Võ Nguyên Giáp đồng nghĩa với Việt Nam

08:10, 14/10/2013

Đối với thế giới, cái tên Võ Nguyên Giáp quen thuộc đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải.

Nhà thơ Đa-ghe-xtan nổi tiếng thế giới Ra-xun Gam-gia-tốp thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi anh đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, thì anh có thể chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, xem dân tộc đó thế nào, thì dân tộc đó cũng cần phải đưa ra "giấy tờ" của mình, là các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài giỏi. Họ chính là “giấy thông hành” để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Có lẽ cũng vì thế chăng, mà có lần tham gia trong đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, tôi rất ngạc nhiên khi phái đoàn của ta vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt của cả một biển người trên hành tinh: "Hồ Chí Minh - Giáp Giáp! Hồ Chí Minh - Giáp Giáp!" Hồ Chí Minh thì đã rõ rồi. Bác là vị lãnh tụ lỗi lạc, là Danh nhân văn hoá thế giới. Thế còn Giáp Giáp là gì? Tiếng Tây chăng? Tôi lần hỏi mới hay, họ đã hô vang tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. Cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, vị tướng huyền thoại ấy, cũng đã trở thành cái "giấy thông hành" để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người.

Bây giờ thì vị tướng huyền thoại ấy đang ngồi trước mặt tôi. Một ông già hiền lành, đôn hậu. Nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng như mây. Trông ông có dáng dấp của một ông Tiên trong những câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ.

- Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc Đại tướng khoẻ mạnh, hạnh phúc. Cầu mong Đại tướng luôn gặp những chuyện tốt lành.

- Mình cám ơn thiện tâm của các cậu!

Còn nhớ cách đây đã hơn chục năm, tôi cùng nhà văn Lê Lựu và nhóm phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội đến gặp Đại tướng, và viết bài “Hỏi chuyện Anh Văn” nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài viết in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội đầu tháng 5 năm 1994. Trung tuần tháng đó, tôi có dịp sang thăm Mỹ theo lời mời của các nhà văn cựu chiến binh Mỹ. Nhà thơ nổi tiếng Mỹ Brút-xơ Uây-gơn cười tủm tỉm: "Tôi có xem bài viết của ông với ông Lựu trong thư viện của Trường Đại học Ha-vớt, cũng xem cả bức ảnh ông và ông Lựu chụp chung với Tướng Giáp. Trong ảnh, tôi thấy Tướng Giáp là người trẻ trung nhất, sau đó mới đến ông Lựu, còn người già nua nhất thì lại là... ông".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười hiền hậu:

- Họ đùa đấy! Dân nước ngoài họ rất hay đùa. Sự thật thì mình đâu còn trẻ mà cậu thì cũng đâu đã già!
- Vâng, tôi cũng biết là họ đùa, nhưng trong câu nói đùa ấy cũng hàm chứa ít nhiều sự thật, là cụ rất được yêu mến. Dân mình, lính mình yêu cụ đã đành, nhưng ngay cả những kẻ thù từng bị cụ đánh bại cũng rất kính phục cụ. Được kẻ thù của mình kính phục và trọng nể, kể cũng không phải dễ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như không để ý đến câu nói ấy. Ông chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười thật hiền hậu. So với lần gặp trước cách đây chừng chục năm, tôi thấy Đại tướng chẳng có gì thay đổi, mặc dù ông cũng đã qua cái tuổi cổ lai hy từ rất lâu rồi. Dường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra để chống lại tạo hoá. Sự già nua không đánh được vào ông. Một ánh mắt tinh nhạy, trẻ trung, một trí tuệ rất minh mẫn. Nhân ngày đầu xuân, tôi hỏi ông có bí quyết gì mà có được sức lực dẻo dai như thế? Ông cười hiền lành:

- Mình chẳng có bí quyết gì đâu. Chỉ chịu khó tập thể dục, sống thanh thản và không vẩn vơ nghĩ về cá nhân.

Theo cô con gái rượu của ông, Giáo sư - Tiến sĩ Vật lý Võ Hồng Anh, thì hằng ngày, Đại tướng sống rất điều độ. Buổi sáng ông dậy sớm tập thể dục, rồi đi bách bộ quanh khu vườn. Bảy rưỡi ăn điểm tâm. Mỗi bữa thường chỉ có một bát xúp nhỏ, một lát bánh mì. Buổi trưa ông ăn rất ít. Tối cũng vậy, chỉ thêm bát xúp ngô với một ít rau tươi. Còn cơm, ông ăn không đầy một bát. Nhưng ngày nào ông cũng làm việc. Công việc vẫn bề bộn. Bắt đầu từ tám giờ sáng. Ông tiếp khách trong nước, quốc tế, hoặc dự hội thảo, thăm nơi này, nơi kia, theo kế hoạch mà đồng chí thư ký đã chuẩn bị từ trước. Rỗi thì ông đọc sách. Ông đọc khá nhiều. Đủ các loại sách. Sách quân sự. Sách khoa học. Sách danh nhân. Rồi tiểu thuyết. Rồi thơ. Rồi lý luận phê bình.

