Đền thờ Phạm Văn Nghị

06:11, 21/11/2013

Từ thành phố Nam Định xuôi theo đường 55 khoảng 45 km về hạ huyện Nghĩa Hưng ta có dịp tới thăm ngôi từ đường của nhiều dòng họ, của nhiều làng xóm, đó là đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Sự thờ phụng ở đây không phải vì một võ công hiển hách, cũng chẳng phải vì sự nghiệp để lại cho đời những tầm cao tư tưởng hay những áng thiên cổ hùng văn mà chỉ là công việc lo toan cho miếng cơm manh áo, sự no ấm cho muôn nhà. Đấy là công cuộc khẩn hoang lấn biển để tạo dựng làng quê mới của ông.

Nhắc đến Phạm Văn Nghị người ta thường hay nghĩ ngay đến cuộc Nam tiến đầu tiên do ông khởi xướng. Năm 1858 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà mở đầu giai đoạn xâm lược vũ trang nước ta. Mùa thu năm 1859, Phạm Văn Nghị gửi một tờ tấu mà người đương thời gọi là Trà Sơn kháng sớ lên vua Tự Đức trình bày rõ quan điểm quyết chiến, kế hoạch chống giặc và xin tổ chức một đội quân tình nguyện vào Đà Nẵng đánh giặc.

Ngày 29-2-1860, đoàn quân nghĩa dũng gồm 365 người, trong đó có 5 Cử nhân, 8 Tú tài làm lễ xuất phát ở Nha học chính Nam Định. Đây là đoàn quân Nam tiến đầu tiên của đồng bào miền Bắc, của nhân dân Nam Định vào tiếp sức, chia lửa với đồng bào miền Nam chống Pháp.

Trước đó tám năm, vào năm 1852, Phạm Văn Nghị cùng người anh là Phạm Vãn Thạnh với 14 sĩ phu của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên đứng ra chiêu mộ dân nghèo các nơi về đây khai hoang lập ấp. Từ một trại Sĩ Lâm ban đầu, sau đã trở thành một làng Sĩ Lâm để phát triển thành một tổng Sĩ Lâm rồi cả một miền hạ Nghĩa Hưng với hàng chục xã được thành lập.

Trong vòng 20 năm từ 1852 đến 1872 cả một vùng đất rộng lớn bao gồm phía bắc giáp sứ Giáo Phòng (Nghĩa Hồng hiện nay), phía đông và tây kéo dài tới lưu vực sông Đáy rồi đến tận bờ sông Ninh Cơ, còn phía nam thì nối liền với biển Đông do Phạm Văn Nghị sáng lập đã hình thành.

Đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).
Đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng).

Chính vì công lao to lớn ấy, nhiều xã ở miền hạ huyện Nghĩa Hưng đã lập đền thờ Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị. Nhân dân xã Nghĩa Lâm lập đền thờ ông ngay lúc ông còn sống để tỏ lòng kính trọng và biết ơn.

Ngôi đền nằm ở đầu làng Sĩ Lâm Đông, ngay bên con đường liên xã trải đá rộng rãi ở bên cạnh chợ Quỹ Nhất, một chợ phiên đứng đầu hàng huyện. Đây chính là vùng đất trại Sĩ Lâm xưa. Ban đầu ngôi đền chỉ tạo dựng bằng tranh tre nứa lá vì dân tứ xứ về đây lập trại còn nghèo. Ngôi đền dần dần được xây dựng khang trang, trên một khu đất rộng với nhiều bóng cây cổ thụ tỏa bóng mát và in hình trên dòng sông Sĩ Lâm nước chảy hiền hòa ngay đằng trước đền.

Cổng đền gồm hai lớp mái, với những đầu đao uốn cong như những vân mây đang tụ trên các góc, làm cho toàn bộ công trình được nâng lên thanh thoát nhẹ nhàng. Qua cổng là một sân gạch với nhiều bồn hoa và cây lưu niên trồng xen kẽ.

Nhà tiền đường gồm năm gian khung gỗ lim, lợp ngói nam. Hai gian đầu hồi không có cửa ra vào, thay vào đó là hai cửa sổ lớn trang trí hình chữ triện, phía trên cũng tạo thành hai lớp mái như phía ngoài cổng đền. Có ba cửa ra vào ở giữa. Toàn bộ phần nề ở đây đã thể hiện được trình độ và kỹ thuật cao của những người thợ địa phương. Từ những gò chỉ đến các hoa lá cách điệu, các cuốn thư, các hình hoa văn... phối hợp với nhau một cách hài hòa cân đối.

Tòa chính tẩm nguyên trước có ba gian nhỏ, tạo với nhà tiền đường thành hai lớp. Lần tu sửa sau này, địa phương muốn cho nơi thờ tự thêm tôn nghiêm đã xây thêm một hậu lâu phía trong cùng, có chiều cao vượt hẳn nhà tiền tế đằng trước, bao gồm ba gian dọc đã tạo cho toàn bộ kiến trúc được bố cục theo dạng tiền nhất hậu đinh bề thế, cao rộng.

