Năm 1998, nhà báo Giôn Ken-nơ-đi, con trai của cố Tổng thống Mỹ Giôn Ph.Ken-nơ-đi, đã đến thăm Việt Nam và có dịp gặp, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. Sau chuyến đi ấy, bài phỏng vấn do Giôn Ken-nơ-đi thực hiện với tiêu đề “Trí tuệ bậc thầy” đã được đăng trên Tạp chí George ở Oa-sinh-tơn. Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung chính của bài phỏng vấn này.
Giôn Ken-nơ-đi: Làm thế nào mà nghề giáo lại chuẩn bị cho ông sự nghiệp của một chỉ huy quân đội tối cao của Việt Nam?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Vì như mọi người Việt Nam, tôi muốn có độc lập, và ở Việt Nam, chúng tôi thường nói “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Vì thế khi được hỏi: “Ai là vị tướng giỏi nhất của Việt Nam?”, tôi đã trả lời: “Nhân dân Việt Nam”.
Giôn Ken-nơ-đi: Đâu là sự khác biệt giữa hai cuộc chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người Pháp nghĩ rằng, vì họ đã cai trị Việt Nam trong suốt gần 100 năm nên họ hiểu tình hình và họ quyết phải thắng. Nhưng đúng vào lúc người Pháp có trong tay lực lượng quân sự mạnh nhất và chắc mẩm sẽ giành thắng lợi, thì họ lại thất bại trong cuộc bao vây ở Điện Biên Phủ năm 1954. Nhiều tướng lĩnh và Bộ trưởng của Pháp đã đến Điện Biên Phủ trước khi nơi đó sụp đổ và một số tướng lĩnh của Mỹ cũng vậy. Tất cả họ đều nói rằng Điện Biên Phủ không thể bị tiêu diệt, nhưng rồi nó đã sụp đổ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình tiếp nhà báo Giôn Ken-nơ-đi (ngoài cùng, bên phải) năm 1998 (Ảnh: Báo Lao động). |
Giôn Ken-nơ-đi: Nước Mỹ và Việt Nam lẽ ra đã không là kẻ thù của nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ trong các bài diễn văn của ông và người Mỹ cũng đã giúp đỡ Việt Nam về mặt kỹ thuật trong cuộc chiến chống lại quân Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông có bao giờ nghĩ mình sẽ tiến hành một cuộc tấn công chống lại nước Mỹ?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người Việt Nam và người Mỹ đã có một lịch sử quan hệ lâu dài. Tổng thống Giép-phơ-xơn khi còn là Bộ trưởng đã từng gặp một vị hoàng tử của Việt Nam. Ông ấy muốn mang theo một ít hạt giống lúa về Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, một nhóm người Mỹ do Thiếu tá OSS A-li-xơn Thô-mát đã nhảy dù xuống chiến khu và hợp tác với chúng tôi khi chúng tôi đánh Nhật. Giá như sự hợp tác đó được duy trì thì đã không có chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
Khi đến Phnôm Pênh năm 1963, Tướng Pháp Đờ-gôn đã nói: “Chúng tôi đã thua trận và vì thế người Mỹ không nên tham gia làm gì”. Thế nhưng người Mỹ đã trả lời: “Pháp là một chuyện, Mỹ lại là một chuyện khác. Mỹ có sức mạnh khổng lồ và bởi vậy chúng tôi sẽ thắng”. Và đúng vào lúc Mỹ có sức mạnh lớn nhất, khi họ chắc thắng nhất, thì họ lại thua đau.
Khi cha anh là Tổng thống thì tôi là Tổng Chỉ huy Quân đội Việt Nam và tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng những tư duy cũng như các chính sách của ông ấy. Lúc đầu tôi nghĩ rằng, kế hoạch của ông ấy là dùng sức mạnh quân sự để giúp chính quyền Sài Gòn ngăn chặn phong trào Cộng sản. Nhưng đến nay, nhờ các tài liệu lịch sử, tôi được biết rằng, sau này Tổng thống Ken-nơ-đi đã nghĩ lại và không muốn ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn. Ông ấy muốn Hoa Kỳ chỉ tham gia chiến tranh Việt Nam trong một phạm vi nhất định. Nếu điều không may đó - cái chết của cha anh - không xảy ra, mọi việc có thể đã khác, chứ không phải như những gì đã diễn ra dưới thời Giôn-xơn và Ních-xơn.
Giôn Ken-nơ-đi: Ông nói cuộc chiến đấu chống Mỹ là một cuộc chiến chính trị song song với một cuộc chiến quân sự. Ý của ông là gì?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, rằng không bao giờ có một chiến lược thuần túy về mặt quân sự. Thế nên chiến lược của chúng tôi bao gồm mọi thứ - từ chính trị, quân sự, kinh tế đến ngoại giao. Và đó cũng không phải một cuộc chiến tranh chỉ do lực lượng quân đội tiến hành, đó là cuộc chiến của toàn dân. Đây là một điểm mà các tướng lĩnh và chính trị gia của Mỹ đã không hiểu được.
Giôn Ken-nơ-đi: Người ta đã viết nhiều về việc người Mỹ được trang bị không tốt và không thích hợp để chiến đấu tại cuộc chiến tranh trên bộ ở Đông Nam Á. Ý kiến của ông như thế nào?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi đã đọc một vài nhận xét của các binh lính Mỹ nói về cái cách mà cuộc chiến đã diễn ra. Một trung úy đã viết: “Khi bạn bước ra trận địa (ở Việt Nam), chỉ lúc ấy bạn mới biết chiến tranh thế nào. Các vị chỉ huy của ta không hiểu gì cả. Chúng ta tìm kiếm kẻ thù mọi nơi và chẳng tìm thấy gì, nhưng khi chúng ta nghĩ không có địch, thì kẻ địch lại xuất hiện. Chẳng có chiến tuyến nào, nhưng chiến tuyến lại ở khắp nơi. Nhìn thấy người lớn, chúng ta sợ. Nhìn thấy trẻ con, chúng ta sợ. Khi nhìn thấy một chiếc lá cây rung rinh, chúng ta cũng lại thấy sợ hãi”.
Giôn Ken-nơ-đi: Trong suốt thời gian ở đây, tôi ngạc nhiên khi thấy rằng có rất ít sự hận thù đối với người Mỹ. Tại sao lại như vậy?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Gần đây, một cựu chiến binh Mỹ đã đến thăm tôi và tôi tiếp đón anh ta rất nồng nhiệt. Anh ta nói: “Tôi không hiểu tại sao trước đây tôi lại đến đánh Việt Nam, và cũng không hiểu tại sao giờ đây ngài lại tiếp đón tôi như vậy”. Và tôi trả lời: “Ngày xưa, lính Mỹ đến đây mang theo Thôm-xơn nên chúng tôi tiếp họ với tư cách những kẻ mang súng. Bây giờ, anh đến như khách du lịch và chúng tôi tiếp anh với tinh thần mến khách”. Và rồi người đàn ông đó đã khóc.
Tôi cũng đã tiếp Đô đốc Dum-uôn, viên chỉ huy đã ra lệnh rải chất độc da cam. Ông ta nói với tôi rằng chính con trai của ông ấy cũng đã phải hứng chịu hậu quả của loại hóa chất đó. “Khi ấy, tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình”, viên Đô đốc nói. Và tôi đáp lại: “Tôi hiểu”. Bởi vậy, câu hỏi bây giờ là làm sao cho nhân dân hai nước, những người đều yêu chuộng hòa bình, đến gần nhau hơn.
Giôn Ken-nơ-đi: Vậy phải làm thế nào để sự hòa giải đạt được ở mức cao nhất?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mỗi công dân Mỹ có thiện chí nên làm gì đó để cải thiện mối quan hệ. Chúng ta phải hiểu nhau hơn, nhất là thế hệ trẻ. Còn một điểm nữa tôi muốn nói. Có lẽ di chứng đau thương nhất của cuộc chiến là những tác động của chất độc da cam. Là những người theo chủ nghĩa nhân đạo, chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm để giúp các nạn nhân Việt Nam vượt qua những khó khăn./.
Theo: qdnd.vn