Năm 1954, sau khi thành phố Nam Định được giải phóng, ngành điện lực nhanh chóng tiếp quản lưới điện và nguồn điện của thành phố. Khi đó, lưới điện thành phố rất nhỏ bé, mới chỉ có một nhà máy phát điện lò ghi xích, công suất 6000KW, 1 trạm Diesel có công suất 200 KW.
Cả thành phố mới có một số trạm phân phối điện như trạm Vườn Hoa 200 KVA, trạm Chợ Rồng 200 KVA, trạm Nhà Thờ 180 KVA, trạm Ga Nam Định 60 KVA và trạm Bến Củi 60 KVA...
Hệ thống đường dây cao thế chỉ duy nhất có một tuyến đường dây 35 KV (373) đi từ Hà Nội qua Hà Nam rồi đến Nam Định để cấp điện cho thành phố. Vì vậy, chỉ có một số phố chính như Trần Hưng Đạo, phố Khách (hay phố Hoàng Văn Thụ), phố Hàng Sắt, phố Máy Tơ, Ngã 6 Năng Tĩnh... mới được cấp điện sinh hoạt thành phố và cũng rất hạn chế, thường chỉ cấp được từ 18h đến 22h hàng ngày. Sản lượng điện thương phẩm ước tính 5 triệu KWh/năm.
Đến 4/1965, Sở Quản lý phân phối điện khu vực I Hà Nội cùng với đội công trình 3 tại Nam Định đã xây dựng thêm một số tuyến đường dây 35 KV cho khu vực Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình và 8 trạm biến áp trung gian 35/10 (6) KV, mỗi trạm có 1 máy 1000 KVA.
Trạm điện 110KV Mỹ Lộc cấp điện cho huyện Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định. |
Nhưng cũng từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc. Công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc phải chuyển từ thời bình sang thời chiến. Các cơ sở kinh tế, quốc phòng, trục đường giao thông huyết mạch và các cơ sở của ngành điện lực thường là mục tiêu đánh phá trọng điểm của không lực Hoa Kỳ.
Thành phố Nam Định, thị xã Thái Bình, thị xã Phủ Lý, thị xã Ninh Bình...và các trạm biến áp Trình Xuyên, Nam Định, trạm diesel Cầu Dành...thương xuyên bị đánh phá nhưng cán bộ công nhân viên vẫn bám trụ làm việc với tinh thần kiên cường vì dòng điện.
Trong thời gian này, Sở Quản lý phân phối điện khu vực 3 đã xây dựng thêm 9 trạm phát điện diesel dã chiến phân tán tại các vùng núi, vùng nông thôn với tổng công suất 7.808 KW để cấp điện hỗ trợ cho lưới điện và cấp điện cho địa phương phục vụ có hiệu quả ngay cả khi lưới điện quốc gia bị đánh phá.
Đầu năm 1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Cùng các ngành kinh tế, Sở Quản lý phân phối điện khu vực 3 cùng với toàn ngành điện lực đã khẩn trương khôi phục lại các trạm biến thế, các nhà máy phát điện diesel và các tuyến đường dây để cung cấp điện cho các ngành kinh tế khôi phục và phát triển.
Ngành điện lực đã tổ chức thi công lắp đặt trạm 110 KV Thạch Tổ công suất 15.000KVA, phục hồi đợt 1 trạm 110 KV Trình Xuyên 20.000 KVA trong năm 1973 và mở rộng đợt 2 trạm Trình Xuyên thêm một máy 15.000 KVA trong năm 1976. Ngoài ra, còn phối hợp xây dựng mới hàng trăm trạm biến thế, hàng ngàn km đường dây các cấp điện áp 35KV, 10KV, 6KV và đường dây hạ thế trên địa bàn 2 tỉnh Hà Nam Ninh và Thái Bình để cung cấp điện cho sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, cung cấp điện phục vụ ánh sáng thành phố, thị xã và cung cấp cho các trạm bơm lớn lần lượt được xây dựng như trạm bơm Cốc Thành, Vĩnh Trị, Cổ Đam, Hữu Bị, Như Trác và các trạm bơm nhỏ để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.
Sau khi đất nước thống nhất, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và đặc biệt là phục vụ nhu cầu khôi phục và phát triển kinh tế ngày càng tăng lên nhưng khả năng nguồn điện lại hạn chế, công suất các trạm và đường dây không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc cắt điện luân phiên, công việc chống thất thoát, lãng phí điện hết sức căng thẳng. Ngành điện lực phải tập trung vào việc khôi phục, hoàn chỉnh, nâng công suất các trạm biến áp 110 KV cũ (trạm trung gian Phi Trường được xây dựng, nâng cấp lên thành trạm 110 KV thành phố Nam Định) đồng thời, xây dựng thêm các trạm trung gian, trạm phân phối và các tuyến đường dây 35 KV, 6KV, 0,4 KV.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu về nguồn điện năng phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng lớn. Ngành điện lực đứng trước những thách thức mới, không chỉ do nhu cầu điện tăng lên mà còn do cơ chế thay đổi. Trước đây, việc sản xuất điện năng theo cơ chế bao cấp, cung cấp điện theo cơ chế phân phối “xin và cho”, nay phải chuyển sang cơ chế thị trường, tự hạch toán lỗ lãi. Toàn bộ hoạt động của ngành tập trung vào tổ chức sản xuất kinh doanh, chống thất thoát điện năng để vừa kinh doanh có hiệu quả vừa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Theo: Địa chí Nam Định