Thế là Anh Văn - Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo cách mạng thời Bác Hồ duy nhất còn lại đến ngày nay đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế!
Chúng tôi, những cán bộ vinh dự được trực tiếp giúp Đại tướng làm việc đến nay đã hơn 37 năm, trong giờ phút này biết bao kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng cứ hiện ra trong tâm trí, lòng càng xúc động và thương tiếc Anh vô hạn.
Lần đầu tiên gặp Anh và được gọi Đại tướng là Anh Văn đã để lại ấn tượng về một tình cảm rất gần gũi, thân thiết. Những năm tháng làm việc bên cạnh Đại tướng, chúng tôi luôn coi Anh như một người Anh, người Cha, người Thầy rất mực hiền từ và uyên bác. Anh là một tấm gương mẫu mực, một nhân cách lớn bởi tầm cao trí tuệ, đạo đức nhân văn, tấm lòng yêu nước thương dân, luôn "dĩ công vi thượng", hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, sống nhân hậu, dân chủ, bình đẳng, yêu thương cán bộ, chiến sĩ, gần gũi tôn trọng nhân dân.
Anh Văn là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, một nhà quân sự lỗi lạc, một vị Tổng Tư lệnh "văn, võ song toàn", "đức, tài trọn vẹn", một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo, một nhà lý luận quân sự hàng đầu, một nhà tổ chức kiệt xuất, một vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới. Anh còn là nhà báo, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà sử học, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Anh thuộc lớp người đã cùng Bác Hồ sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Anh Văn là một vị tướng "nhân, trí, dũng, liêm, trung", người học trò xuất sắc, trung thành, gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con Anh hùng của dân tộc, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh có hạnh phúc lớn là được sự ủng hộ, tin yêu và kính trọng hầu như tuyệt đối của toàn quân, toàn dân và sự mến phục của đông đảo bạn bè quốc tế. Đó là phần thưởng cao quý nhất đối với Anh, là nguồn động viên to lớn nhất giúp Anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi bà con các dân tộc tỉnh Cao Bằng, năm 1994. Ảnh: Trần Hồng |
Hơn 35 năm giúp việc Đại tướng, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều tư liệu, làm việc với nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị, dự nhiều cuộc hội thảo, tổng kết và có lúc được nghe Đại tướng trả lời phỏng vấn, được gặp nhiều nhân chứng lịch sử, đặc biệt là khi chuẩn bị bài viết này, chúng tôi đã trao đổi ý kiến với những đồng chí trước đây đã trực tiếp giúp Anh Văn làm việc. Nhờ vậy, chúng tôi càng có thêm hiểu biết về con người và sự nghiệp cách mạng của Anh.
Suốt cuộc kháng chiến lâu dài 30 năm giải phóng dân tộc, Anh liên tục phụ trách công tác quân sự, là Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các chiến dịch lớn Anh đều ra mặt trận, là Tổng Tư lệnh kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy các chiến dịch: Biên giới, Trung du, Đường số 18, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, cho đến Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vĩ đại, đưa đến việc ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, giải phóng Thủ đô, giải phóng nửa nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. Trong thời kỳ này, Anh đã kiến nghị với Đảng, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh những quyết sách đúng đắn và sáng tạo như: tổ chức lại bộ đội theo hình thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; thành lập Đại đoàn chủ lực đầu tiên; đánh Đông Khê mà không đánh Cao Bằng trong Chiến dịch Biên giới; mở chiến dịch đánh quân chủ lực cơ động của địch hành quân ra Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực ta luồn vào đánh sau lưng địch để phát triển chiến tranh du kích kiềm chế, tiêu hao tiêu diệt địch; mở Chiến dịch Tây Bắc, nơi địch sơ hở và địa hình có lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sau là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, từ rất sớm. Trong quá trình đánh Mỹ, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh đã cùng với các đồng chí trong Quân ủy Trung ương chỉ đạo xây dựng những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến để kiến nghị với Trung ương và Bộ Chính trị, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các kế hoạch ấy, đánh bại các cuộc tấn công của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.
Anh Văn là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; kịp thời xây dựng các Quân đoàn chủ lực để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng với sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất kiến nghị với Bộ Chính trị và cùng với cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy toàn quân thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Anh đã có những ý kiến chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt như: chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Mê Thuột - Tây Nguyên, phán đoán đúng địch sẽ rút Kon Tum để kịp thời có phương án chặn đánh và tiêu diệt địch. Khi xuất hiện tình huống địch hoang mang rút chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên, Đại tướng Tổng Tư lệnh đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng Quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh "thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa... (ngày 7-4-1975)" cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân phía Đông tiếp tục phát triển tiến công, không chờ đợi để nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cùng với bốn cánh quân khác mãnh liệt đánh vào sào huyệt địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự chỉ đạo ấy đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Anh Văn là một nhà lãnh đạo rất coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhất là về lĩnh vực quân sự. Anh đã biên soạn xuất bản hơn 40 tác phẩm. Trước Cách mạng Tháng Tám, Anh đã tham gia viết "Vấn đề dân cày", "Con đường giải phóng". Trong cuộc kháng chiến 30 năm, Anh đã biên soạn xuất bản nhiều tác phẩm về lý luận, tiêu biểu như: "Quân đội nhân dân và chiến tranh nhân dân", "Chiến tranh du kích", "Điện Biên Phủ", "Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước", "Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng", "Nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam"... và viết nhiều bài luận văn quân sự mà Nhà xuất bản Quân đội đã in thành "Tổng tập luận văn"... Anh còn biên soạn xuất bản nhiều tập hồi ký như "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên", "Đường tới Điện Biên", "Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử", "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng". Trong những năm đổi mới, Anh chủ biên cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" và xuất bản cuốn "Những bài nói và viết chọn lọc thời kỳ đổi mới"...
Những tác phẩm của Anh Văn đã góp phần quan trọng phổ biến quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lịch sử, truyền thống và kinh nghiệm cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Đồng thời, qua những tác phẩm ấy, chúng ta cũng nhận biết những phát triển mới, những nội dung cơ bản của tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp.
Nhìn lại lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng cho đất nước ta một Quân đội Nhân dân. Từ đội quân chủ lực đầu tiên 34 chiến sĩ, trang bị thô sơ, hoạt động du kích, đã trưởng thành nhanh chóng đủ cả hải, lục, không quân với ba thứ quân, trở thành một đội quân hùng mạnh, thiện chiến, chính quy tinh nhuệ ngày càng hiện đại và là vị Tổng Tư lệnh đã trực tiếp chỉ huy quân đội ấy cùng với toàn dân đánh bại những kẻ thù xâm lược hung bạo trong cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, từ năm 1976 Anh Văn được Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ phân công vừa phụ trách quốc phòng đến năm 1978, vừa chỉ đạo công tác khoa học - kỹ thuật, về sau cả khoa học xã hội và sau đó cả công tác giáo dục - đào tạo, cho đến năm 1991. Đây là hai lĩnh vực mới và khó. Với kiến thức uyên bác, luôn có tầm nhìn chiến lược, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trong quân đội, Anh đã có cách làm việc, vừa nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của thế giới vừa tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học trong nước để làm giàu cho trí tuệ của mình. Vì vậy, Anh đã sớm nắm bắt được vấn đề và có những ý kiến chỉ đạo đúng đắn, sát thực tiễn.
Những cống hiến của Anh về lãnh đạo khoa học và giáo dục đã góp phần đề ra những quan điểm cơ bản tạo nên những tiến bộ nhất định đối với sự phát triển đi lên của nền khoa học và nền giáo dục nước nhà phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng.
Là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt gần 30 năm và quá trình tham gia lãnh đạo cách mạng, Anh Văn sớm thấy được giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thắng lợi cách mạng Việt Nam. Khi tình hình đất nước diễn ra khủng hoảng kinh tế, Anh thấy có hiện tượng xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh nên đã sớm đề xuất cần có đề tài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và Anh trực tiếp triển khai nghiên cứu. Năm 1990, tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Ấn Độ, thay mặt Đảng và Nhà nước ta, Anh Văn đã tham dự và trình bày một bài tham luận "Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi", được mọi người hoan nghênh.
Năm 1991, Anh đề nghị Bộ Chính trị và Ban trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng cần xác định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và đã được Đại hội nhất trí tán thành. Sau Đại hội, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới, trở thành một chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Anh được mời làm cố vấn chương trình và trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam". Suốt năm năm nghiên cứu, Anh đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, đi nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Lần đầu tiên, Anh nêu lên một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, tức là đi từ tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, nhờ đó đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn bản chất, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự vận dụng và bước phát triển mới của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kết quả nghiên cứu của chương trình, đề tài đã góp phần quan trọng quán triệt tư tưởng của Người vào đường lối của Đảng và mở ra một thời kỳ mới học tập, nghiên cứu quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân ta.
Từ khi Anh rời cương vị lãnh đạo, quản lý cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, tuổi tác ngày càng cao, nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn, vẫn theo dõi cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà Anh cho là quan trọng.
Một thời gian, hằng năm, tại ngôi nhà riêng số 30 đường Hoàng Diệu, nơi Anh sống và làm việc trong hơn nửa thế kỷ, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và quân đội, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngày sinh nhật Anh luôn có nhiều đoàn trong nước và quốc tế đến thăm. Tính từ năm Anh 80 tuổi (1991) đến 2008, hằng năm có từ 150 đến 200 đoàn với từ 2.000 đến 2.500 người đến thăm, trong đó có từ 20 đến 30 đoàn quốc tế và nhiều nguyên thủ quốc gia. Hiếm có trường hợp, một đồng chí lãnh đạo đã về nghỉ mà đồng bào, đồng chí lại đến thăm hỏi chúc mừng đông hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm sâu sắc như vậy. Phòng tiếp khách của Anh Văn khá rộng, nhưng vẫn không đủ chỗ để trưng bày hàng trăm bức trướng, câu đối, bài thơ, những tranh tượng và nhiều tặng vật quý của các đoàn đến thăm, chúc mừng đã trao tặng Anh.
Trên thế giới, danh tướng Võ Nguyên Giáp đã được ghi trong từ điển bách khoa nhiều nước, có hàng chục tác phẩm viết về Đại tướng.
Đảng ta, nhân dân ta, quân đội ta tự hào và mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công lao sự nghiệp, tư tưởng quân sự, tài thao lược và đạo đức nhân văn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mãi mãi trường tồn với lịch sử, với văn hóa của dân tộc Việt Nam, lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Anh Văn, một trong những vị lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, của dân tộc - Người Anh Cả của quân đội ta sống mãi với non sông, đất nước ta, sống mãi trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế./.
Theo qdnd.vn