Đền - chùa Hạ Kỳ

04:04, 17/04/2014

    Đền và chùa Hạ Kỳ nằm trên một khu đất rộng rãi và cao ráo ở phía đông bắc thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng. Từ thành phố Nam Định đi qua cầu Đò Quan đến ngã tư đường 55 và đường Đen rẽ tay phải theo đường liên huyện chừng 3km sẽ đến được di tích.

    Đền và chùa Hạ Kỳ là di tích lịch sử có liên quan đến Đinh Lôi, tướng thời Trần có công tham gia cùng Hưng Đạo đại vương đánh bại đế quốc Nguyên Mông giành độc lập cho dân tộc. Ông còn là một vị thầy thuốc  kỳ tài, đã từng trừ dịch bệnh cứu nhân dân nơi đây. Không chỉ thế, ông còn giúp đỡ, dạy bảo mọi người chăm chỉ nghề nông, xin miễn trừ sưu dịch, dạy nghề làm thuốc, hưng lợi cho quê  hương. Sau khi ông mất, người dân nơi đây lập đền thờ không chỉ là sự tri ân công đức mà còn cho rằng có nhiều linh thiêng, ứng nghiệm trong việc trừ tà bệnh.

    Ngoài ra di tích còn thờ các tổ họ Hoàng, Vũ, Nguyễn, Khương là những người có công khai phá hàng nghìn mẫu ruộng, lập ra vùng đất Hạ Kỳ vào thế kỷ thứ X. Cuốn “Hạ Kỳ xã bản mạt khảo” cho biết sau khi bốn vị tổ mất, nhân dân lập bốn miếu ở bốn phía làng để thờ tự. Còn đền – chùa Hạ Kỳ ban đầu được xây dựng ở khu vực giáp chợ Trạng Vĩnh (nay thuộc Yên Phúc  - Ý Yên). Đến thế kỷ XVII, toàn bộ vùng đất khu vực đền chùa bị lở xuống sông nên nhân dân đã chuyển đền chùa về vị trí ngày nay, đồng thời đổi tên chùa từ Kim Khánh tự thành Diên Khánh tự. Cùng thời gian này, do bốn ngôi miếu của bốn vị tổ cũng bị xuống cấp nên nhân dân rước bát nhang của bốn vị tổ về phối thờ trong đền. Trải qua thời gian, đến nay mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng đền chùa Hạ Kỳ vẫn bảo lưu gần như trọn vẹn các hạng mục kiến trúc gỗ với họa tiết hoa văn mang phong cách thế kỷ XVII – XVIII.

Đền - chùa Hạ Kỳ thuộc thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng
Đền - chùa Hạ Kỳ thuộc thôn Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng.

    Đền Hạ Kỳ gồm có 4 tòa và hệ thống cột đồng trụ, tường hoa tạo thành kiến trúc nội chữ đinh, ngoại chữ quốc.

    Tòa tiền đường 5 gian làm theo kiểu tứ trụ với 6 vì và 4 hàng cột, Hệ thống cột làm theo kiểu búp đòng thon thả, đặt trên chân tảng đá vuông, giữa nổi mặt tròn với những lớp hoa sen có đường rãnh viền chân cột. Những xà ngang, xà lòng, xà nách còn đục chạm những cánh lá lật theo nhiều kiểu dáng tự nhiên. Tiêu biểu hơn cả vẫn là những cấu kiện trên các con rường và hàng bẩy tiền với hình các con ly lấy lưng đỡ hoành mái, cảnh rồng bay, cảnh long cuốn thủy với dòng nước chảy mềm như lụa cuốn theo cả những con cá, ở bức chạm giữa tiền đường còn có cảnh lưỡng long chầu nguyệt, cảnh quần long chầu chữ thọ, ý muốn cho mảnh đất, con người Hạ Kỳ được an khang thịnh vượng.

    Tòa trung đường 3 gian, chia làm hai cung cũng làm theo lối tứ trụ, chồng rường. Vì bên trong là vì mặt tiền của tòa cung cấm nên được gia công rất kỹ. Con rường có các đề tài hoa lá, mây tản, rồng chầu mặt nguyệt và 4 chữ “Đại vương giáng phúc” nghĩa là: cầu mong có sự ban phúc lành cho quê hương.

    Ngay sát phía đông đền là chùa Hạ Kỳ. Đây là công trình có quy cách tương xứng với ngôi đền gồm bái đường 5 gian, tam bảo 4 gian. Chùa làm theo lối chồng rường bẩy kẻ. Các hàng xà, hệ thống bẩy kẻ, các con rường được gia công, đục chạm hoa, lá, mây tản, tạo dáng nhẹ nhàng. Hệ thống mặt tiền tòa bái đường chia làm 2 phần. Phần trên do hai hàng xà và ván bưng, đố lụa tạo thành khung bảng, phần dưới có ngạch ngưỡng bạo cửa soi chỉ tạo dáng mềm mại. Còn 2 bộ cửa 2 bên tạo thế vành mai, chạm nổi các họa tiết mặt nguyệt, vân mây và hoa lá.

    Tòa tam bảo cũng làm theo phong cách cổ truyền rường tứ trụ. Trên xà còn chạm khắc lưỡng long, lưỡng phượng, hay quần long…

    Chùa Hạ Kỳ còn lưu giữ được cây tháp bằng đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711). Đây là cây tháp bằng đá có giá trị về nghệ thuật tạo dáng, điêu khắc. Cây tháp 5 tầng và có chiều có 2m11. Bốn mặt có các họa tiết long chầu, sen quy, người câu cá. Mái tháp hình hoa sen được thu nhỏ dần từ chân lên đỉnh. Các tầng tháp được chạm lá lật, cúc dây, đan xen có cả lá hỏa vừa mềm mại, vừa biểu thị vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt cạnh phía tây, ở tầng hai có chạm nổi một người phụ nữ đang cho con bú. Việc đưa hình tượng dân gian vào trong ngôi tháp Phật này đã thể hiện sự hòa đồng của Phật giáo đối với tâm thức bình dị, đời thường của người dân lúc bấy giờ, đồng thời thể hiện ước muốn nhân khang vật thịnh, vạn vật sinh sôi.

    Hàng năm vào từ ngày 10 đến 12 tháng giêng, nhân dân ở đây thường tổ chức lễ hội nhằm kỷ niệm ngày mất của tướng quân Đinh Lôi. Trong lễ hội, các nghi thức thiêng liêng kết hợp với các trò vui nhiều ý nghĩa như thi nấu cơm, thì làm bánh dày góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống của làng quê. Trong trò chơi thổi cơm thi, người xem không chỉ được hòa mình trong không khí linh thiêng của nghi thức rước cối xay, rước thổ công, rước bà chúa lúa, lễ xin lửa, lễ xin gạo… mà còn được chứng kiến sự đảm đang, phối hợp khéo léo giữa một người gánh niêu, một người cầm bó đuốc đốt để tạo nên một niêu cơm trắng dẻo dâng lên lễ thánh thần. Tất cả kết hợp, tạo nên một không khí vừa sôi động, hào hứng vừa mang âm hưởng trang nghiêm, đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp, gửi gắm ước nguyện về một năm bội thu, được mùa. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để mỗi người dân nhớ về cội nguồn, hiểu thêm và tự hào về lịch sử quê hương.

    Đền và chùa Hạ Kỳ đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử kiến trúc – nghệ thuật.

Theo: Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com