Chùa Ninh Cường có tên chữ là Phúc Ninh tự thuộc xã Trực Cường huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Ninh Cường là mảnh đất nằm ở phía tây ấp Quần Cường, gắn liền với sự kiện khai hoang lấn biển tạo lập làng xã Quần Anh vào thế kỷ XV do bốn ông tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập khởi xướng. Đầu thế kỷ XVII, vùng đất này tách ra khỏi Quần Anh thành lập một xã mới có tên là Ninh Cường. Năm 1956, xã Ninh Cường tách thành ba xã là Trực Thái, Trực Phú, Trực Cường như ngày nay.
Từ thành phố Nam Định đến chùa Ninh Cường có thể đi bằng hai con đường:
Từ thành phố Nam Định đi qua cầu Đò Quan, theo đường 21 về thị trấn Yên Định – huyện Hải Hậu, tiếp tục rẽ theo đường 56 khoảng 9km là đến di tích.
Từ thành phố Nam Định đi qua cầu Đò Quan theo đường 55 về thị trấn Liễu Đề - huyện Nghĩa Hưng, rẽ phải qua đò Ninh Cường theo đường 56 khoảng 2km là đến di tích.
Theo tấm bia được soạn khắc ngày 6 tháng 4 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769) cho biết vào năm đó chùa Ninh Cường bắt đầu được xây dựng ở vị trí xóm Thái Học. Sau này để thuận lợi cho nhân dân chiêm bái, ngôi chùa đã được chuyển về xóm Đề Thám như hiện nay. Văn bia được soạn khắc vào năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) cho biết thời gian này nhân dân cùng quan viên xã đã cho đắp lại một số pho tượng. Văn bia soạn khắc vào đời vua Khải Định năm thứ 10 (1925) ghi lại việc nhà sư Chính Phước cùng hội Phúc Khánh tu sửa tòa Tam bảo, xây dựng đền Thánh Mẫu cùng hai dãy hành lang. Đến năm 1930 trong xã lại tu sửa lại toàn bộ chùa. Như vậy trải qua thời gian, chùa Ninh Cường đã qua nhiều lần tu sửa nhưng nhìn chung vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc.
Chùa Ninh Cường có tên chữ là Phúc Ninh tự thuộc xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. |
Chùa Ninh Cường được xây dựng trên một khu đất rộng rãi, cao ráo cách xa khu dân cư. Chùa được xây theo hướng bắc, phía ngoài có tam quan làm kiểu chồng diêm 3 tầng. Phía trong tam quan có sân rộng, hai bên là tường hoa, nhà bia.
Phía đông, tây chùa có đền thờ Quán Thánh và phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh làm kiểu chữ đinh, tiền đường ba gian, chính tẩm hai gian thiết kế lối chồng diêm cổ đẳng tạo thành một không gian đăng đối, hài hòa theo chiều ngang mà ngôi chùa nằm chính giữa.
Chùa chính gồm có bái đường 7 gian, tam bảo 4 gian, gác chuông 3 gian, hai bên có hành lang, nhà khách , tăng phòng 20 gian, phía sau là đền thờ tổ khai sáng 5 gian và hệ thống nhà kho, nhà bếp 10 gian, đưa tổng số gian lớn nhỏ lên tới 62 gian.
Tiền đường ngôi chùa gồm có 8 bộ vì làm theo kết cấu tứ hàng chân, thượng chồng rường hạ bẩy kẻ, đặt trên 32 cây cột lim đường kính 40cm. Trên hệ thống xà ngang, xà lòng có cạnh 25cm được tạo dáng ống tơ, soi chỉ kép và đục chạm lá lật hóa long công phu, mềm mại. Lớp lớp con rường được chạm khắc kênh bong nổi khối đề tài rồng chầu, vân ám, nét chạm sắc xảo, tinh tế, uyển chuyển
Tòa tam bảo làm theo lối chồng rường, mê cốn. Theo văn bia thì tam bảo đã qua nhiều lần tu sửa, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Nhưng trên thực tế thì qua mỗi lần tu sửa các hiệp thợ đều cố gắng giữ lại phong cách và những cấu kiện chạm khắc công phu của công trình cũ để lại.
Bộ vì ngoài cùng giáp với tiền đường được chạm khắc trên hầu hết các cấu kiện với họa tiết rồng chầu, tứ linh, trúc mai hóa long... Bộ vì thứ 2 là vì chính giữa tam bảo được đục chạm kỳ công cảnh long cuốn thủy, long mã, vân ám cùng lớp lớp sóng nước. Riêng bộ vì thứ ba được chạm khắc các họa tiết độc đáo hơn với con rồng thân hình khỏe mạnh, tay vuốt râu, đan xen là hình tượng phượng cùng lá hỏa, mây tản được hòa trộn một cách hài hòa. Hai bên xà nách chạm bốn chữ: “Phúc – Thọ - Khang - Thái”, nét chữ mềm mại như dải lụa, bao hàm ý nghĩa một lời chúc quê hương mãi mãi giàu sang, hạnh phúc. Đây là bộ vì có niên đại từ thế kỷ XVII – XVIII còn sót lại qua những lần tu sửa. Các đề tài trên đã được nghệ nhân gắn sắc màu dân gian vào nghệ thuật điêu khắc cung đình một cách sáng tạo làm tăng thêm giá trị cho tổng thể công trình kiến trúc ở đây.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, chùa Ninh Cường còn là nơi lưu giữ những lễ hội văn hóa sống động của cả tổng Ninh Cường xưa, nay là ba xã Trực Cường, Trực Thái, Trực Phú. Lễ hội xuân được diễn ra ba năm một lần với các nghi thức tế lễ dâng cơm mới lên tổ lập làng, tế thần đất, thần lúa với sự tham gia của cả đồng bào theo Công giáo, Phật giáo cùng các trò chơi dân gian như: múa sơn lâm, kéo co, chọi gà, chơi cờ người, thi nấu cơm, nấu cỗ... Tất cả không chỉ làm phong phú các hoạt động văn hóa tinh thần mà còn thể hiện tính dân dã đặc trưng, tiêu biểu cho cư dân nông nghiệp lúa nước.
Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định