Đến thăm đền hôm nay, rực rỡ màu vàng son trên các câu đối cổ, ta còn gặp lại bao lời ca ngợi những con người tâm huyết cho một vùng đất mới:

Nhất ấp quy mô giang hải đại
Đa công ăn trạch đẩu sơn cao

(Quy mô của một ấp lớn như sông biển
Công ơn của các ông cao như núi như sao bắc đẩu)

Và:

Thử địa lưu truyền huynh đệ ấp
Tân từ quang diệu ức thiên thu

(Đất này lưu truyền là ấp của hai anh em
Đền mới tỏa sáng mãi ngàn thu).

Tại tòa chính tẩm của đền có ba pho tượng bằng gỗ tạc khá đẹp. Pho tượng gỗ giữa là Tổng đốc Nam Định Nguyễn Điển người đã cho phép để mở đầu cho công cuộc khẩn hoang lấn biển ở đây. Pho tượng bên tả là ông Phạm Văn Thạnh, còn pho bên hữu là tượng Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị.

Ngoài ra, những người có công lớn trong việc chiêu mộ dân nghèo các nơi về đây, chiến đấu với sình lầy, bão tố để dựng trại lập làng đều được thờ tại chính tẩm.

Ở bên tả có bài vị thờ:

- Tú tài Bùi Văn Nhã quê ở xã Dương Lai, huyện Vụ Bản.
- Tú tài Nguyễn Hữu Lợi quê ở xã Phúc Chỉ, huyện Đại An.
- Tú tài Nguyễn Hữu Phan quê xã Trình Xuyên, huyện Vụ Bản.
- Tú tài Nguyễn Ích Thưởng quê ở xã Bách Cốc, huyện Vụ Bản.
- Tri phủ Yên Bình Nguyễn Huy Khanh quê xã Lương Đường, huyện Đường Hào.
- Bát khóa Phan Như Khuê quê ở xã Quả Linh, huyện Vụ Bản.
- Quan viên phụ Đinh Trịnh Mãn xã Yên Phú, huyện Yên Khánh.

Bài vị bên hữu thờ:

- Tri phủ Diễn Châu Vũ Huy Tường quê ở xã Tây Lạc, huyện Nam Chân.
- Tri phủ Diễn Châu Lưu Khắc Nhất quê ở Từ Ô, huyện Thanh Miện.
- Tú tài Phạm Văn Tuần quê ở xã Tam Đăng, huyện Đại An.
- Tú tài Nguyễn Như Khuê xã Cổ Liêu, huyện Đại An.
- Tú tài Vũ Đức Mậu quê xã Bãi Trữ, huyện Gia Viễn.
- Cai tổng Phạm Tuấn Khâm quê xã Quyết Trung, huyện Yên Khánh.
- Giám sinh Vũ Danh Viên quê xã Thư Liệu, huyện Nam Chân.

Mười sáu vị có mặt đầu tiên trong sự nghiệp lấn biển khai hoang vùng ven biển Nghĩa Hưng đều đã thành đạt trên con đường học vấn, đỗ cao là Tiến sĩ rồi đến Cử nhân, Tú tài. Dân chúng trên một trăm năm qua vẫn nối tiếp nhau hương khói phụng thờ là để tỏ cái nghĩa với những người khởi dựng và nể vì cái dũng khí của lớp cha ông. Các nhà nho với sức vóc phỏng được bao nhiêu nhưng đã quyết tâm họp quần nhau lại, góp tiền, góp sức để tấn công vào thiên nhiên đầy khó khăn gian khổ. Mới trên một trăm năm, mảnh đất này đã biết bao thay đổi. Thuở ấy nơi đây còn là vùng sình lầy, nơi giao tiếp giữa trời và nước thì ngày nay đã là cánh đồng thẳng cánh cò bay, mùa nối mùa lúa vàng trĩu bông, xóm làng trù phú, cây cối mượt mà xanh tươi bốn mùa.

Công lao sâu nặng trước hết thuộc về Phạm Văn Nghị Hoàng giáp Tam Đăng vốn sinh ra ở một vùng đồng chiêm trũng thuộc làng Tam Đăng tổng An Trung huyện Đại An nay là xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nên là người hiểu rất rõ giá trị của mỗi thước đất màu mỡ ở vùng này. Nhà nghèo, 16 tuổi đã phải đi dạy học nuôi thân và ngoài 30 tuổi mới đỗ Hoàng giáp để ra giúp đời. Dăm năm tham gia công việc khẩn hoang ở đây so với cuộc đời 76 tuổi lận đận nhưng giàu lòng yêu nước của ông chỉ là một thoáng trôi nhanh trên những trang lịch sử. Nhưng công ấy đối với đất này quả là to lớn.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ vào tết Nguyên Tiêu tức là rằm tháng giêng, sau những ngày Tết cổ truyền vui vẻ, nhân dân Sĩ Lâm tổ chức hội làng. Hội truyền thống nơi đây tưng bừng náo nhiệt nhất là hội đua thuyền. Đua thuyền là môn thể thao cổ truyền biểu hiện tinh thần thượng võ và ý chí đấu tranh giành giật với thiên nhiên của nhân dân địa phương. Hội làng của một vùng quê ven biển đã và đang vẫy gọi du khách các nơi về tham dự.

 Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com