Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) là nơi ghi dấu sự tích “hóa thánh” của Triệu Việt Vương. Hằng năm, từ ngày 12 đến 15-8 âm lịch, nhân dân khắp nơi lại nô nức về dự lễ hội đền Độc Bộ. Trong các chương trình lễ hội, nét đặc sắc thu hút đông đảo khách thập phương là phần lễ “Tế tam kỳ giang”.
Theo các tài liệu lịch sử, sau khi thất thủ, Triệu Việt Vương (Hoàng đế Triệu Quang Phục) cùng các tướng lĩnh chạy đến vùng đất Độc Bộ ngày nay. Người dân trong vùng đã chiêu mộ khoảng 600 dân binh phò trợ Triệu Việt Vương chống giặc. Nhưng thế giặc mạnh, không thể kháng cự, Triệu Việt Vương đã trẫm mình xuống cửa biển Đại Nha tự vẫn. Cảm phục và ghi nhớ công lao người anh hùng đã có công mở mang bờ cõi, hy sinh thân mình cho dân, cho nước, nên người dân khắp các vùng Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình đã suy tôn Triệu Việt Vương - Triệu Quang Phục là thành hoàng và xây cất các công trình để thờ phụng. Theo thống kê của Ban quản lý di tích và danh thắng (Sở VH, TT và DL), trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 93 di tích thờ, phối thờ Triệu Việt Vương, trong đó riêng xã Yên Nhân có 4 di tích thờ ông… Hằng năm, trong các chương trình lễ hội truyền thống đền Độc Bộ đều duy trì lễ “Tế tam kỳ giang” để tế trời đất, cảm tạ công ơn Triệu Việt Vương đã có công dựng nước, tạo lập cuộc sống cho nhân dân. Đây là nghi thức quan trọng trong lễ hội, nên từ đầu tháng 8 (âm lịch) nhân dân các làng đều họp bàn nghi thức tổ chức tế lễ. Ban tổ chức lễ hội tuyển chọn những người tham gia trong hội đồng "tế tam kỳ” gồm chủ tế, bồi tế, trực tế và 2 vị đông xướng, tây xướng. Theo lệ xưa, mỗi năm các làng: Độc Bộ, Phạm Xá, Dương Phạm, Đống Cao, Đoài Thôn lần lượt rước kiệu lên thuyền làm lễ. Đứng vai trò chủ tế bao giờ cũng là người làng Độc Bộ, người các làng khác sẽ đóng các vai như thống xướng, đọc văn, tiễn rượu, bồi… Những người giữ vai trò chủ tế đều phải là những người được dân làng kính trọng, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, con cái thành đạt, không vướng tang gia. Trước lễ tế hàng tuần, các thương thuyền ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… đều về cửa đền Độc Bộ neo đậu, chờ ngày hội để tham gia đoàn thuyền tế. Theo tín ngưỡng dân gian, thuyền của thương nhân nào được chọn để tham gia tế lễ thì năm đó thương thuyền làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.
Lễ rước của các làng trong lễ hội đền Độc Bộ. |
Sáng 13-8 âm lịch, các làng tổ chức rước kiệu, dâng lễ trước cửa đền Độc Bộ. Đi đầu là đội cờ ngũ sắc, cờ thần, tiếp đó là các đội phụng nghinh kiệu bát cống do các trai đinh đảm nhận với trang phục màu đỏ, đầu vấn khăn đỏ, chân quấn xà cạp, đội bát âm, đội phụng nghinh bát bửu, chấp kích, đội tế nam quan, đội tế nữ quan… Sau khi các đoàn rước vào đền làm lễ xong sẽ ra ngã ba sông chờ, còn các đội phụng nghinh dâng bát nhang vào đền làm lễ nhập tịch. Ông Bùi Xuân Đào, Thủ nhang đền Độc Bộ cho biết: Đúng 12 giờ trưa (giờ Ngọ), nghi thức “Tế tam kỳ giang” ở ngã ba sông bắt đầu. Các làng đưa kiệu bát cống, các loại cờ, bát biểu, chấp kích lên 6 chiếc thuyền lớn (hoặc phà) ra giữa ngã ba sông (cách đền Độc Bộ khoảng 150-200m) để làm lễ. Vị trí cử hành nghi lễ tại điểm giao của sông Đáy, sông Đào và dòng nước từ cửa biển đổ vào. Đoàn tế có 10 kiệu, trong đó có 6 kiệu thờ Hoàng đế Triệu Quang Phục, 4 kiệu thờ Ngọc Hoàng, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh bà Hoàng Cô (thờ ở cây dã hương cổ thụ trong làng) và Đức Thổ thần. "Tế tam kỳ" là nghi thức tế trời đất, thánh thần và rước nước. Nghi thức này gồm hai "tuần lễ" (khoá lễ). “Tuần lễ" thứ nhất để tế trời đất cầu cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên bể lặng, mùa màng bội thu… “Tuần lễ” thứ hai tế thần thánh với nghi thức các đội tế đọc chúc văn, rước nước về đền Độc Bộ. Theo nhiều nhà nghiên cứu, lễ "Tế tam kỳ giang" là nghi thức tế lễ độc đáo nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ do được tổ chức giữa ngã ba sông với nhiều phần tế lễ mang tính đặc trưng. Do vậy trong những năm chiến tranh, mặc dù điều kiện nhân lực, vật lực khó khăn nhưng người dân Yên Nhân vẫn duy trì đầy đủ các nghi thức tế lễ ở ngã ba sông. Một điểm đặc biệt nữa là hằng năm cứ đúng giờ Ngọ thực hiện lễ "Tế tam kỳ giang" thì thời tiết khô ráo, mưa gió thuận hòa.
Lễ hội đền Độc Bộ ngày nay không chỉ mang tính hội làng mà đã trở thành lễ hội vùng, trong đó, lễ "Tế tam kỳ giang" ngày càng phát triển, trở thành hoạt động hấp dẫn du khách. Chị Phạm Thu Hà sinh viên khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) ở đường Trương Định (Hà Nội) cho biết, được người thân giới thiệu về lễ hội truyền thống đền Độc Bộ năm 2013 dịp tưởng nhớ 1.442 năm ngày tuẫn tiết của Hoàng đế Triệu Việt Vương (571-2013), chị và các bạn trong lớp đã tổ chức một chuyến du lịch về dự lễ hội. Ngoài việc được tham gia đội lễ ở đền, lễ "Tế tam kỳ giang" đặc sắc, chị và các bạn còn được đến thăm và tìm hiểu nhiều điểm di tích như cây dã hương cổ thụ ở xã Yên Nhân, phủ Quảng Cung thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Yên Đồng, thăm quần thể di tích Vua Đinh ở các xã Yên Thắng, Yên Tiến. Đây là cơ hội tốt để tiếp tục giới thiệu, quảng bá về lễ hội cũng như tiềm năng du lịch của vùng đất Ý Yên./.
Bài và ảnh: Đức Thiện