Giữ gìn nét đẹp nhà lợp mái bổi

08:10, 04/10/2013

Trong xu thế “mái bằng hoá” nhà ở diễn ra mạnh mẽ tại nhiều vùng nông thôn thì một số địa phương ven biển trong tỉnh vẫn lưu giữ những ngôi nhà mái bổi đặc trưng của cư dân sống ở nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Những ngôi nhà mái bổi không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngôi nhà lợp mái bổi của bà Nguyễn Thị Na, xóm 9, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).
Ngôi nhà lợp mái bổi của bà Nguyễn Thị Na, xóm 9, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng).

Qua tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi được biết, bổi là cây cói sống ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển. Ở tỉnh ta, trước đây có 2 nông trường trồng cói nổi tiếng là Nông trường Bạch Long (Giao Thủy) và Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Những cây cói khi thu hoạch được chia làm 2 loại; loại có thân nhỏ, dài đều từ 1,5-1,6m được dùng để dệt chiếu, còn những cây cói thân to, ngắn được cắt, phơi khô dùng để lợp nhà. Do thân xốp, chứa không khí bên trong nên cói có khả năng cách nhiệt tốt, hơn nữa bề mặt cây bóng, trơn nên mưa không bị ngấm. Vì vậy, nhà lợp bằng bổi có ưu điểm mát về mùa hè, ấm về mùa đông nên được người dân ven biển ưa chuộng. Về huyện Nghĩa Hưng, suốt dọc tỉnh lộ 490C qua các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh các nhà mái bổi xen kẽ các ngôi nhà mái bằng, nhà cao tầng. Xã Nghĩa Thắng còn trên 100 nhà mái bổi. Gia đình ông Phan Đình Phụng có ngôi nhà mái bổi làm từ năm 1983. Nhà rộng trên 70m2 với 3 gian giữa và 2 trái, tường xây. Ông Phụng cho biết: “Mái nhà được lợp bổi khá dày, trong đó phần nóc dày tới 1m, 2 bên mái dày trên 50cm, khối lượng bổi nặng tới 15-20 tấn. Hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, dây buộc đều bằng mây. Vì vậy, trải qua 30 năm mưa gió, lại nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, gió nhưng nhà ông vẫn vững chắc. Ngoài nhà ông Phụng, xóm 9 còn gần chục nhà lợp mái bổi như nhà ông Thiện, ông Căn, ông Vinh, bà Ban, bà Lý, bà Thuận… đều có “tuổi” 30-50 năm và hiện vẫn được các gia đình bảo quản, sử dụng. Ở đây nhà lợp mái bổi được chia làm 2 kiểu kiến trúc, loại có hiên đổ bê tông và loại mái hiên bằng bổi, trong đó nhà có mái hiên bằng bổi thường tuổi thọ lâu hơn. Nhà bà Nguyễn Thị Na, 69 tuổi, ở xóm 9 có mái hiên bằng bổi lợp thẳng. Căn nhà được xây dựng từ năm 1969, đến nay đã 44 năm nhưng chỉ hư hại nhẹ do bão, có thể sửa chữa, khắc phục bằng lưới dù để bọc. Nhiều gia đình còn giữ nhà lợp bổi cho biết, nhà lợp bổi càng nặng thì càng chắc chắn, không sợ mưa, gió. Ngoài ra, nếu bảo quản tốt như thường xuyên cạo sạch lớp mùn, đất, cát trên mái, phòng, chống chuột cắn thì nhà mái bổi bền hơn rất nhiều so với nhà mái ngói. Trung bình mỗi nhà mái bổi “tuổi thọ” 50-60 năm, trong khi mái ngói chỉ 20-25 năm là phải cải tạo, thay, đảo ngói, kèo, cột, đòn tay… Quá trình tồn tại gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhà mái bổi đã vượt lên công dụng che mưa, che nắng, trở thành nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển. Với những giá trị đó, thời gian gần đây nhiều gia đình đã tìm cách gây dựng lại nhà mái bổi. Quá trình gây dựng khá kỳ công bởi những người thợ lợp bổi lành nghề hiện chỉ còn rất ít ở một số địa phương. Hơn nữa, nguyên liệu bổi hiện nay khá đắt bởi phải mua gom từ nơi khác. Theo tính toán, để lợp đủ 5 gian nhà thì riêng mua nguyên liệu bổi lên tới gần 100 triệu đồng. Thời gian qua, ở một số địa phương như Thị trấn Rạng Đông, xã Nghĩa Hải, Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), Giao Long, Giao Thịnh (Giao Thủy)… đã xuất hiện thêm những ngôi nhà mái bổi khá đẹp. Tiêu biểu như nhà mái bổi tại Bảo tàng Đồng Quê ở xã Giao Thịnh (Giao Thủy). Bà Ngô Thị Khiếu, chủ nhân bảo tàng cho biết: “Trong quá trình xây dựng bảo tàng, chúng tôi đã chú trọng xây dựng nhà mái bổi nhằm lưu giữ, quảng bá giá trị văn hóa, kiến trúc đặc sắc của quê hương vùng biển. Nhà mái bổi trong khuôn viên bảo tàng được xây dựng 5 gian với tổng khối lượng trên 30 tấn bổi, hơn 10 ngày lợp mái với kỹ thuật khá công phu. Theo bà Khiếu, từ khi Bảo tàng Đồng quê đi vào hoạt động, đã có hàng vạn du khách khắp mọi miền đất nước đến tham quan, nhiều người đã rất thích thú tìm hiểu kiến trúc, các giá trị văn hóa, nghệ thuật của các ngôi nhà mái bổi. Ngoài ra, nhiều cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương đã làm phóng sự về nhà mái bổi để giới thiệu nét đặc trưng vùng ven biển Bắc Bộ với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở 18 xã, thị trấn ven biển của tỉnh hiện có 500-600 ngôi nhà lợp mái bổi. Các ngôi nhà này nằm gần các Khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm, Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Khu nghỉ dưỡng Giao Phong (Giao Thủy) và Khu du lịch Rạng Đông (Nghĩa Hưng), tạo ra các sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc sắc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, ngoài lượng du khách đến Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh, thời gian qua mới chỉ có Vườn Quốc gia Xuân Thủy tổ chức các đoàn du khách tham quan kết hợp với việc tìm hiểu các ngôi nhà mái bổi thuộc 5 xã vùng đệm. Hy vọng trong thời gian tới, ngành VH, TT và DL sẽ quan tâm đúng mức đến việc phát huy giá trị du lịch của các ngôi nhà mái bổi, tích cực phối hợp với các huyện ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lưu giữ bảo tồn các nhà lợp mái bổi, nghiên cứu đưa vào chương trình các tour du lịch, góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com