Tháp cửu phẩm liên hoa

04:11, 12/11/2013

Tháp cửu phẩm liên hoa là điểm nhấn của tổng thể chùa Cổ Lễ tỉnh Nam Định. Tháp do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên thiết kế, xây dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Bảo Đại 2 (1927), theo dạng "Phù đổ" (Stupa) là loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung thể hiện sức bươn trải của đạo và mang đặc trưng của kiến trúc Phật giáo.

Tháp cao 32m, cấu trúc theo kiểu "cửu phẩm liên hoa", nghĩa là do 9 tầng hoa sen liên kết mà tạo thành, mang ý nghĩa "cửu trùng" là 9 tầng trời Phật, một đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật Thích Ca. Tháp xây giữa hồ lớn (có kích thước 22,85m x 18,35m ). Các bậc cao niên ở Cổ Lễ cho biết, việc xây dựng tháp của nhà sư Phạm Quang Tuyên hết sức công phu. Để xây dựng tháp trên một hồ nước, nhà sư phải cho gia cố móng 50 cây gỗ lim lớn. Lần đầu tháp đã bị đổ. Lần thứ hai mới xây thành công và đứng vững đến ngày nay. Tháp có tiết diện hình bát giác (diện tích 42,10m2). Nền tháp thể hiện bằng một con rùa lớn nổi giữa mặt hồ. Dáng vóc thật sinh động, chắc khỏe, dài 18m, rộng 10m. Mai rùa được cách điệu lượn cong thành 8 múi lớn, mỗi múi dài 4,65m. Bốn chân rùa vươn dài trụ vững xuống lòng hồ, đầu hướng vào trong chùa, đuôi hướng ra phía ngoài. Rùa biểu tượng cho sự vững trãi, trường tồn của Phật pháp.

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh).
Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa tại Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh).

Toàn bộ tháp cao 11 tầng: 1 tầng đế, 1 tầng đỉnh, 9 tầng hoa sen liên kết hài hòa. Lòng tháp được nhà kiến trúc tài hoa tạo một trụ tròn (hồ lô) có 64 bậc vòng từ chân lên đỉnh tháp, ứng với 64 quẻ của Kinh Dịch. Quần thể kiến trúc tháp gồm: Tháp chính ở giữa, đứng trên lưng rùa, 4 hướng: Đông, tây, nam, bắc là 4 núi (non bộ), phỏng theo triết lý Đông Phương: Thái cực - lưỡng nghi - tứ tượng - bát quái... mà Kinh Dịch từ nghìn năm trước đã dậy. Việc tạo dựng núi giả và voi quanh chân tháp cũng làm tăng vẻ hùng vĩ cho Bảo tháp và có ý đề cập triết lý nhà Phật: "Tứ đại" - đất, nước, gió, lửa; sinh, lão, bệnh, tử... mà loài người phải tích thiện để tránh xa cảnh trầm luân. Tháp tuy chiếm lĩnh đỉnh cao, song lại hòa nhập với chùa, cảnh tạo thành một kỳ viên.

Tháp chùa Cổ Lễ thuộc dạng tháp thờ Phật và Bồ Tát, tầng trên cùng thờ Phật A Di Đà, đức Phật chủ trì thế giới Tây Phương cực lạc. Trên 4 mặt chính của tháp đều thể hiện các tên hiệu Phật thông qua các câu kệ: Mặt trước: Nam mô (kính lễ) Liên trì hội thượng Phật Bồ Tát. Mặt sau: Nam mô (kính lễ) Tây Phương cực lạc Di Đà Như Lai. Hai mặt bên: Nam mô Quan âm Đại thế chí Bồ Tát và Nam mô Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ Tát.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm thì những câu kệ trên tháp chùa Cổ Lễ mang dấu ấn Phật giáo Mật tông thời Lý, một dòng Thiền có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội lúc bấy giờ. Và chính sự phát triển của Mật tông đã góp phần để đạo Phật hòa nhập và sau này trở thành Tam giáo đồng hành: Nho - Phật - Lão từ thời Lý. Đây là sự giải mã hết sức có cơ sở, bởi chúng ta biết rằng chùa cổ Lễ được khởi dựng từ thời Lý trong thời gian Quốc sư Nguyễn Minh Không hành đạo. Ông là người đã học và tu hành theo phái Thiền Mật tông. Mặc dù cây tháp được nhà sư Phạm Quang Tuyên xây dựng vào đầu thế kỷ XX nhưng vẫn mang phong cách chùa tháp thời Lý: Tháp dựng trước chùa chính.

Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com