Trong bối cảnh của sự bùng nổ thông tin trên thế giới, của xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá kinh tế, ngành bưu chính viễn thông Việt Nam đã có quyết định đúng đắn chuyển thẳng từ công nghệ Analoge lạc hậu sang công nghệ số hoá tiên tiến trên thế giới. Đây là bước ngoặt mang tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển với tốc độ cao của ngành bưu chính - viễn thông Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng.
Năm 1991, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam đã đầu tư cho Bưu điện tỉnh Nam Định tổng đài điện tử số TDX - 1B với dung lượng ban đầu 3.584 số của Hàn Quốc. Đường dẫn liên tỉnh và quốc tế bằng thiết bị vi ba số AWA - 1504 với 1 luồng 30 kênh đi 30 kênh về để thay thế cho mạng Analoge và thiết bị truyền dẫn VBO - 12 - 3 đã cũ kỹ và lạc hậu. Năm 1993, Tổng cục tiếp tục đầu tư cho Bưu điện tỉnh 6 tổng đài vệ tinh RSS cho 6 huyện (Xuân Thuỷ, Hải Hậu, Nam Ninh, Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng) với dung lượng từ 256 đến 512 số, kỹ thuật chuyển mạch và truyền dẫn số tiên tiến. Năm 1998 Nam Định có thêm hệ thống điện thoại di động Vinaphone. Năm 1999 Tổng cục đầu tư cho Bưu điện tỉnh Nam Định tổng đài HOST 2 A1000 E10 của hãng Atlacel (Pháp) và các tổng đài vệ tinh.
Nhân viên VNPT Nam Định bảo dưỡng định kỳ thiết bị, nhằm cung cấp đến khách hàng dịch vụ viễn thông đạt chất lượng cao. |
Nhờ vậy, nếu như năm 1991 tổng dung lượng của các tổng đài mới chỉ đạt 3.584 số với số máy có trên mạng là 886 máy thì đến cuối năm 2000 tổng dung lượng các tổng đài đã lên đến 39.846 số gấp 11 lần so với năm 1991, với số máy có trên mạng là 29.250 máy gấp 33 lần so với năm 1991. Cuối năm 1996, 100% các xã có máy điện thoại. Năm 2000, mật độ máy điện thoại đạt xấp xỉ 1,5 máy/100 dân.
Với hệ thống viễn thông hiện đại, Bưu điện Nam Định đã làm tốt các dịch vụ viễn thông. Điện thoại công cộng được trang bị ở tất cả các bưu cục, đại lý. Năm 2000, Bưu điện Nam Định đã trang bị thêm các điểm điện thoại dùng thẻ (Card phone) tại thành phố Nam Định và trung tâm các huyện. Các trung tâm đều được trang bị máy Fax. Tổng đài sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ mà các nhà thuê bao yêu cầu. Chất lượng dịch vụ 108 ngày càng được nâng cao. Mạng điện thoại di động Vinaphone, nhắn tin cũng ngày càng phát triển và mở rộng thêm vùng phủ sóng. Ngoài ra, các dịch vụ như Internet, Email... đã bước đầu phát triển, nhất là ở vùng trung tâm của tỉnh.
Sự phát triển của mạng lưới bưu chính viễn thông đã đem lại doanh thu cho ngành bưu điện 53.860 triệu đồng vào năm 2000, tăng gấp 31,5 lần so với năm 1991, góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong 10 năm (2001 - 2010), ngành bưu điện Nam Định đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển mạng bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ, rộng khắp toàn tỉnh, chú trọng đầu tư cho những huyện mới được tái lập, phát triển tới vùng sâu, vùng xa, mở rộng, nâng cao chất lượng mạng lưới, nhằm thoả mãn các nhu cầu thông tin bưu điện cho mọi đối tượng khách hàng theo hướng ổn định các dịch vụ truyền thống, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đại.
Theo: Địa chí Nam Định