Đền An Lá

05:11, 28/11/2013

Đền An Lá (còn gọi là đình Cả), nằm trên mảnh đất rộng hơn 3000m2, xung quanh là cánh đồng thuộc thôn An Lá xã Nghĩa An huyện Nam Trực cách thành phố Nam Định gần 5km theo quốc lộ 55. Đền thờ ông Nguyễn Tấn, một danh tướng thời Đinh, thế kỷ thứ X.

An Lá xưa vốn là vùng đất hoang hóa thuộc huyện Thuận Vi, người dân ở trại Âu Hóa (nay là vùng Xích Thổ huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình) về đây lập ấp nên cũng đặt tên là trại Âu Hóa. Tương tuyền, khi tướng Nguyễn Tấn và Nguyễn Bặc họp quân ăn mừng, quân lính đông, phải ăn bằng lá thay bát nên nhân dân còn gọi là "trại Ăn Lá", sau đọc chệch thành "trại An Lá".

Nguyễn Tấn sinh ngày 10-3 năm Nhâm Dần (942) tại trại Âu Hóa. Thuở nhỏ ông đã có tư chất thông minh lại chăm chỉ luyện tập võ nghệ. Năm 966, đất nước xảy ra loạn 12 sứ quân, Nguyễn Tấn đứng ra chiêu mộ được vài trăm trai tráng, thường xuyên luyện tập võ nghệ, đóng quân ngay tại quê hương. Nhờ có đội quân này mà cả một vùng dân cư được yên ổn làm ăn.

Lễ hội đền  An Lá diễn ra từ mồng 9 đến ngày 11 tháng 3 (âm lịch) hàng năm.
Lễ hội đền An Lá diễn ra từ mồng 9 đến ngày 11 tháng 3 (âm lịch)
hàng năm.

Ngày 10 tháng 12 năm Đinh Mão (967), sứ quân Kiều Công Hãn bại trận từ Phong Châu (Vĩnh Phúc), bị Nguyễn Bặc đuổi qua vùng Âu Hóa thì Nguyễn Tấn đem quân ra đánh. Phần vì mỏi mệt, đói khát, Kiều Công Hãn đuối thế, bị Nguyễn Tấn chém vào cổ, bỏ chạy đến làng Din thì chết. Quân Nguyễn Bặc đuổi đến nơi, Nguyễn Tấn tưởng giặc nên dàn quân ra đánh. Khi Nguyễn Bặc đem lời dụ, Nguyễn Tấn mới biết là tướng của Đinh Bộ Lĩnh, liền hạ cờ quy phục. Hai bên hợp quân, mổ trâu, bò ăn mừng. Từ đây, Nguyễn Tấn hết lòng giúp sức cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Đất nước thanh bình, Nguyễn Tấn xin phép triều đình về quê sinh sống. Ông chiêu tập nhân dân ở nhiều nơi về đây sinh cơ lập nghiệp, khuyến khích khai phá thêm ruộng đồng, đào sông đắp đường, làm cầu, mở chợ... Ông còn xây dựng một đội quân tinh nhuệ, ngày ngày luyện tập võ nghệ, khi cần thì sử dụng. Từ đó đời sống cư dân trong vùng ngày một an bình thịnh vượng. Hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích gắn với thời kỳ hoạt động của ông như: cồn Đôi, cồn Luyện, xóm Trung Quân, xóm Hổ Lửa...

Năm Kỷ Mão (978), Nguyễn Tấn nghe tin vua Đinh bị giết hại, ông tập hợp lực lượng, xây thành đắp lũy, sẵn sàng đối phó với biến động. Nhưng do tuổi già sức yếu, lại thêm bệnh nặng nên một thời gian sau ông qua đời vào tuổi 82. Nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc, đã xây dựng ngôi đền thờ phụng ông ở phía bắc của trại quân, cách mộ ông khoảng 100m, tục gọi là đền thờ đức thánh Cả.

Ban đầu, đền được xây dựng đơn giản, đến thời Hậu Lê được xây dựng lại khang trang hơn và đến thời Nguyễn mới được mở rộng với quy mô bề thế theo kiểu "nội chữ tam, ngoại chữ quốc".

Đền An Lá xây dựng theo hướng bắc, phía trước xây một bức bình phong cao 2m, rộng l,7m , trang trí họa tiết long mã khỏe đẹp. Hai bên cổng vào có 2 cột đồng trụ cao hơn 10m được xây gạch để mộc, mạch vữa rất đều và thẳng. Phía dưới cột, ở mặt trong đắp hai con hổ ngồi chầu; trên đỉnh là hai nụ sen cách điệu, nhìn xa như hai cây bút vây. Hai bên đông, tây của cổng chính có hai tòa lâu các hai tầng, xưa dùng làm nơi chấm giải thi cờ, thi hát... trong các dịp hội hè, lễ tết.

Tòa bái đường có 5 gian chính và 2 gian phụ, với 4 bộ vì kiểu chồng rường nằm trên 4 hàng cột. Hai hàng cột phía đông được kê trên chân tảng đá thấp hình vuông, hai hàng phía tây có chân tảng đá làm thắt cổ bồng. Ở hai đầu của tòa này, các chái có gắn bạo vào cột, phía dưới làm sàn gỗ lim. Mỗi bên sàn đều được chia thành hai bậc cao thấp khác nhau. Các bộ vì chạm khắc đề tài tứ linh, lấy rồng làm hình ảnh chủ đạo.

Tòa đệ nhị nằm cách tòa bái đường một khoảng sân hẹp, có 5 gian, dáng thấp. Tòa này có 8 cột cái và 12 cột quân; cột cái được sơn son, vẽ hình long vân. Phần trên của 4 bộ vì đều được làm theo kiểu giá chiêng đấu soi, phần dưới thể hiện rất khác nhau. Bộ vì thứ nhất có câu đầu, xà lòng soi ống kẻ, xà nách chạm bong hình rồng theo phong cách thời Hậu Lê. Bộ vì thứ hai có câu đầu chạm hình cá hóa long, dưới kẻ truyền. Bộ vì thứ ba và bốn có câu đầu chạm họa tiết lá lật cách điệu. Tại hệ thống bẩy tiền, nửa phía đông chạm lưỡng long ngậm ngọc, trúc hóa long, long phượng vờn nhau; nửa phía tây chạm các mặt hổ phù, long vân và hình lá lật cách điệu. Hai bên hồi tòa này được xây tường, mặt trước có hệ thống cánh cửa chân quay, nay vẫn còn một số mảng chạm khắc theo phong cách thời Hậu Lê (Thế kỷ XVII-XVIII).

Tòa chính tẩm ba gian, có 8 cột cái sơn son, vẽ hình long vân và 8 cột quân để mộc, với những chân tảng đá rất thấp. Xà nách sơn son, chạm rồng theo phong cách thời Nguyễn và họa tiết lá lật cách điệu. Chính tẩm có hệ thống cửa bức bàn màu nâu thảm, nền lát gạch vuông, hiên lát gạch thất.

Cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, đền An Lá thường tổ chức lễ hội rất lớn để tưởng nhớ và tri ân công đức đối với tướng quân Nguyễn Tấn. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 9 đến ngày 11 với những nghi lễ truyền thống như tế thần, rước kiệu được đông đảo nhân dân tham gia. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian phong phú như múa rồng, múa sư tử, chọi gà, leo cầu kiều, cờ người... diễn ra rất sôi nổi. Nhân dân trong vùng cùng khách thập phương quây quần tụ họp dưới mái đình cổ kính cùng tham gia và hưởng thụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.

Theo: Di tích lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com