Ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) Hội Già Lam Hành Thiện gồm những nhạc công chơi nhạc cụ dân tộc vẫn duy trì hoạt động. Cụ Đặng Viết Dưỡng, chủ nhiệm cho biết, Hội Già Lam Hành Thiện có từ những năm 1940, chủ yếu hoạt động phục vụ các khóa lễ của chùa làng với các bài nhạc tế, lễ truyền thống. Sau một thời gian dài thăng trầm, đến năm 1998, cụ Dưỡng bắt đầu tập hợp các thành viên tiếp tục duy trì hoạt động Hội cho đến ngày nay. Để có một buổi biễu diễn hay, đòi hỏi mỗi hội viên phải sử dụng thành thục các nhạc khí như: kèn, nhị, tứ nguyệt, nhị hồ, trống cơm, đàn bầu…, đồng thời duy trì hoạt động tập luyện.
Một buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội Già Lam Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Để sử dụng một loại nhạc cụ dân tộc phải tốn nhiều thời gian, nhất là với hội viên mới. Người sử dụng đàn bầu phải học cách định âm chuẩn cho dây đàn, cách sử dụng que gảy đàn, các tư thế diễn tấu rồi cách sử dụng tay trái trên cần đàn và dây đàn phối hợp với các ngón rung, ngón vỗ, ngón vuốt, ngón luyến, ngón tạo tiếng chuông... Cụ Dưỡng cho biết, âm nhạc truyền thống đòi hỏi rất khắt khe các yêu cầu cho cả người chơi nhạc và nghe nhạc. Ví như nhạc tế lễ, cũng trên nền tảng cơ bản, nhưng cách chơi nhạc tế lễ ở đình, miếu, lăng khác với ở chùa, hay trong các đám hiếu. Các hình thức, lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ được gọi chung là nghi lễ Chầu văn cũng có cách thể hiện riêng. Do vậy, đòi hỏi nhạc công phải am hiểu rộng và vững tay nghề. Ngoài ra, người chơi cũng phải nghiên cứu các nhạc cụ mà mình sử dụng, từ nguồn gốc hình thành đến đặc điểm, vai trò của nhạc cụ trong dàn nhạc để sử dụng cho thích hợp… Ở Hội Già Lam Hành Thiện, các loại nhạc cụ đều được mua bằng kinh phí đóng góp của các hội viên, với trị giá hàng chục triệu đồng. Nhiều hội viên sinh ra trong gia đình có truyền thống chơi nhạc cụ dân tộc. Bác Phạm Văn Giảng, có ông nội và cụ thân sinh chuyên hát Chầu văn và biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, đến nay con trai bác là Phạm Văn Giang cũng tiếp nối truyền thống ấy. Ông Nguyễn Văn Thiệu lớn lên cùng với điệu nhạc, lời ca mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, cụ thân sinh ra ông cũng từng là hội viên của Hội Già Lam Hành Thiện trong những năm đầu thành lập... Trong Hội, các hội viên phần lớn đều đã có tuổi, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi, còn lại chủ yếu ở độ tuổi 60, 70, tất cả đều luôn đam mê với âm nhạc truyền thống. Tiêu biểu như cụ Dưỡng, mặc dù tuổi đã cao, nhưng luôn nhiệt tình trong các công việc của Hội. Cụ cho biết, hồi còn trẻ, cứ đến hội rước hay tế tại chùa Keo Hành Thiện là dân làng lại háo hức đến xem, Hội Già Lam Hành Thiện hồi đó tuy không có đầy đủ trang phục, đạo cụ như bây giờ nhưng vẫn biểu diễn rất hay. Một lần được nghe thầy chơi nhạc tế lễ, cụ ái mộ và tìm đến học đàn tranh, đàn nguyệt. Được thầy chỉ dạy tận tình, phân tích cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống, niềm đam mê âm nhạc dân tộc cứ ngấm dần. Năm 1951, cụ nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi bị thương, cụ về làm việc ở xã. Khi nghỉ hưu cụ lại tham gia đội văn nghệ của HTX Hợp Tiến và có cơ hội giao lưu với những nhạc công có kinh nghiệm, nhiều lần được đi hội diễn ở tỉnh và Quân khu 3. Khi đội văn nghệ HTX Hợp Tiến không còn, cụ tập hợp các thành viên cũ của đội Già Lam Hành Thiện và được các hội viên tin tưởng bầu làm chủ nhiệm cho đến bây giờ. Mỗi khi chuẩn bị cho một buổi tế, lễ, hoặc các hoạt động văn hóa, tại sân chùa Keo Hành Thiện, 14 hội viên của Hội Già Lam Hành Thiện lại cùng nhau cất lên tiếng trống, tiếng sáo, tiếng đàn rộn rã làng quê. Hình ảnh những cụ già tóc bạc dạy các cháu nhỏ, thanh thiếu niên học đàn, học hát các điệu Chầu văn, chèo đã trở nên quen thuộc nơi đây. Tuy khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng điều gắn kết họ với nhau là tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc dân tộc.
Hiện nay, tại mỗi dịp lễ ở chùa Keo Hành Thiện hay hội thánh, hội mẫu không thể thiếu Hội Già Lam Hành Thiện tham gia biểu diễn. Đây là một sân chơi bổ ích của người cao tuổi Hành Thiện, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư