đất mới của dân làng và của các vị thủy tổ. Lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại đền – chùa Thọ Vực đã trở thành một nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tôn vinh công đức của  tiền nhân.

    Di tích đền – chùa Thọ Vực đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

-----------------

1. Sách viết bằng chữ Nôm, niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943) hiện đang lưu giữ tại đền Thọ Vực, xã Xuân Phong.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com