Đền - Chùa Diêm Điền

05:04, 10/04/2014

    Đền – Chùa Diêm Điền xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy nằm ven đường giao thông bên cạnh trụ sở Ủy ban nhân dân huyện nên rất thuận lợi trong việc đón khách tham quan và phát huy giá trị của di tích.

    Đền Diêm Điền thờ thành hoàng và các tổ lập làng.

    Vào thời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) có 10 gia đình mang họ khác nhau, cùng kết nghĩa bạn bè rời quê hương Thiên Bản (Vụ Bản) về trang Hà Cát (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam) khai hoang lấn biển. Lúc đầu, họ dựng lều trên cồn cát để ở, sinh sống bằng nghề làm muối, nên về sau đặt tên làng là “Diêm Điền”, nghĩa là cánh đồng muối. Cùng với việc phát triển của làng xã, người dân Diêm Điền đã biết cải tạo đồng ruộng, dẫn nước ngọt về thau chua rửa mặn ruộng đồng và trồng được các loại lúa Sung, lúa Giờ, lúa Hoa Dâu, là những loại lúa thân cao, dầy nhánh, có sức chịu đựng chua mặn, ngập úng. Điều kiện làm ăn ngày càng thuận lợi và đất lành chim đậu, nhân dân các nơi xin về nhập cư ngày càng nhiều. Đến năm 1614 quan đại thần Lưu Đình Chất làm Dinh điền sứ tại vùng biển Giao Thủy, xuất tiền đắp đê, lập ra 12 xã, trong đó có Diêm Điền. Khi ấy nhân dân trong xã mới dựng đền, rước chân nhang thành hoàng quê gốc  của 10 ông tổ là Lê Đình Hương - một tướng tiên phong có công dẹp giặc Thục dưới thời Hùng Duệ Vương về thờ làm thành hoàng của làng mới Diêm Điền. Ngoài ra để nhớ ơn mười vị tổ các họ: Đoàn – Lê – Trần – Nguyễn – Phạm – Đặng – Hoàng – Hà – Bùi – Vũ, dân địa phương đặt thần vị thờ phối ở trong đền. Năm 1675 mười ông tổ được phong tước bá và ban mỹ tự để thờ là: “Phụng thiên khai cơ chiêu dân lập ấp bảo thành trợ thuận hoằng nhân giáo nghĩa” có nghĩa là: Vâng mệnh trời khởi xướng việc chiêu dân lập làng, giữ gìn công việc thuận lợi, khuếch trương việc nhân nghĩa dạy dỗ nhân dân.

Đền – Chùa Diêm Điền thuộc xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy.
Đền – Chùa Diêm Điền thuộc xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy.

    Hiện nay còn đôi câu đối nhấn tại hiên tiền đường ca ngợi công lao của các vị tổ:

“Hoành hải hữu đê Lưu sứ thủy
Diêm Điền lập ấp thập công tiên”

(Đê ngang được đắp do quan Dinh điền sứ
Lập ấp Diêm Điền nhờ công mười vị tổ).

    Ngôi đền ban đầu làm bằng tranh tre, sau dần mở mang. Đến thế kỷ XIX đền được xây dựng lớn theo kiểu chữ đinh.

    Tòa tiền đường gồm có 5 gian, hai gian ngoài cùng được xây vít có tạo cửa sổ để thông thoáng, ba gian giữa tạo cửa ra vào, cánh cửa gỗ kiểu thượng song hạ bàn. Hai đầu hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tiền đường gồm có 4 bộ vì. Gánh đỡ mỗi bộ vì là bốn cây cột gỗ lim đường kính 0,30m ; đặt trên chân tảng đá xanh. Các vì nóc được làm theo kiểu ván mê, chạm khắc hổ phù, rồng bay trong mây. Vì nách chạm tứ linh. Trên các câu đầu, các bẩy ngoài những đường chỉ đơn, chỉ kép còn nhấn tỉa những cánh lá lật mềm mại, khiến cho từng bộ phận tách riêng ra cũng không đơn điệu và khi hòa nhập trong một tổng thể nó lại càng hỗ trợ nâng giá trị chung cho toàn thể công trình.

    Bốn gian cung cấm được nối với tiền đường bằng hệ thống cửa bức bàn, bộ vì được làm theo kiểu ván mê. Ở cung cấm đền Diêm Điền các mảng chạm khắc kỹ thuật tinh xảo với đề tài lưỡng long chầu nguyệt, mai hóa... đặc biệt là hình ảnh tứ linh sinh động ở ván mê: rồng bay lượn trong mây, phượng đang tung cánh, rùa ly vừa chạy, vừa ngoái cổ lại nhìn nhau.

    Chùa Diêm Điền được nhân dân xây dựng sau khi dựng đền. Chùa được làm theo kiểu chữ đinh, bái đường 5 gian, thượng điện 3 gian. Hệ thống cột và tường bao quanh được xây bằng gạch, mái lợp ngói nam.

    Nhà tổ nằm lui về phía sau chùa, gồm 5 gian thiết kế theo kiểu chồng diêm với các bờ bảng, mái cong, các con kìm, kẻ góc, đầu đao được gia công khá công phu và nghệ thuật.

    Di tích đền - Chùa Diêm Điền là nơi có nhiều mối liên quan đến phong trào cách mạng của địa phương, đặc biệt trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền. Đây là địa điểm cho các đội tự vệ địa phương luyện tập quân sự, võ nghệ. Tại đền còn có hầm bí mật cất giữ tài liệu, che chở bảo vệ cán bộ hoạt động lâu dài.

    Ngày nay, người dân Diêm Điền đang xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trù phú hơn. Để tưởng nhớ buổi ban đầu các ông tổ bắt tay khai khẩn mảnh đât này, hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch dân làng tổ chức lễ hội rước giao hảo từ đền Hà Cát về đền Diêm Điền. Khi đoàn rước về đến đền ngoài việc tiến hành các nghi lễ còn có nhiều trò vui diễn ra trong hội như: đấu võ, thả diều, nhưng hấp dẫn nhất là thi đấu cờ người.

    Đền -  Chùa Diêm Điền đã được Bộ văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com