Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn gắn liền với 3 lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII. Với tri thức quân sự uyên bác và tư tưởng đoàn kết giai cấp, dân tộc tiến bộ, Trần Hưng Đạo đã đưa khoa học và nghệ thuật quân sự nước Đại Việt thời Trần đạt tới đỉnh cao về "võ công, văn trị", lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giữ nước, dựng nước. Lễ hội Trần được tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và công lao của các vị Vua Trần trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII trên quê hương Nam Định, là lễ hội giàu ý nghĩa nhân văn, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và Chùa Phổ Minh được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Phát biểu tại lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần, Chùa Phổ Minh là tài sản vô giá không chỉ của Nam Định mà là của cả nước. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt với Đền Trần, Chùa Phổ Minh là sự ghi nhận xứng đáng cho một công trình chứa đựng những giá trị mang đậm dấu ấn của triều đại hưng thịnh bậc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Quần thể di tích lịch sử - văn hoá Trần cùng với lễ hội “Tháng Tám hội Cha” là những trang sử nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng; là nơi hội tụ những nét đẹp tinh hoa văn hoá dân tộc có ý nghĩa nền tảng để sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong sự nghiệp CNH-HĐH phát triển đất nước.
Khu di tích lịch sử , văn hóa Đền Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định) sẵn sàng cho Lễ hội Trần 2013. |
Về Thành Nam dự lễ hội “Tháng Tám hội Cha”, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu phúc, cầu may, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của Quần thể Khu di tích lịch sử, văn hoá Trần. Đó là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học và những cuộc nghiên cứu, là những luận chứng khoa học xác tín tái hiện về một thời đại huy hoàng đầy oanh liệt về “Võ công, văn trị” của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc. Lễ hội Trần năm 2013 là năm thứ hai thực hiện theo Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Trần. Đồng chí Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Lễ hội Trần năm 2013 cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ VH, TT và DL và UBND tỉnh, lễ Khai ấn đầu xuân và lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo trong 2 năm qua đã đảm bảo tốt các điều kiện, đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, phần lễ được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, theo Quy chế tổ chức lễ hội bảo đảm đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, khẳng định giá trị lịch sử, nhân văn của nhà Trần và công lao của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đối với lịch sử dân tộc. Phần hội tổ chức phong phú với các trò chơi dân gian (chọi gà, múa rồng, múa lân, cờ tướng) góp phần quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương Nam Định đối với du khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tổ chức lễ hội đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo ấn tượng tốt cho khách thập phương về dự lễ tục truyền thống.
Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai Đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội Trần, công tác quản lý và tổ chức lễ hội Trần vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần tập trung khắc phục. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa ngành và cấp trong công tác tổ chức lễ hội vẫn còn có sự chồng chéo, ảnh hưởng tới công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và lễ hội. Lễ hội còn nặng về phần hành lễ, chưa khai thác và phát huy giá trị văn hoá của các trò chơi dân gian độc đáo của địa phương. Các hình thức kinh doanh dịch vụ như hàng quán bày bán trước khuôn viên di tích gây mất trật tự, mỹ quan lễ hội, thậm chí một số người kinh doanh dịch vụ vẫn cố tình vi phạm quy định của Ban Tổ chức, tìm mọi cách đối phó với các lực lượng chức năng, khiến cho việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy chế lễ hội chưa đạt hiệu quả. Còn không ít quán ăn trong khu vực di tích Đền Trần - Chùa Tháp rất nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia lễ hội chưa tốt, không ít người đi lễ hội mà không hiểu biết về nơi mình đến, về lễ hội mình tham gia, về danh nhân, về nhân vật lịch sử được thờ tại di tích. Việc thắp hương, đốt vàng mã còn nhiều gây lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng đến môi trường. Người đi lễ chỉ chú trọng đến mâm lễ, thắp hương, khấn vái cầu lộc mang tư tưởng vị kỷ cá nhân, làm mất ý nghĩa tôn kính đối với các bậc tiền nhân có công trong đấu tranh chống xâm lược và xây dựng, bảo vệ quê hương.
Để chuẩn bị cho lễ hội Trần 2013, Ban Tổ chức đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tổ chức dịch vụ, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, các đoàn thể được giao trông giữ phương tiện phải thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tài sản, phí trông giữ thu đúng giá Nhà nước quy định. Lễ hội Trần 2013 là “điểm nhấn” trong Năm Du lịch quốc gia 2013 đồng bằng sông Hồng, chính vì vậy, để thực hiện tốt việc tổ chức và quản lý lễ hội, cần thực hiện nghiêm chương trình lễ hội, phát huy hiệu quả các giá trị truyền thống, kết hợp hài hòa giữa lễ và hội. Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và các giá trị lịch sử của lễ hội; tổ chức an toàn, trang trọng, hiệu quả, thiết thực; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo tồn di tích, di sản. Thực hiện tốt các Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tổ chức lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, tránh xa hoa, lãng phí. Tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức và quản lý lễ hội, có biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa lễ hội như xóc thẻ, bói toán, cờ bạc trá hình, cúng thuê, mê tín dị đoan, đốt vàng mã, đặt hòm công đức quá nhiều, đặt tiền, đặt lễ tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, tăng giá dịch vụ, chèo kéo ép khách. Cần có sự phân cấp trách nhiệm và chức năng rõ ràng, cụ thể giữa chính quyền địa phương và ngành VH, TT và DL theo quy định của Luật Di sản văn hoá./.
Bài và ảnh: Việt Thắng