Quan tâm bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá

05:10, 25/10/2013

Tỉnh ta hiện có hơn 4.000 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 229 di tích được Nhà nước xếp hạng (1 di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, 78 di tích cấp quốc gia, 220 di tích cấp tỉnh), bao gồm các loại hình: kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, cách mạng kháng chiến, danh thắng... Trong những năm qua, công tác kiểm kê và phong trào chống xuống cấp, tu bổ, phát huy giá trị di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tích cực tham gia. Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý di tích, tuyên truyền, phổ biến, giúp nhân dân và du khách hiểu biết được những giá trị chung của di tích. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương trong tỉnh đã huy động và thu hút sự tham gia của toàn dân đóng góp kinh phí và ngày công trong việc trùng tu, bảo tồn di tích. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và nguồn kinh phí của tỉnh, thời gian qua, nhiều di tích trong tỉnh đã được trùng tu, tôn tạo khang trang đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Tiêu biểu như: Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần (TP Nam Định), quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy (Vụ Bản); các di tích Lịch sử - Văn hoá chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), chùa Đại Bi (Nam Trực), chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), chùa Lương (Hải Hậu)... Trong đó chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) được đầu tư, tôn tạo với tổng kinh phí trên 16 tỷ đồng; chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu) được nhiều cá nhân ủng hộ 30-40 triệu đồng và được xã đầu tư trên 650 triệu đồng xây lại nhà tổ và hành lang đông, tây.

Cột cờ Nam Định.
Cột cờ Nam Định.

Tuy nhiên công tác xã hội hoá và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở một số địa phương chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng địa phương. Công tác quản lý di tích bộc lộ nhiều bất cập, việc tuyên truyền giáo dục còn hạn chế. Nguyên nhân do nhận thức của cấp ủy Đảng và chính quyền, đơn vị quản lý công trình di tích một số nơi chưa thấy hết ý nghĩa, giá trị nhiều mặt của di tích, thái độ, hành vi ứng xử với di tích chưa phù hợp. Việc kiểm tra, đôn đốc của ngành chức năng chưa kịp thời, sự phối hợp giữa ngành VH, TT và DL với các cấp chính quyền chưa chặt chẽ; bộ máy quản lý di tích còn chồng chéo về mặt chức năng, phân cấp quản lý chưa rõ ràng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giá trị di tích và quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ di tích đến người dân còn hạn chế dẫn đến nhiều hộ dân đang sinh sống tại khu vực di tích tự ý tu sửa, lấn chiếm các hạng mục di tích để xây mới thành các công trình sinh hoạt gia đình, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Đối với gần 3.700 di tích chưa được xếp hạng ở tỉnh ta, tình trạng các địa phương tự ý sửa chữa mà không xin ý kiến và có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn diễn ra khá phổ biến. Do đó, ở một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo lại đã làm di tích bị “biến dạng”, không còn yếu tố kiến trúc gốc. Khi huy động nguồn lực nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công tôn tạo di tích, không ít địa phương “chiều” theo tâm lý người dân muốn làm công trình to đẹp nên đưa nhiều yếu tố mới vào di tích; tình trạng giao khoán cải tạo, thậm chí phó mặc cho những người quản lý, đầu tư tự “sáng tạo” trong trùng tu, tôn tạo, xây mới bằng các biện pháp xây bậc xi măng thay cho vẻ đẹp của đất và đá tự nhiên; thay gạch, bê tông cho các cấu kiện gỗ; dùng sơn công nghiệp thay cho sơn ta trong trang trí kiến trúc... làm mất “phần hồn” của các di tích, phá vỡ kiến trúc nguyên mẫu di tích. Thậm chí, xây mới các hạng mục trong khuôn viên di tích không có trong kiến trúc nguyên gốc. Không ít di tích khi phục chế, tu bổ mới dừng lại ở mặt kiến trúc mà không chú ý đến bảo vệ hệ thống văn tự Hán - Nôm, từ đó, dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị hư hỏng, thất lạc và tình trạng mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác mảng văn hoá Hán - Nôm để bảo tồn còn thiếu. Các nghệ nhân am hiểu, thông tỏ văn tự Hán - Nôm ở các địa phương trong tỉnh ngày một vơi dần.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn di tích cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của toàn tỉnh. Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hoá truyền thống và phát triển du lịch văn hoá là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của các cơ quan chức năng./.

Bài và ảnh: VIệt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com