Y học cổ truyền

07:08, 20/08/2013

Nam Định địa dư chí tân biên chép về một số cách phòng chữa bệnh dân gian như sau:

Ngày 5 tháng 5 gọi là tiết Đoan dương, dân gian đi hái thuốc lá đem về để dùng dần, hoặc còn dùng cả ngày 6 tháng 6 (tiết Thiên huống). Lệ cổ mỗi khi đến ngày Đoan dương thì lấy Xương bồ thái lát, ngâm rượu uống để giải ôn dịch do vậy còn gọi ngày này là tiết Xương bồ, cũng gọi là tiết Thiên Trung (giờ Ngọ ngày 5 tháng 5)

Mỗi khi vào đầu mùa hạ, ở các đền miếu người dân lập đàn chuẩn bị minh khí lễ giải trừ ôn dịch, chọn ngày tốt có trực Trừ, khao tiễn thì có thuyền bè quần áo, vàng tiền, có khi làm tới ba ngày ba đêm. Các nhà thường dùng lá ngải khô tán với bột thường truật, xương bồ, quế chi, xuyên khung, bạch chỉ rải rắc khắp nơi chỗ ở để tịch uế. Mồng 5 tháng 5 chế bài thuốc Bồ đề hoàn để dùng, bài thuốc khí vị ít công phạt, cảm mạo phong hàn, sốt rét, ngã nước, nôn mửa bụng đau hoặc do ăn uống đau bụng đều dùng được.

Huyện Hải Hậu dân xã có nhiều người đọc sách Hải Thượng Tuệ Tĩnh, ưa dùng thuốc Nam, thuốc Bắc, nhiều nhà ghi chép quyển sách có các bài gia truyền  công hiệu. Vào các thế hệ trước đây, khẩu hiệu nam dược trị nam nhân đã được quảng bá, không khác gì Liêu Hải tân ấp của huyện Đại An. Trên đại thể, có hai huyện Đại An, Hải Hậu là có  phong trào trị liệu, còn các huyện khác thì phần lớn phụ thuộc vào những người có chuyên môn.

Tại xã Tiên Hương có ngôi mộ cổ, bốn phía cây cối xanh tốt um tùm, không khí mát mẻ, cảnh sắc u tịch, tương truyền là mộ công chúa Liễu Hạnh, có bia đá nhỏ, mộ chí không còn chữ. Nhân dân trong vùng, làng xóm các nơi mỗi khi có bệnh tật thường ra đó hái lá, bẻ cành, đào gốc rễ cây về sao sắc uống. Đến thời Minh Mệnh quan bản huyện có sai người lấy gạch xây viền khu mộ, lại xây bệ gạch nhỏ cho người đặt lễ. Tại cột cổng đá có câu đối:

      Hoa thảo sao chiên năng liệu bệnh
      Kính thành tuỳ phục tức an khang

 Lấy cỏ hoa sao sắc mà dùng, bệnh tật xem ra đều khỏi cả.
Lòng thành kính tới nơi cầu vọng, uống vào chắc hăn sẽ yên lành

Đền Đồng Phù và đền Vô Hoạn, huyện Nam Trực gắn với truyền thuyết về người phụ nữ giỏi Đông y trị bệnh cứu người.

Từ lâu người dân Nam Định đã biết tận dụng các loại rau quả, cây cối mọc xung quanh nhà, tại địa phương để tự chăm sóc sức khoẻ của mình và người trong gia đình.

Trong những trường hợp khi đau yếu chưa cần đi thầy thuốc thì có thể dùng thuốc Nam hoặc các mẹo vặt để chữa bệnh. Cho đến nay nhiều bài thuốc dân gian vẫn được người Nam Định thường dùng. Cách chữa bệnh được truyền khẩu từ đời này qua đời khác, phổ biến khắp nơi, áp dụng thông thường.

Một số bài thuốc rất đơn giản, nguyên liệu dễ tìm, rẻ tiền. Ví như nếu trẻ đau bụng đêm chỉ cần lấy con gián đất nướng rồi dán vào rốn. Trong trường hợp sôi bụng thì chỉ cần uống một chút nước gừng.

Nhiều loại rau ăn được kết hợp dùng làm thuốc như: Bạc hà chữa cảm sốt, ngạt mũi, nhức đầu. Diếp cá chữa trĩ, đau mát đỏ, mụn nhọt. Hạt bí ngô dùng tẩy giun sán. Hạt cải canh chữa ho, viêm họng. Lá hẹ chữa ho, hen, nhiều đờm. Cây mồng tơi có tác dụng giải nhiệt, chữa táo bón. Nghệ để chữa đau dạ dày. Rau ngót chữa tưa sữa ở trẻ em, sót rau sau đẻ, sảy thai. Tía tô chữa cảm lạnh, ho xuyễn nhiều đờm. Lá trầu không chữa lở loét, viêm chân răng.

Việc kết hợp các loại gia vị trong bữa ăn, ngoài việc làm cho bữa ăn ngon miệng có còn tác dụng phòng chữa bệnh. Ăn gