Chuyện kể về hai người anh hùng

07:04, 30/04/2014

Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 39 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã gặp Anh hùng LLVTND Ngô Quang Điền, xã Trực Thuận (Trực Ninh) và Anh hùng LLVTND Vũ Trọng Cường, xã Nam Hồng (Nam Trực). Những câu chuyện về một thời đồng cam cộng khổ, sát cánh cùng đồng đội anh dũng, kiên cường chiến đấu, góp phần cùng quân, dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong ký ức của các ông cứ lần lượt hiện về...

Nhập ngũ tháng 1-1966, người lính trẻ 18 tuổi Ngô Quang Điền được huấn luyện ở một đơn vị công binh, đến tháng 11-1966 được điều động vào miền Nam và được phân về Tiểu đoàn 739 Công binh miền Đông Nam Bộ (sau này là Trung đoàn 25, Quân khu 7, vùng Đông Nam Bộ khu B) với nhiệm vụ xây dựng lại những cây cầu, nối lại những tuyến đường bị địch đánh hỏng. Ông đã trực tiếp tham gia các Chiến dịch lớn: Mậu Thân (1968), Nguyễn Huệ (1972) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975… Với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu, năm 1978, ông Ngô Quang Điền được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chiến tranh kết thúc, năm 1980, ông được điều ra học tại Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) và đến năm 1983 được chuyển về Lữ đoàn 239 Bộ Tư lệnh Công binh, giữ nhiều trọng trách quan trọng cho đến khi về hưu. Anh hùng Ngô Quang Điền nhớ lại, năm 1972 ông được giao nhiệm vụ dẫn đoàn vào giải phóng Thị xã Lộc Ninh, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, giáp biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia. Lúc bấy giờ, đoàn xe của ông có nhiệm vụ dò đường, dẫn đoàn xe của quân ta về nơi tập kết, chuẩn bị phương tiện đánh địch khi có lệnh của cấp trên. Trong khi làm nhiệm vụ, lúc thì ông ngồi trên xe tăng lấy tín hiệu pháo sáng của địch làm tín hiệu dò đường, khi phải băng rừng, chạy bộ dẫn đường, nhiều khi mải chạy để kịp dẫn đoàn chẳng kịp nhìn đường ngã nhào xuống hố bom…; mặc dù bị thương nhưng ông vẫn không lùi bước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn người và phương tiện đến đúng nơi tập kết. Rồi những trận chiến đấu cam go cùng đồng đội giải phóng Lộc Ninh, mở rộng khu vực giải phóng miền Đông Nam Bộ, tiến tới giải phóng các tỉnh Bình Long, Phước Long. Gần 4 thập kỷ trôi qua, trong tâm trí của người lính già vẫn còn in đậm những kỷ niệm của ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975). Khi đó, đơn vị công binh của ông được giao nhiệm vụ mở đường từ Lộc Ninh về giải phóng Sài Gòn. Đang làm nhiệm vụ tại Lộc Ninh, đơn vị ông nhận được lệnh 10 giờ ngày 30-4 về Sài Gòn làm nhiệm vụ đặc biệt là dựng kỳ đài để mừng chiến thắng. Đơn vị của ông tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, sau đó cùng với nhân dân địa phương chặt gỗ làm kỳ đài. Những giờ phút đó luôn để lại trong ông những xúc cảm không thể nào quên.

Anh hùng LLVTND Ngô Quang Điền trò chuyện với các cháu thiếu nhi về truyền thống cách mạng.
Anh hùng LLVTND Ngô Quang Điền trò chuyện với các cháu thiếu nhi về truyền thống cách mạng.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với Anh hùng LLVTND Vũ Trọng Cường, ở xã Nam Hồng (Nam Trực) luôn bị ngắt quãng bởi những cảm xúc dâng trào của người lính già khi hồi tưởng lại những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhập ngũ tháng 8-1972, được huấn luyện tại huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), Trung đoàn 15 Quân khu Hữu Ngạn; tháng 11-1972, ông vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, đóng quân tại tỉnh Tây Ninh. Sau đó, ông được bổ sung vào đơn vị C2, D24, F5 là sư đoàn huấn luyện, tại Cây Cay, tỉnh Tây Ninh, bắt đầu những năm tháng chiến đấu ác liệt. Ông chia sẻ với chúng tôi cảm giác lâng lâng, hào sảng của lần đầu tiên được tham gia chiến trường với khí thế hừng hực của những người lính trẻ trong chiến dịch mùa khô năm 1973, cùng đồng đội tham gia đánh chiếm các chốt của địch thuộc tỉnh Tây Ninh, rồi tiếp tục đánh vào căn cứ địch ở các huyện giáp biên giới Việt Nam - Căm-pu-chia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đánh chiếm các căn cứ của địch ở Buôn Mê Thuột. Năm 1974, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An, đánh đoàn tàu của địch gồm 12 chiếc để bảo vệ bộ binh của ta. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, đơn vị của ông về Xuân Lộc (Long Khánh) tiếp tục huấn luyện, làm nhiệm vụ truy quét tàn quân của địch. Từ đơn vị pháo phòng không của Sư đoàn 5, ông chuyển sang đơn vị pháo của Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 15 của Quân khu 7… Trong một trận chiến đấu, ông đã bị thương nặng, nhưng với ý chí kiên cường, ông đã kiên quyết bám trụ, không rời vị trí chiến đấu. Năm 1979, ông Vũ Trọng Cường vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Những ngày tháng Tư lịch sử, được trò chuyện với những Anh hùng LLVTND, thế hệ trẻ chúng tôi càng thêm tự hào và biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh để đất nước được độc lập, tự do. Trở về với cuộc sống đời thường, những người Anh hùng năm xưa lại tích cực tham gia vào công tác xã hội của địa phương. Họ đã cống hiến cả cuộc đời mình trong những năm tháng chiến đấu, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước hôm nay./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com