Đền Xuân Bảng

08:11, 14/11/2013

Đền Xuân Bảng thuộc thị trấn Xuân Trường là di tích thờ tướng quân Ngô Miễn, người có công tập hợp nhân dân và các dòng họ về đây khai hoang mở đất.

Tướng quân Ngô Miễn sinh ra trong một gia đình hào phú ở thôn Mai, xã Xuân Phưong, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc vào năm thứ 2 đời vua Trần Nghệ Tông (1371). Năm Quang Thái thứ nhất (1388), Ngô Miễn thi đỗ Thái học sinh nhưng vì chán cảnh quan trường nên ở nhà dạy học chờ thời. Trong thời gian này ông đã nhiều lần tới vùng Sơn Nam (Nam Định) và thấy vùng biển trù phú nên đã tập hợp được mười dòng họ: Ngô, Đỗ, Trần, Hoàng, Bùi, Phạm, Nguyễn, Đinh, Vũ, Đào về đây khai hoang lập ấp.

Năm 1400, Ngô Miễn ra làm quan nhà Hồ và tham gia cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Khi kinh thành Tây Đô thất thủ, vua quan nhà Hồ bị bắt, ông không chịu rơi vào tay giặc nên đã nhảy xuống biển Kỳ La thuộc châu Nhật Nam (nay là vùng biển Nghệ Tĩnh) tự vẫn vào ngày 12-5-1407, lúc này ông mới 36 tuổi

Đền Xuân Bảng còn là di tích thờ hai anh em Đỗ Thận Đoan và Đỗ Nhân Tăng. Cả hai anh em vốn là cháu xa của tướng quân Ngô Miễn và làm quan dưới hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Đỗ Thận Đoan giữ chức: "Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, kiêm Tri thị nội thư, Tả hộ quốc đăng bá, Tứ lê giám, Đỗ thái giám"  Đỗ Nhân Tăng giữ chức: "Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Phó quan tri nội giám Tổng thái giám ". Việc thờ tự hai ông tại đền Xuân Bảng là để tri ân công đức lúc sinh thời đã về đây giúp dân củng cố các tuyến đê, quyên góp tiền để xây dựng xóm làng và các công trình văn hóa.

Đền Xuân Bảng được xây dựng vào đời vua Tự Đức năm thứ 22 (1869) trên một khu đất rộng, cách xa khu vực dân cư. Khuôn viên di tích bao gồm đền chính với quy mô lớn nhất nằm ở giữa, xung quanh là các công trình phụ trợ nhỏ hơn như: nhà tuần thước, nhà tịnh cờ, nhà bia, cô nhi viện, nhà văn chỉ... tất cả được bao quanh bởi một hệ thống tường bao và sân vườn được quy hoạch hợp lý thoáng đãng.

Đền Xuân Bảng là một công trình kiến trúc đặc biệt với vật liệu chủ yếu bằng đá, quy mô khá lớn thể hiện tư tưởng ưa phóng khoáng, tự do của những cư dân vùng đất mới.

Hiên tiền đường đền chính cao 11 m được xây chồng lâu thành ba tầng, giữa các tầng tạo cửa cuốn hình bán nguyệt; mái giả ngói ống cùng đầu đao, lan can chạm họa tiết hoa văn chữ thọ tạo sự mềm mại. Gánh đỡ toàn bộ phần hiên tiền đường là bộ khung với xà, cột bằng đá được chạm khắc họa tiết tứ linh, tứ quý. Hai cột đồng trụ tại hai góc đốc được làm với phần đế hoàn toàn bằng đá xanh liền khối cao 4m; phía trên được xây bằng xi măng với thân tạo gờ chỉ đắp câu đối chữ Hán, đỉnh đắp nghê chầu.

Tiền đường ngôi đền gồm 9 gian với ba tòa nhà xây dọc theo kiểu hai tầng bốn mái cao 9m ghép lại với nhau. Cổ diêm xây cửa thông gió hoa văn chữ thọ tạo sự thông thoáng. Nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói nam. Ngăn cách giữa các tòa nhà là hệ thống máng nước được gánh đỡ bởi các xà dọc và 8 cột đá cạnh vuông cao 2,2m; rộng 0,5m chia làm hai hàng. Trên mỗi cột, xà, đấu bằng đá, các nghệ nhân xưa chạm khắc các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý, cúc, mai hóa long; đan xen còn có hình ảnh lũy tre làng, phong cảnh cùng hình tượng con vật mang đậm tính dân gian như vịt, sóc, hươu nai, hoa lá... tất cả đều được chạm chìm sâu, nét chạm tinh tế sống động và sắc nét.

Nối tiếp tiền đường là tòa trung đường ba gian xây thấp nhỏ hơn so với tiền đường. Cũng giống như tiền đường, phần chịu lực chính của trung đường hoàn toàn bằng đá bao gồm 6 cây cột và 6 cây xà dọc, hồi xây bít đốc, mái lợp ngói nam. Tuy nhiên kích thước của các cấu kiện bằng đá tại trung đường được rút bớt lại so với tiền đường. Trên các xà đá, cột đá được chạm các hình cuốn thư, sơn thủy, tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu.

Tiếp giáp trung đường là tòa chính tẩm. Khác với tòa tiền đường, trung đường, tòa chính tẩm được làm với vật liệu chủ yếu là vôi vữa. Tòa chính tẩm gồm ba gian được xây chồng lâu hai tầng tám mái cao 10m. Cổ lâu có tạo ba cửa xây cuốn hình bán nguyệt; bờ nóc đắp họa tiết hoa chanh thông phong; đầu đao uốn cong mềm mại tạo sự cân đối nhẹ nhàng, trang nghiêm cho nơi thờ tự chính. Trong chính tẩm có đặt nhang án, bài vị và ngai thờ của vợ chồng tướng quân Ngô Miễn. Ngoài ra còn có bài vị thờ Đỗ Thận Đoan, Đỗ Nhân Tăng, những người đã kế tục công cuộc khẩn hoang của tướng quân xây dựng nên quê hương.

Đền Xuân Bảng là biểu tượng cội nguồn, là hình ảnh của tinh thần đoàn kết, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của người dân Xuân Bảng xưa và nay. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo ở một vùng quê ven biển, di tích đền Xuân Bảng ngày càng thu hút du khách về dự lễ hội hàng năm cũng như tìm hiểu, nghiên cứu về mảnh đất con người Xuân Bảng, huyện Xuân Trường.

 Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com