"Huyền tích" những chiến công

06:04, 30/04/2014

Trong ký ức của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu - người “Anh hùng trận mạc” luôn in đậm những kỷ niệm cao đẹp về tình quân dân, nghĩa đồng bào, về mảnh đất “túi bom, vựa đạn” tại quê hương Quảng Trị Anh hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính ở nơi đất thép “miền gió Lào cát trắng”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã chiến đấu và tham gia chiến đấu trong bốn chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Mỗi tháng Tư về, Chiến trường Quảng Trị những năm tháng khốc liệt với nhiều kỷ niệm bi tráng lại cháy rực trong ký ức của ông.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh năm 1947 tại xã Hải Long (Hải Hậu). Tháng 2 năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông vào quân ngũ, gắn bó với cuộc đời binh nghiệp từ đó. Gần 5 thập kỷ trong quân ngũ, biết bao kỷ niệm khó quên, nhưng với ông, ký ức những tháng ngày chiến đấu trong Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Đỏ - Nghệ An (sau này là Trung đoàn Triệu Hải), từ năm 1968 đến 1972 đã tôi luyện ý chí thép của người anh hùng trận mạc. Nhớ lại những năm tháng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông luôn khắc ghi những hình ảnh cao đẹp về đất lửa Quảng Trị, đây được coi như quê hương thứ hai - nơi mà nhiều đồng đội của ông đã hy sinh. Bao năm “vào sinh, ra tử” nơi “túi bom, vựa đạn”, đằng sau những chiến công oanh liệt, là những tấm gương kiên trung, mưu trí, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 chiến đấu giữa lòng địch, từng phút, từng giờ đối mặt với đạn, pháo, song những người lính trẻ vẫn lạc quan, yêu đời, vững tin vào chiến thắng. Tiêu biểu như tấm gương chiến sĩ quân giải phóng - Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đại đội Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư..., chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy... và biết bao cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 - mặt trận B5.

Trong cuốn hồi ký “Một thời Quảng Trị”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu viết: “Tôi nghĩ mãi phải bằng một cách nào đó có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời”. Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, có những trận đánh “thần tốc”, có trận đánh kéo dài vì phải đấu trí với kẻ thù… Trong những trận đánh đó, ba lần bị thương, nhưng chưa lần nào ông rời trận địa, vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Tiêu biểu như khi ông chỉ huy Đại đội 2 Tiểu đoàn 3 - E27 tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở sáp đá mài Tân Kim, Cam Lộ - Quảng Trị đầu tháng 4-1970, góp phần đánh bại chiến thuật “trâu rừng” của tướng Mỹ Abraham. Hay như trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, ông chỉ huy Tiểu đoàn 3-E27 tiêu diệt 28 xe cơ giới địch trên Đường 9 gần căn cứ Sa Mưu (tháng 3-1971), cắt đứt đường tiếp tế của địch lên bản Đông, góp phần trong chiến thắng của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Còn trong Chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng, ông đã chỉ huy đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt một tiểu đoàn và làm thiệt hại một tiểu đoàn ngụy ở cứ điểm 288, 322, cầu Thiện Xuân - Đường 9 - Cam Lộ, bắt sống Hà Thúc Mẫn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 quân đội Sài Gòn. Sau đó, Tiểu đoàn cùng với Trung đoàn 27 thực hiện mũi vu hồi cánh đông, giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Kể từ đây, Trung đoàn 27 còn được mang tên Trung đoàn Triệu Hải. Sau trận đánh này, Trung đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ngoài ra, ông đã được tặng thưởng 5 Huân chương Chiến công Giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba) và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng...

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, sau khi đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, năm 1980 ông về nhận nhiệm vụ tại Quân đoàn I làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 Anh hùng. Ông đã cùng với Sư đoàn tạo nên nhiều dấu ấn mang tính đột phá, đi đầu trong công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện quân sự. Sau đó, ông được cử sang CHLB Nga học tại Học viện Quân sự Frunze năm 1983. Năm 39 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh thứ nhất rồi Tư lệnh Quân đoàn I và được phong hàm Thiếu tướng ở tuổi 40. Năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1998, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và có ba nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng. Trên cương vị đầy vinh quang và trọng trách này, ông đã tham mưu cho quân đội, Đảng và Nhà nước những quyết sách quan trọng trong việc xây dựng quân đội ngày một chính quy, vững mạnh, đồng thời tạo lập mối quan hệ tốt đẹp, hoà bình, cùng phát triển với các nước láng giềng, trong khu vực. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu người con ưu tú của quê hương Nam Định là người nước ngoài đầu tiên được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga năm 2010 (Viện sĩ về Nghệ thuật chiến tranh).

Những năm tháng sống trong hòa bình, kể cả khi bận rộn công tác cũng như khi được nghỉ ngơi, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu luôn đau đáu nỗi lòng tri ân với những người đã khuất - những đồng đội, đồng chí đã nguyện “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong nhiều năm qua, ông thường xuyên có những chuyến đi tìm về chiến trường xưa, tìm về gia đình đồng đội, những người đã giúp ông, đồng cam cộng khổ với ông trong những tháng năm quân ngũ để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những đồng đội còn sống, sửa sang, xây đắp mộ phần, lo hương khói tưởng niệm các liệt sĩ. Ông luôn tâm niệm: “Tôi không chỉ sống cho mình mà còn sống thay phần của các đồng đội đã nằm xuống” và ông xem đó là một trách nhiệm. Vợ chồng ông đã bỏ tiền tiết kiệm và vận động các nhà hảo tâm để xây dựng nhiều công trình tri ân đồng đội, trợ giúp các gia đình chính sách. Đáng kể nhất là Trung tâm Hoài niệm, tại số 1 Trần Hưng Đạo, Quảng Trị. Ngoài ra, ông còn vận động xây nhà bia: Cao điểm 31, Đồi 812, cây Đa (Gio An), Ngô Xà Tây và Thanh Hương… Ông tâm sự: “Khi còn giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi có điều kiện đi nhiều nước, dự nhiều cuộc họp, hội thảo quốc tế. Bất cứ khi nào có cơ hội tôi đều gửi thông điệp đến cộng đồng quốc tế về những hậu quả của chiến tranh gây ra cho nhân dân Việt Nam, nó tàn khốc và đau thương đến mức độ nào. Tôi cũng đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhân dân Mỹ hãy chung tay cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh”.

Khi được giao nhiệm vụ là Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác cứu nạn ở các địa phương, ông đã phát huy hết những kinh nghiệm, trí tuệ của mình cho công việc này. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chính là "cha đẻ" của phương châm "bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai. Trong thời gian qua, vợ chồng ông đã đóng góp và vận động các nhà tài trợ ủng hộ kinh phí xây Nghĩa trang liệt sĩ, trạm y tế, nhà truyền thống xã Hải Long với kinh phí hàng tỷ đồng và Khoa Đông y Bệnh viện huyện Hải Hậu. Đó cũng là tấm lòng “tri ân” với quê hương, nơi sinh thành và nuôi dưỡng ông. Sau khi thôi giữ các chức vụ Đảng, Nhà nước và quân đội, với vai trò là Viện sĩ Viện Hàn lâm Quân sự Cộng hòa Liên bang Nga, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn tiếp tục cống hiến cho khoa học quân sự, tham gia các hoạt động nhân đạo và bảo vệ môi trường. Ông còn là cộng tác viên tư vấn của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch danh dự Hội chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng trị./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com