Đền và chùa Kiên Lao tọa lạc ở phía bắc xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng hơn 20km về phía đông nam.
Trước cách mạng tháng tám năm 1945, đền và chùa Kiên Lao được xây dựng trên cùng một khu vực thuộc thôn Đoài Tự, xã Kiên Lao. Năm 1959, xã Kiên Lao được chia thành hai xã Xuân Kiên và Xuân Tiến, di tích đền và chùa Kiên Lao thuộc về xã Xuân Kiên. Mặc dù, di tích nằm trên địa giới hành chính của xã Xuân Kiên nhưng nhân dân của hai xã Xuân Kiên, Xuân Tiến đều coi đây là di tích chung và cộng đồng trách nhiệm trong công tác trùng tu bảo quản, phát huy giá trị.
Đền và chùa Kiên Lao hiện nay nằm trên một khu đất rộng khoảng hơn 5 mẫu Bắc Bộ, kề sát đường giao thông nên rất thuận lợi cho công tác phát huy giá trị.
Đền Kiên Lao là di tích có giá trị lịch sử, là nơi để dân làng tri ân công đức của đức thánh Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc có công cùng với Triệu Việt Vương đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI.
Vào thế kỷ thứ VI, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí thành công, Nhà nước Vạn Xuân ra đời. Nhà Lương đem quân xâm lược nước ta, Lý Nam Đế lãnh đạo nhân dân kháng chiến bị thất bại, Triệu Quang Phục là võ tướng của triều Tiền Lý đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc. Do có nhiều công lao với dân, với nước nên sau khi ông mất, nhân dân nhiều nơi lập đền thờ để ghi nhớ công ơn.
Đền - chùa Kiên Lao thuộc xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, |
Đền Kiên Lao còn thờ anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông là một danh tướng kiệt xuất trong cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ XIII. Với những công lao to lớn với dân tộc nên nhân dân làng Kiên Lao đã rước chân nhang của ngài về thờ vọng ở đền tri ân công đức. Hiện nay, trong cung cấm thờ đức Thánh Trần tại đền Kiên Lao còn bài vị ghi dòng chữ: Trần triều hiển thánh chánh Thái sư Thượng quốc công nhân vũ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tặng phong chí trung đoan nghĩa hùng huân vĩ liệt thượng thượng đẳng thần.
Ngoài việc thờ tự các nhân vật lịch sử, tại đền Kiên lao còn thờ 13 vị tổ của các dòng họ: Nguyễn, Lương, Trần, Phạm, Đào, Đinh, Trịnh, Đỗ, Mai, Ngô, Lê, Đặng và Vũ. Đó là các vị có công đầu trong cuộc khai hoang, lấn biển thành lập nên mảnh đất Kiên Lao giàu đẹp ngày nay.
Đền Kiên Lao ngày nay được xây dựng trên khu đất thuộc xóm 8 xã Xuân Kiên. Ngôi đền kiến trúc theo kiểu chữ nhị gồm hai tòa: Tiền đường 5 gian và cung cấm 3 gian.
Tòa tiền đường có kích thước dài 17,80m chia thành năm gian, hai chái. Bộ khung công trình gia công bằng gỗ lim theo kiểu bốn hàng chân cột, tất cả các chân cột đều đặt trên chân tảng đá chạm khắc đơn giản. Bộ vì tiền đường thiết kế theo kiểu: “chồng rường giá chiêng”. Tại đây các cấu kiện từ xà lòng, xà nách, bẩy tiền, bẩy hậu đến hệ thống bẩy cổ ngỗng ngoài việc đẽo gọt công phu còn được chạm khắc phong phú đề tài: “Long, ly, quy, phượng” mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Nối tiếp với tiền đường là ba tòa cung cấm nằm song song với nhau và được kết cấu theo kiểu: “Tiền đao hậu đốc” mang phong cách nghệ thuật thời hậu Lê thế kỷ XVIII.
Cung thờ chính giữa là nơi bài trí ba pho tượng, ngôi giữa là pho tượng đức thánh Triệu Việt Vương được đúc bằng chất liệu đồng. Tượng được tạc ngồi, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo chạm rồng, vân án, hai bên là tượng Tả đô đài Nguyễn Phúc và Hữu đô đài Nguyễn Lộc.
Cung bên phải là nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Cung bên trái là nơi đặt khám và bài vị của 13 vị tổ các dòng họ đến đây khai hoang lập ấp.
Nằm về phía bắc đền Kiên Lao là ngôi chùa có tên chữ là Sùng Phúc tự. Theo tấm bia “Sùng phúc tự bia ký” niên hiệu Hoằng Định thứ 17 (1618), hiện đặt tại chùa thì ngôi chùa đã được nhân dân trong vùng đóng góp công sức, tiền của trùng tu tôn tạo. Hiện nay chùa Kiên Lao được kiến trúc theo kiểu: “nội chữ công ngoại chữ quốc”, gồm bái đường 7 gian, thiêu hương 4 gian và thượng điện 7 gian mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Bao quanh công trình chính còn có hai dãy hành lang, nhà tổ, nhà khách, vườn tháo mộ tạo thế khép kín bảo vệ chùa.
Bốn năm một lần tại di tích đền và chùa Kiên Lao vào các dịp: 15 tháng 8 , 20 tháng 8 và ngày 12 tháng 11 (âm lịch), nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức lễ hội để bày tỏ tấm lòng tri ân công đức đối với các vị thần được thờ phụng tại di tích. Trong ngày hội làng ngoài nghi thức tế, lễ, rước kiệu địa phương còn tổ chức hát ca trù. Đăc biệt trong ngày lễ hội còn có sự tham gia của tiết mục đi kheo biểu diễn các tích trò do con em quê hương Kiên Lao đi khai hoang lấn biển thuộc các huyện: Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu mang về đã góp phần cho ngày hội làng thêm phong phú.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định