Đình - Miễu Cao Đài

02:10, 01/10/2013

Đình Cao Đài thuộc thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc) cách Thành phố Nam Định 10km về phía tây bắc. Đình được xây dựng trên khu vực thái ấp xưa của Thượng tướng Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải, thờ ông và phu nhân là Phụng Dương Công chúa.

Thượng tướng Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải là người làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), là con thứ ba của vua Trần Thái Tông, mẹ là Thuận Thiên Công chúa. Ông là người học rộng tài cao, văn võ song toàn. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), ông là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, có mặt ở những nơi quan trọng và tham gia các chiến dịch phản công lớn. Tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, Thăng Long... cùng vương triều Trần làm nên một giai đoạn lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Không chỉ là nhà quân sự, nhà ngoại giao lỗi lạc, ông còn là nhà thơ lớn, một nhân cách thơ tỏa sáng với những áng thơ bất hủ:

“Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái Bình nên gắng sức
 Non nước ấy nghìn thu”

Phụng Dương công chúa là con gái thái sư Trần Thủ Độ. Khi còn nhỏ là người hiền hậu, thông minh, giỏi giang trong công việc nội trợ. Vua Trần Thái Tông rất yêu mến, nhận làm con nuôi. Công chúa Phụng Dương là một phụ nữ có đức độ, đảm đang. Đất nước bị ngoại xâm, bà được nhà Trần và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải giao cho trọng trách xây dựng thái ấp ở Độc Lập, phủ Thiên Trường (nay thuộc xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc) thành một cứ điểm nằm trong hệ thống căn cứ địa ở đây. Căn cứ này có thể phục vụ đủ lương thực cho một cánh quân gồm hàng vạn binh sĩ về đồn trú.

Thái ấp của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải có bến thuyền lớn, trên bến có đình Trạm cho quan lại nghỉ chân. Dưới có hồ to và sâu có thể đậu hàng trăm thuyền lớn, được gọi là hồ Bến Đình. Trên bộ thái ấp nằm  gần đường Thiên Lý. Ngã ba đường Thiên lý vào thái ấp từ thời Trần đã có huyện lỵ Thanh Trà. Khu phủ đệ trong thái ấp rộng khoảng 5 mẫu, bốn mặt đắp tường đất chữ nhật 100x300 m theo hướng bắc nam, mặt ngoài có hào sâu, bên trong có nhiều công trình kiến trúc tráng lệ. Ngoài khu phủ đệ còn có nhà ở cho binh lính, nô tì và các xưởng thủ công như rèn, mộc, lò gốm sứ...

Nhà bia-  nơi lưu giữ tấm bia đá thời Trần
Nhà bia- nơi lưu giữ tấm bia đá thời Trần

Sau khi Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương mất, nhân dân đã xây dựng Đình Cao Đài để tưởng nhớ công lao của ông và phu nhân của ông trên phần đất trước là thái ấp.

Kiến trúc đình Cao Đài được làm theo kiểu chữ nhất hậu chữ đinh trên một khu đất rộng, thoáng mát. Phía trước tòa tiền đường là hệ thống cột đồng trụ mang dáng vẻ uy nghi có gắn nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, bộ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy. Trên các con rường chạm lá lật, bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Kiến trúc và chạm khắc của tòa tiền đường mang phong cách thời Nguyễn vì đã được trùng tu năm Mậu Thân đời vua Duy Tân năm thứ 2 (1908).

Nối liền tiền đường là trung đường và hậu cung xây kiểu chữ đinh, mái cong lợp ngói mũi hài. Khác với tiền đường, trung đường và hậu cung có kiến trúc và chạm khắc mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Hai cột và bộ cánh cửa của tòa trung đường có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo với chủ đề: rồng, hoa lá, chim, tiên nữ được chạm kênh bong khá sắc sảo. Xà trên cửa võng hậu cung chạm một dòng chữ Hán trong khung hình hoa sen "Đại vương thượng đẳng thần từ".

Khu lăng mộ Phụng Dương Công chúa
Khu lăng mộ Phụng Dương Công chúa

Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, trong đó phải kể đến tấm bia đá cao 1,20m; rộng 0,7m; dầy 16cm được soạn khắc năm 1293. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương, thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285).

Cách đình Cao Đài 200m về phía trước là khu mộ Phụng Dương công chúa đặt trên một gò cao, cây cối um tùm và người địa phương quen gọi là Phủ Rừng. Cứ 3 năm một lần, dân làng lại mở hội lớn vào các ngày kỵ của công chúa (22 tháng 3 âm lịch). Lễ hội đình Cao Đài, ngoài các nghi thức tế lễ còn có các trò độc đáo như: tích "Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô", tích "Quan huyện, quan trấn đốc thúc dân đi mở đường", tục thổi cơm thi... Các tích trò đó đã phần nào tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt của thái ấp xưa một thời phồn thịnh.

Theo: Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com