Theo thống kê của ngành Du lịch Việt Nam, cả nước hiện chỉ còn lưu giữ 5 cây cầu ngói là Chùa Cầu Hội An (Đà Nẵng), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình) và riêng tỉnh ta có 2 cầu ngói là Cầu Ngói xã Hải Anh (Hải Hậu) và Cầu Ngói chợ Thượng, thôn Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực). Cầu Ngói có kiến trúc độc đáo làm bằng gỗ, mái che lợp ngói, được bắc trên những dòng sông, tạo vẻ đẹp cổ kính của các làng quê và trở thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút du khách.
Nét đẹp cổ kính, độc đáo của Cầu Ngói xã Hải Anh (Hải Hậu). |
Cầu Ngói xã Hải Anh nằm trong cụm di tích lịch sử, văn hóa: “chùa Lương, cầu Ngói, đình Phong Lạc” nổi tiếng của vùng đất Quần Anh xưa, từng được Vua Lê ban tặng 4 chữ: “Mỹ tục khả phong”. Theo sử sách cũ, đất Quần Anh xưa có 10 giáp, mỗi giáp dựng một cây cầu để thuận tiện cho việc đi lại. Từ giáp Nhất đến giáp Chín dựng cầu bằng đá, còn giáp Mười (trung tâm vùng đất Quần Anh) có lẽ do gần chùa, để hài hoà, phù hợp với không gian chung nên cầu được dựng bằng gỗ, lợp ngói bắc qua sông Hoàng. Do nằm trên đường dẫn vào chùa Lương, giáp với chợ Lương nên nhân dân quen gọi cầu với tên khác là Cầu Ngói chợ Lương hoặc Cầu Ngói chùa Lương. Ban đầu, cầu lợp mái rạ đơn sơ, sau đó lợp lại mái ngói theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu). Cầu Ngói xã Hải Anh được nhiều thế hệ người dân trấn Sơn Nam Hạ xưa ca tụng vẻ đẹp và được lưu lại trong câu ca: “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài”, là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc với quy mô gồm 9 gian, phía dưới được đỡ bởi 18 cột đá xếp thành 6 hàng. Trên các cột đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim; sàn cầu uốn cong, được ghép lại bởi nhiều thanh gỗ lim có gờ nổi. Hai bên cầu là hai dãy hành lang cũng được uốn cong để khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ, phía ngoài hành lang là hàng lan can bằng gỗ. Việc thiết kế cây cầu uốn cong đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công của những người thợ tài hoa. Cầu có 10 bộ vì, 40 cột cái, 36 xà dọc cùng hàng chục cột quan, xà ngang, xà máng… được khớp nối với nhau chắc chắn. Mái ngói lợp uốn cong tựa như rồng đang bay, trải qua hàng trăm năm mưa, gió vẫn không bị xô lệch. Bên cạnh vẻ đẹp kiến trúc, Cầu Ngói xã Hải Anh còn gây ấn tượng bởi các mảng trạm khắc trang trí. Mỗi đầu cầu được trạm hình tượng 2 con nghê chầu với dáng vẻ uy nghiêm đang nâng cuốn thư đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương). Trong lòng cầu được trang trí các mảng trạm khắc tạo hình con bướm, đầu con song, lá đề… Với những giá trị độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật, Cầu Ngói cùng với chùa Lương được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1990.
Cầu Ngói chợ Thượng ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh (Nam Trực) được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của Bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân - cung phi của Chúa Trịnh - người quê xã Thượng Nông, Nam Chấn xưa (xã Bình Minh ngày nay). Về kiến trúc, cầu cũng được xây dựng theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều”, dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp ngói nam uốn cong nằm soi bóng xuống dòng sông Ngọc xanh mát quanh năm. Hai đầu cầu được xây dựng bằng đá, cửa đi ở giữa, hai bên đắp 2 cửa giả, bên trên là bức đại tự bằng chữ Hán “Thượng gia kiều”. Cầu Ngói chợ Thượng dài 17,3m, chia thành 11 gian, chân cầu và 2 mố cầu làm bằng đá (mỗi mố có chiều dài 6,5m), giữa 2 mố cầu rộng 4,5m để cho thuyền đi lại. Dầm cầu được tạo bởi 2 thanh dầm dọc và 4 thanh dầm ngang bằng gỗ lim có đầu nhô ra ngoài để đỡ các chân cột. Lòng cầu được lát đá tảng, rộng gần 2m, dọc 2 bên hành lang có bệ ngồi... Từ năm 2003, Cầu Ngói chợ Thượng được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đến tháng 6-2012, di tích Cầu Ngói và Phủ Bà đã được cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia.
Ngoài Cầu Ngói xã Hải Anh và Cầu Ngói chợ Thượng, ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) còn lưu giữ cây cầu gỗ lợp lá cọ bắc qua sông nhỏ cũng có tuổi thọ hàng trăm năm. Với kiến trúc độc đáo, thời gian tồn tại 400-500 năm, các cây cầu trên đã gắn bó mật thiết với bao thế hệ người dân quanh vùng. Thời gian qua, Sở VH, TT và DL, trực tiếp là Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh và Phòng VH-TT các huyện Hải Hậu, Nam Trực đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch Cầu Ngói, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh còn tổ chức các chuyến tham quan, khảo sát nhằm phát triển tiềm năng du lịch trong tỉnh. Với vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của cầu ngói cùng cảnh quan làng quê, vẻ đẹp của các ngôi chùa, đình làng, các nhà thờ trong vùng đã thu hút nhiều du khách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu. Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực, song việc phát triển du lịch Cầu Ngói ở tỉnh ta còn không ít khó khăn do giao thông đến các địa chỉ du lịch này không thuận tiện cho việc đi lại. Việc quan tâm bảo tồn, tôn tạo Cầu Ngói ở các địa phương còn nhiều bất cập. Cầu Ngói chợ Thượng đã bị xuống cấp, hai bên mố cầu bị nước xói mòn trơ chân đá; hệ thống chân đòn, các cột gánh đã bị bào mòn ảnh hưởng đến mỹ quan cây cầu. Với Cầu Ngói xã Hải Anh, việc xây dựng cầu mới khá lớn và cột điện sát đầu cầu làm ảnh hưởng đến cảnh quan của cây cầu. Bên cạnh đó, ngoài cảnh quan này, các dịch vụ du lịch ở địa phương chưa phát triển. Thực tế, nhiều du khách đến tham quan cầu không được tiếp cận với những dịch vụ du lịch tối thiểu nên rất bất tiện và lãng phí cơ hội tăng thu từ dịch vụ cho địa phương.
Để tạo điều kiện phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch thưởng ngoạn có di tích lịch sử văn hoá Cầu Ngói độc đáo trong tỉnh, các ngành, các địa phương cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn các cây cầu. Trong phát triển du lịch Cầu Ngói, ngành VH, TT và DL, các địa phương cần tính đến quy hoạch, gắn kết với các điểm du lịch khác tạo thành các tour du lịch hấp dẫn du khách. Việc gắn kết các địa chỉ như Làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá - xem múa rối nước tại xã Hồng Quang - Cầu Ngói chợ Thượng; tổ chức tour du lịch tham quan Cầu Ngói xã Hải Anh, các nhà thờ kết hợp nghỉ dưỡng tại Khu du lịch biển Thịnh Long là những gợi ý rất cần được ngành du lịch quan tâm. Các ngành, địa phương cần tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, tỉnh để nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng cảnh quan sạch đẹp, phát triển các dịch vụ du lịch góp phần đưa các cây Cầu Ngói trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan./.
Bài và ảnh: Thanh Ngọc