Ông Trần Hữu Khuê, xóm 10, xã Giao Hải (Giao Thủy) năm nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Dáng người nhỏ thó, bàn tay phải chỉ còn lại 2 ngón, hậu quả của chiến tranh để lại. Vậy mà khi xem ông “độ” lại những thúng, mủng, cối xay, bễ rèn, chõng tre, công cụ sản xuất hay mô hình thu nhỏ của tàu, thuyền, lều nuôi ngao, đền chùa, miếu mạo... người xem không khỏi cảm phục. “Tôi tâm huyết với “món” này lắm, tái hiện lại cuộc sống lao động xưa là để giới thiệu với thế hệ trẻ hôm nay, ngày mai, giúp họ hiểu hơn cuộc sống lao động của cha ông ta một cách chân thực”, ông Khuê chia sẻ.
Bàn tay ta làm nên tất cả…
Năm 1965 khi miền Bắc đang hứng chịu chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, chàng thanh niên Khuê như bao trai tráng khác tình nguyện viết tâm thư xung phong vào chiến trường, nhận nhiệm vụ tại C261, N37, Cục Công trình 1, chuyên san lấp mở đường, rà phá bom mìn ở tuyến lửa 22 (Hà Tĩnh). Năm 1971, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ông Khuê bị thương nặng và được chuyển về công tác tại Trạm Điều dưỡng 22 (Bộ GTVT). Năm 1999, ông Khuê về hẳn quê nhà tham gia sản xuất cùng vợ con. Năm 2002, sau khi gom góp vốn liếng ông quyết định “đột phá”, mở xưởng đóng tàu biển. Xưởng đóng tàu của ông khi đó có gần 20 lao động đều là con em các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Vừa mở xưởng đóng tàu, ông còn kiêm luôn… chủ thầu xây dựng thiết kế các công trình đình, chùa, miếu mạo trong và ngoài tỉnh. Mặc dù chỉ còn lại 2 ngón ở bàn tay phải, ông Khuê vẫn là một “nghệ sĩ” với trí tưởng tượng phong phú, một người thợ lành nghề khi thi công. Được ông dẫn đi thăm từ đường dòng họ, chúng tôi có dịp “kiểm chứng” tài năng của ông. Toàn bộ từ đường với diện tích 100m2 đều do ông tự thiết kế, xây cất và vẽ các họa tiết trang trí bên trong. “Làm nghề xây dựng, cái hay nhất là được đi đây đi đó, biết được nhiều thứ mà địa phương mình không có. Chính trong những ngày rong ruổi làm thợ tôi có dịp thấy những đồ vật từ thời xưa như ly hương, bình, chén bát, nồi đồng cổ, chõng tre... nhiều gia đình không dùng đem bỏ đi. Tôi thấy tiếc quá, xin hoặc mua lại mang về nhà bảo quản, cất giữ”. Nghề xây dựng cũng có mùa, khi rỗi rãi, ông Khuê mang thứ mình sưu tầm được ra ngắm nghía. Lâu dần hình thành trong ông thói quen sưu tầm, rồi thành đam mê và quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ các món đồ có được. Ông ấp ủ tham vọng mở một bảo tàng đồng quê trưng bày những thứ mình sưu tầm được. Bởi ông nhận thấy, thế hệ trẻ sau này biết rất ít về cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của người Việt xưa, kể cả phong tục quê hương. Và nếu chỉ tìm hiểu thông qua sách vở thôi thì họ sẽ rất khó hình dung. Tái hiện lại quá khứ, theo ông cũng là cách để trân trọng, phát triển tương lai.
Ông Trần Hữu Khuê bên các mô hình thuyền bè, chòi ngao… |
Với khả năng trời phú về hội họa, đôi bàn tay khéo léo, ông Khuê đã phục chế thành công các mô hình để tái hiện đời sống sản xuất, sinh hoạt, văn hoá, văn nghệ của người Việt xưa bằng nguyên liệu tre, nứa... “Tôi mong muốn mọi người khi nhìn thấy những đồ vật tôi làm có thể hình dung được cuộc sống lao động, cung cách sinh hoạt của những thế hệ trước; qua đó hiểu rõ về những giai đoạn lịch sử nhất định. Mỗi đồ vật có một đời sống, lịch sử riêng, tôi hy vọng những bạn trẻ hôm nay khi xem sẽ trân trọng quá khứ lịch sử đó”, ông Khuê chia sẻ về lý do “tái chế đồ cũ”. Ông tìm mua đủ loại sách lịch sử về đọc. Những cuốn khó mua tại quê, ông nhờ con cháu trong Nam, ngoài Bắc tìm giúp. Hiện, trong nhà ông có hàng trăm đầu sách, trong đó phần lớn là sách lịch sử. Tự đi khắp các vùng miền để sưu tầm, có những đồ vật người ta không bán, không tặng thì ông xin chủ nhà ngồi ngay tại chỗ vẽ mô phỏng lại rồi về nhà tự mày mò, dựng lại mô hình… Các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt như gàu, búa, liềm, dao, chõng tre, bễ rèn, khung dệt, thúng, mủng kích cỡ giữ nguyên; còn thuyền bè, lều nuôi ngao, đình, chùa... ông làm với tỉ lệ nhỏ hơn để dễ trưng bày. Năm 2011, một kỷ niệm vô cùng sâu sắc làm ông nhớ mãi. Có 2 nhà báo Pháp khi đi tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bắt gặp những tác phẩm của ông đã nhờ ông làm giúp những con diều sáo giống như những con diều đã từng xuất hiện trong lễ hội đua diều ở làng Kiên Hành (Giao Hải, Giao Thuỷ) xưa kia mà cha của hai người được chứng kiến trong thời gian tham chiến tại Việt Nam. Lần đó, ông đã làm tổng cộng 27 cái sáo, gồm sáo 3, sáo 5, sáo bi và 2 con diều dài 3m để tặng hai nhà báo người Pháp.
Bảo tàng đồng quê
Đặt chân vào nhà ông Khuê, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào một không gian trưng bày đời sống sinh hoạt văn hóa Việt xưa cũ với hình ảnh cuộc sống nông dân từ trăm năm trước. Nhà ông Khuê không khác Bảo tàng đồng quê thu nhỏ được trưng bày rất khoa học. Khu vực này là các vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày với những thúng, mủng, dần, sàng, chõng tre, cối xay, bễ rèn… Khu vực kia “hoành tráng” hơn với những mô hình tàu thuyền, lều nuôi ngao; khu vực tái hiện đời sống văn hóa tinh thần người Việt với những đền, chùa, miếu mạo... Cứ như vậy người xem được sống trong một không khí của những làng Việt xưa, chứng kiến đời sống lao động bình dị của cư dân nông nghiệp lúa nước thuần phác. Tiếng lành đồn xa, tấm lòng của ông Khuê với những hiện vật lịch sử có cơ hội đi ra khỏi lũy tre làng. Năm 2009, Bảo tàng Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ đã về đặt ông làm 21 mô hình đền, chùa, dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người Việt xưa, các loại vũ khí, thuyền buồm, diều sáo, đàn, cối xay... Trong 21 mô hình, phải kể đến một số mô hình đặc biệt như: chùa Cổ Lễ, chùa Keo (Nam Định và Thái Bình), thuyền rồng của Vua Lý Thánh Tông, bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng), bộ đàn bát âm, mô hình hoạt động Bác Hồ tát nước cùng với người dân và mô hình bễ rèn thủ công... Với mỗi mô hình, ông Khuê đều cẩn thận ghi mô tả chi tiết, thông tin đầy đủ, thậm chí… cả lời bình. 10 mô hình về các vật dụng, công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người Việt xưa ở đồng bằng Bắc Bộ như mâm gỗ, bát, đũa, lọ xách nước, thùng gánh nước, vại, chum, thuyền nan... cũng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đặt ông làm. Cho đến nay, ông Khuê đã làm gần 150 mô hình tái hiện lại cảnh sinh hoạt, sản xuất của người Việt xưa cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hơn 100 mô hình cho Bảo tàng Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ...
Bên cạnh niềm vui phục chế lại các vật dụng, đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của người Việt xưa, ông Khuê còn vừa sưu tầm, vừa chế tác được gần 150 đồ cổ ly hương, trống phách, đàn, sáo, nhị... Không giữ lại cho mình, ông Khuê đưa những bộ đồ cổ này đi trưng bày ở các bảo tàng. “Tôi đã có dịp đến thăm Nhà sàn Bác Hồ, tôi rất thích công trình này. Tâm huyết nhất của tôi là tái hiện được công trình đó ngay trên chính quê hương tôi cho mọi người cùng tham quan”, ông Khuê hào hứng cho biết về công việc hiện tại của mình. Hiện, ông đang làm mô hình Nhà sàn Bác Hồ. Ông chia sẻ thêm: “Hằng năm, các trường học đều tổ chức những chuyến đi về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, trong đó có Nhà sàn Bác Hồ. Tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có điều kiện để đi. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục huyện gợi ý cho tôi làm mô hình này để phục vụ việc học tập cho các em. Suy nghĩ, tìm hiểu về công trình Nhà sàn Bác Hồ, tôi quyết định bắt tay vào làm. Dự kiến, mô hình sẽ hoàn thành vào năm 2015. Để cho mô hình thêm phong phú, tôi cũng đã sưu tầm mẫu để làm thêm một số những đồ dùng sinh hoạt của Bác như đôi dép cao su, mũ lá, đài cát sét… trưng bày trong nhà sàn”.
“Tôi đam mê công việc tái hiện cuộc sống của cha ông xưa bởi tôi cảm nhận được nhiều bạn trẻ tìm đến nhà tôi với tinh thần tìm hiểu, trân trọng về lịch sử. Đó là động lực cơ bản giúp tôi hoàn thành công việc”, ông Khuê bộc bạch. Khéo léo, tài hoa, cần mẫn, người cựu thanh niên xung phong già đang góp phần chuyển tải, tiếp nối những thông điệp của lịch sử đến các thế hệ mai sau./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân