Y tế Nam Định trong những năm kháng chiến chống Pháp

07:08, 27/08/2013

Sau chiến tranh thế giới lần 2, người dân Nam Định mới bắt đầu dùng thuốc tây song song với việc dùng thuốc bắc, và đến nhà hộ sinh với sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh hay bác sĩ đỡ đẻ.

Thời Pháp thuộc, một số loại thuốc (ký ninh, diệt muỗi...) chữa bệnh đậu mùa, dịch tả, sốt rét ngã nước bắt đầu được sử dụng phần nào giảm bớt dịch bệnh.

Trước năm 1939, thành phố Nam Định có 1 bệnh viện 100 giường gồm 3 khoa nội, ngoại, sản; 3 phòng phát thuốc và 1 phòng hộ sinh huyện. Nhân viên phục vụ có khoảng trên 40 người, trong đó có 1 bác sĩ người Pháp. Bên cạnh đó có 4 cơ sở y tế tư doanh của 3 y sĩ người Việt Nam và 1 bác sĩ người Pháp.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, do thiếu cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh nên sức khoẻ của nhân dân không được bảo đảm, bệnh tật hoành hành. Năm 1926 dịch tả phát triển làm nhiều người chết không kịp chôn. Năm 1937, dịch tả làm chết 2000 người. Năm 1944, bệnh chấy rận làm chết nhiều người. Năm nào cũng có hàng ngàn người mắc đậu mùa, hàng trăm người chết hoặc tàn phế...

Sau cách mạng tháng Tám thành công, cơ sở y tế ở huyện xã bắt đầu được xây dựng. Năm 1946, ở thành phố và các huyện xung quanh có 1 bệnh viện với khoảng 40 nhân viên phục vụ trong đó có 2 y sĩ Đông Dương, 2 trạm phát thuốc với 4 nhân viên phục vụ và 2 đội lưu động phun thuốc chống sốt rét và chữa mắt hột của viện trợ Mỹ.

Năm 1948, tỉnh Nam Định đã thành lập các ban y tế xã, 8 trạm cứu thương, 30 nhà hộ sinh (đỡ cho 2384 sản phụ). Các huyện đều có phòng phát thuốc, đã phát thuốc cho hàng vạn lượt người bệnh, hàng năm tiêm chủng đậu cho nhân dân. Bệnh viện dân y tỉnh đã phân chia làm 2 phân viện để phục vụ nhân dân. Phân viện ở phía bắc tỉnh gồm 1 bác sĩ, 6 y tá, 6 hộ lý; phân viện ở phía nam tỉnh gồm 1 y sĩ, 10 y tá, 10 hộ lý. Năm 1948, bệnh viên đã chữa cho 1740 người bệnh.

Ngành y tế đã mở nhiều lớp đào tạo cán bộ làm hộ sinh và vệ sinh phòng bệnh cho các cơ sở; tổ chức tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, phát triển hội viên Hội Hồng thập tự...

Năm 1952, một số địa phương trở thành vùng căn cứ du kích, 2 trạm cấp cứu được thành lập ở Hải Hậu và Trực Ninh. Năm 1953, một bệnh viện nhỏ gồm 19 cán bộ phục vụ đã về Bùi Chu chỉ đạo công tác y tế ở nông thôn toàn tỉnh khi mới giải phóng.

Ba đội vệ sinh phòng dịch chỉ đạo phòng trào ba sạch bốn diệt, hướng dẫn nhân dân bỏ những thói quen cũ trong ăn ở, vận động xây dựng hố xí, đào giếng khơi và ăn chín uống sôi...

Bệnh viện tỉnh được mở rộng, xây bệnh viện Lạc Quần, 4 bệnh xá huyện và bệnh viện máy dệt đưa số giường bệnh từ 100 lên 780, bình quân cứ 1 vạn dân trước đây trên 1 giường bệnh thì nay lên tới 1 vạn dân trên 8 giường bệnh. Ngoài ra còn có Viện điều dưỡng lao 250 giường phục vụ bệnh nhân của 8 tỉnh khu III cũ.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com