Ngân hàng Nam Định

07:09, 12/09/2013

Tháng 7/1951, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Ninh, tiền thân của ngân hàng Nam Định được thành lập tại làng Bái thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình. Đầu năm 1952, ngân hàng xuất nhập khẩu Nam Ninh chuyển trụ sở về xã Hải Đông, huyện Hải Hậu và đổi tên thành ngân hàng Nam Định.

Tuy mới thành lập, phạm vi, lĩnh vực hoạt động còn hẹp nhưng ngân hàng Nam Định đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Định.

Sau năm 1954, Ngân hàng Nam Định chuyển về Nhà băng Đông Dương cũ nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định. Hoạt động của ngân hàng tập trung phục vụ công cuộc khôi phục, cải tạo kinh tế và sự nghiệp xây dựng CNXH của tỉnh. Ngân hàng đã cho nông dân vay vốn khai hoang, phục hoá, phục hồi lại sản xuất sau chiến tranh; huy động tiết kiệm để cho vay phát triển nông nghiệp, công nghiệp và các ngành nghề khác. Năm 1960, 1961, 1962, tỉnh Nam Định là địa phương có phong trào gửi tiền tiết kiệm vào loại khá của miền Bắc. Năm 1962, Bác Hồ về thăm Bàn tiết kiệm tại Nhà máy dệt Nam Định. Năm 1972, hệ thống Quỹ tiết kiệm XHCN được thành lập với mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh, góp phần huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân, phục vụ sự nghiệp  xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh.

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định.
Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nam Định.

Đối với sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, một số cán bộ của ngành ngân hàng đã vượt Trường Sơn vào miền Nam vừa chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ ngân tín. Sau năm 1975, ngân hàng Nam Định tiếp tục cử người vào miền Nam tham gia công tác tiếp quản và xây dựng hệ thống ngân hàng mới, kịp thời phục vụ công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở các tỉnh miền Nam.

Mười năm đầu (1975-1985) sau khi đất nước thống nhất, hoạt động tín dụng vẫn theo cơ chế tập trung, bao cấp. Đối tượng phục vụ chủ yếu là hai thành phần kinh tế: quốc doanh và tập thể. Đối với kinh tế quốc doanh, vốn tín dụng trở thành một trong những nguồn chủ yếu bảo đảm cho việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với kinh tế tập thể, vốn tín dụng góp phần hỗ trợ để củng cố kinh tế tập thể. Hướng đầu tư của Ngân hàng Nam Định là tập trung nguồn vốn huy động được cho vay để phát triển các xí nghiệp quốc doanh địa phương, nhất là cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản.

Từ giữa thập niên 80, hoạt động ngân hàng, nhất là khâu huy động vốn gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát tăng, kinh tế kém phát triển, hiệu quả của hoạt động tín dụng đạt ở mức thấp.

Sau khi Đảng ta chủ trương chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường thì ngành ngân hàng có những đổi mới căn bản về tổ chức, về cơ chế hoạt động tín dụng.

Từ tháng 8 năm 1988, hệ thống chi nhánh các ngân hàng thương mại được thành lập bên cạnh chi nhánh ngân hàng Nhà nước với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, làm đầu mối triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành đến các tổ chức tín dụng và Công ty vàng bạc đá quí, tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng khác làm nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng: Ngân hàng phục vụ người nghèo làm nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với người nghèo vì mục tiêu xoá đói giảm nghèo, công ty vàng bạc đá quý làm nhiệm vụ kinh doanh, gia công, chế tác vàng bạc và dịch vụ cầm đồ.

Hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước ở Nam Định tính đến năm 2001 gồm có:

 -  Ngân hàng công thương có 1 Hội sở chi nhánh, Ngân hàng công thương thành phố Nam Định và 15 điểm giao dịch.

 -  Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm cả Ngân hàng người nghèo hiện có 10 chi nhánh huyện, thành phố (chi nhánh cấp 2) và 23 Ngân hàng liên xã (chi nhánh cấp 3).

 -  Ngân hàng đầu tư và phát triển gồm Hội sở chi nhánh và 1 phòng giao dịch.

 -  Công ty vàng bạc đá quí gồm Hội sở công ty và 4 cửa hàng.

Ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại, Nam Định còn có hệ thống quỹ tín dụng nhân dân gồm 26 cơ sở, hoạt động trên địa bàn nông thôn, chủ yếu tập trung ở các huyện kinh tế phát triển như Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ. Từ ngày 1/9/2001, Quỹ tín dụng nhân dân khu vực Nam Định đã bàn giao sát nhập trở thành chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương Nam Định hoạt động trên địa bàn tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam. 

Tổng số cán bộ công nhân viên chức của toàn ngành ngân hàng (trừ Quỹ tín dụng nhân dân), tính đến cuối năm 2001 là 798 người.

Với cơ cấu tổ chức mới, hệ thống ngân hàng thực sự đã chuyển sang hoạt động kinh doanh tiền tệ, khác hẳn với cơ chế hoạt động thời bao cấp. Để kinh doanh có hiệu quả, Ngân hàng Nam Định tham gia tích cực vào các dự án đầu tư phát triển công nghệ của toàn hệ thống ngân hàng. Hoạt động thanh toán của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn được gắn với các chương trình, đề án hiện đại hoá công nghệ ngân hàng. Các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn đã tích cực trang bị hệ thống máy tính và đào tạo cán bộ để đổi mới công nghệ ngân hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành kinh doanh như việc Ngân hàng công thương, Ngân hàng đầu tư và phát triển thực hiện thanh toán quốc tế qua mạng máy tính, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn có chương trình giao dịch trên máy tính đối với từng hộ nông dân ở các Ngân hàng liên xã. Hoạt động thanh toán được hiện đại hoá đã rút ngắn thời gian thanh toán từ 9, 10 ngày xuống còn 1 ngày và có khi vài giờ. Đến cuối năm 2000, toàn tỉnh có gần 200 máy vi tính để phục vụ cho công tác thanh toán trong và ngoài tỉnh, kể cả thanh toán với nước ngoài như Ngân hàng công thương. Trong thanh toán đã thực hiện thanh toán chuyển tiền điện tử, thanh toán bù trừ qua mạng, đã đem lại hiệu quả lớn không những cho bản thân ngành Ngân hàng mà còn có tác dụng đối với nền kinh tế.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com