Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần

05:09, 19/09/2013

Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).

Tức Mặc vốn là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của vương triều Trần. Chính vì thế bắt đầu từ năm 1239 nhà vua cho dựng cung điện ở đây để lấy chỗ đi lại và chơi thăm. Công việc này được giao cho quan Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu chỉ đạo thi công. Nhiều công trình kiến trúc đã được xây dựng ở đây. Những lâu đài, cung điện nguy nga, lộng lẫy lần lượt mọc lên. Tiêu biểu là điện Trùng Quang nơi Thượng hoàng về ngự, điện Trùng Hoa để các vua Trần về chầu.

Căn cứ theo sử sách còn ghi lại và các tư liệu khai quật khảo cổ thì Khu di tích Đền Trần được xây dựng trên nền cũ của cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa. Bao quanh hai cung điện chính còn có cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, cung Đệ Tứ là nơi hoàng tộc và quan lại ở. Các cung này nằm án ngữ các con sông Hoàng Giang, Nhị Hà và Vị Hoàng. Nó như vòng đai bảo vệ phía ngoài cho điện Trùng Quang và Trùng Hoa.

Trong khu di chỉ này đã tìm thấy nhiều di vật quan trọng. Ở đền Thiên Trường đã tìm thấy một đường ống thoát nước ngầm. Dưới lòng đất xung quanh đền Trần chỉ cần đào xuống 20-30cm ở bất kỳ chỗ nào ta cũng gặp nhiều gạch ngói cổ. Trong đợt đào thám sát năm 1976, ở độ sâu 30cm đã gặp một lớp nền móng trong đó có cả gạch bò kè. Những cánh đồng xung quanh đây với diện tích khoảng trên hai mươi mẫu Bắc Bộ còn mang nhiều tên lịch sử như Kho Nhi, Nội Cung, Cửa Triều... Tại khu vực chùa Đệ Tứ, năm 1976 đã khai quật được một sân gạch hoa thời Trần. Đây là những viên gạch vuông, nung già màu đỏ, trên mặt có trang trí hoa văn đẹp. Ở các địa điểm có liên quan đến di tích đã phát hiện nhiều gốm Trần men ngọc, men nâu, những đầu rồng, đầu phượng đất nung, gạch hoa, ngói mũi hài để trang trí trên các công trình xây dựng và nhiều đồ gia dụng như bát, đĩa, thạp... Có những đáy bát còn ghi rõ hàng chữ "Thiên Trường phủ chế" (làm tại phủ Thiên Trường). Tất cả những di vật đang giúp ta tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử huy hoàng đã qua.

Đến thăm khu di tích đền Trần hôm nay, ta có dịp thả hồn về với cội nguồn hơn bảy trăm năm trước.  Khu di tích này bao gồm có đền Thiên Trường (hay còn gọi là Đền Thượng) và đền Cố Trạch (còn gọi là Đền Hạ) được xây dựng sát cạnh nhau, vốn trước đây là khu trung tâm của Hành cung Thiên Trường. Về phía Tây đền Trần xưa còn có chùa Trùng Quang, nay không còn. Trên cơ sở nền tảng của cung điện Trùng Hoa xưa, năm 2000 tỉnh Nam Định đã tiến hành xây dựng đền Trùng Hoa tại vị trí ngôi chùa Trùng Quang trước đây.

Khu di tích đền Trần rộng khoảng 8ha, nằm ở một thế đất cao. Dòng Vĩnh Giang chảy vòng quanh di tích, tạo thành thế tay ngai ôm lấy khu vực này. Mảnh đất ở đây có dạng ngọa long (rồng nằm). Theo thuyết phong thủy xưa thì đó là kiểu đất đẹp, thế phát vương.

Vào thăm khu di tích, trước tiên phải qua hệ thống cửa ngũ môn; cổng chính giữa trên có hai chữ “Trần Miếu” (Miếu của nhà Trần). Qua cổng, men theo hồ nước là vào Đền Thiên Trường thờ mười bốn vị vua Trần. Trước đền có bốn cột đồng trụ uy nghi soi bóng trên mặt nước rồi đến một sân rộng hai bên là hai dãy giải vũ và một đôi voi chầu ngay lối vào.

Đền Thiên Trường đã được dân làng dựng lên thờ phụng vua cha, lúc đó gọi là nhà thờ đại tôn. Đến năm Chính Hòa thứ 15 (1695) nhà thờ mới được dựng bằng gỗ lim. Năm 1705 thì nơi này chính thức gọi là Trần Miếu và hàng năm triều Lê có ban quốc tế.

Năm Tự Đức thứ 5 (1852) đền Thiên Trường được sửa chữa lớn. Nhà đại bái chỉ còn giữ lại bộ cánh cửa rộng 2m x 1,5m chạm khắc từ thế kỷ XVII, còn tất cả đều được mở rộng nâng cao lên.

Hướng dẫn khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định).
Hướng dẫn khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử, văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (TP Nam Định).

Đền Thiên Trường thờ bài vị không có tượng. 175 năm trị vì đất nước với ba lần chiến thắng đế quốc Nguyên Mông, một đế chế mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ đã đưa vương triều Trần lên đỉnh cao vinh quang. Mười bốn đời vua đều được nhân dân trân trọng thờ phụng.

Trong lần tu sửa đền Thiên Trường vào năm 1852 đã đào được một tấm bia đá có dòng chữ "Hưng Đạo thân vương Cố Trạch" (nhà cũ của Hưng Đạo Vương) nên nhân dân dựng đền thờ ông. Về quy mô đền Cố Trạch có nhiều nét giống đền Thiên Trường. Bao gồm nhà đại bái, thiêu hương, cung đệ nhị và cung đệ nhất.

Thiêu hương cùng với tả hữu vu và cung đệ nhị thờ các bộ tướng văn quan, võ quan của Hưng Đạo Đại Vương. Cung đệ nhất giành riêng thờ vương phụ, vương mẫu cùng phu nhân và Thiên Thành công chúa.

Vào dịp đầu năm tại Khu di tích lịch sử Đền Trần, diễn ra lễ khai ấn đầu xuân. Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng). Tại Đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm. Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “Trần Triều Tự Điển” và “Tích phúc vô cương”.

Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu; một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang Đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.

Đền Trùng Hoa nằm ở phía Tây đền Thiên Trường trong khuôn viên khu di tích Đền Trần. Bình đồ kiến trúc của đền Trùng Hoa cũng giống như đền Thiên Trường và đền Cố Trạch, bao gồm: Tiền đường, thiêu hương, trung đường và chính tẩm. Kiến trúc đền Trùng Hoa mặc dù mới được phục dựng nhưng mang phong cách của thời Hậu Lê. Khác với đền Thiên Trường thờ bài vị, đền Trùng Hoa là nơi thờ tượng của mười bốn vị Hoàng đế nhà Trần được đúc bằng đồng./.

Theo: Di tích Lịch sử - Văn hóa tỉnh Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com