Đại tướng tặng tôi mấy cuốn sách, và cả những bài báo rất hay viết về khoa học, kinh tế mà ông thấy tâm đắc, ông phô tô tặng tôi. Tôi thực sự ngạc nhiên vì thấy ông đọc rất nhiều. Tôi hiểu vì sao ông có được sự minh mẫn đến thế. Trí tuệ loài người nằm hết trong sách. Không phải ngẫu nhiên, khi cô con gái rượu của Các Mác hỏi bố: “Công việc gì mà ba yêu thích nhất”. Mác đã trả lời: “Lục lọi ở trong sách”.
- Vừa rồi tôi có đọc cuốn hồi ký của anh Trà. Anh ấy có viết về tôi. Trong đó có một câu làm tôi rất xúc động: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính. Anh ấy là người rất hiểu tôi...

Nói rồi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi lặng. Gương mặt thâm thấm một nỗi gì hiu hắt. Trông ông như một đỉnh núi vừa tắt nắng. Hình như ông đang nhớ lại một thời oanh liệt đã qua. Trong trận Điện Biên Phủ, ông là Đại tướng Tổng Tư lệnh, nhưng nắm chắc đến từng đại đội một. Nghĩa là ngay một anh đại đội trưởng dưới cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng Tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu. Trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em rút ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công.

Thật bất ngờ khi một vị tướng huyền thoại, “bách chiến, bách thắng”, mà khi vào trận, ông lại quan tâm trước nhất là chuyện “rút lui”. Bí kíp giành thắng lợi của ông là thế chăng? Và ta cũng lại bất ngờ nữa khi biết, có trận thắng vang dội, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy, vì mất nhiều lính quá. Nhiều khi cứ úp mặt xuống phên tre mà khóc. Nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Nhưng điều ấy thì không phải ai cũng biết được. Tôi chợt nhớ đến hồi Mậu Thân, nhớ đến câu thơ Hữu Thỉnh:

“Có trận đánh trở về
Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát
Thừa đến nỗi những người sống sót
Cũng không nỡ nhận mình là may
Hồi Mậu Thân toan tính biết bao điều...”

Có lẽ cũng vì thế mà Thiếu tướng Nguyễn Chuông, Tư lệnh Quân đoàn 29, một trong những người lính quả cảm của Tướng Giáp, khi về hưu, được quân đội chia cho ít đất để làm nhà, ông đã dành một khoảng đất để xây một cái miếu ngay ở trước cửa nhà để ông thờ lính. “Các em đã lặn lội theo anh vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, không may phải nằm lại dọc đường, bố mẹ già khuất núi rồi, vợ con lại chưa kịp có thì biết lấy ai hương khói trong những ngày tết nhất hay ngày rằm, mồng một. Anh may mà thoát chết, vừa được quân đội cho tí đất đây, anh lập cái am này để các em về đây quây quần với anh”. Rồi ông dặn dò con cháu, nếu không may ông có phải ra đi thì những ngày Tết hay ngày rằm, mồng một, hoặc ngày 27-7, chúng nhớ thay ông thắp hương cho những người lính của ông đã, rồi sau đó mới thắp cho ông.

Có lẽ cũng vì thế chăng mà khi tôi có nhã ý muốn được đọc một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chính mình thì ông đã từ chối. Thực tình thì ông cũng đã viết hoặc kể cho người khác viết. Nhưng đó là những trang hồi ký về Bác, về Đảng, về cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân. Đó là một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào, chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt của một vị tướng. Còn thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao, thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết.

- Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác Hồ, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói vậy. Ông vốn là một người rất đỗi khiêm nhường. Ông mong gì ư? Nếu có sức lực và có điều kiện, ông muốn được trở lại những vùng chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung với ông một cái chăn rách.

Tôi chợt nhớ đến một ông già bản mà tôi gặp trên đường vào Mường Phăng. Ông già hồ hởi:

- Chuyện Đại tướng chứ gì? Đại tướng thì tôi biết. Tôi cũng đã mấy lần gặp Đại tướng rồi. Vùng này là quê của Đại tướng đấy. Năm nọ Đại tướng có về quê. Đại tướng nói chuyện với đồng bào bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng tôi đấy. Nhà Đại tướng ở chỗ kia kìa...

Nói rồi, ông già chỉ lên núi Mường Phăng. Một dải rừng xanh um giữa mênh mông đồi trọc. Ở Điện Biên và cả mấy vùng lân cận, rừng cơ bản đã bị phá xong. Nửa đêm, tôi còn thấy những dải lửa cháy rừng rực vắt giữa lưng chừng trời. Đồng bào đốt nương đấy. Chẳng còn cách nào ngăn được. Đói thì phải phá rừng. Rừng núi nhiều nơi đã trơ trụi, nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm rậm rạp như rừng nguyên sinh. Tôi đã đi dưới những tầng cây ấy, nghe chim rừng hót ríu ran. Một làn suối âm thanh trong trẻo và mát rượi rót xuống từ lưng chừng trời. Không một rảnh cây nào bị chặt phá hay bị bẻ gẫy. Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng.

Họ tự đặt tên cho khu rừng là “Rừng Đại tướng”. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông. Đối với vị tướng trận, đó là hạnh phúc lớn. Một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được trong cõi trần này./.

Theo Nhân dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com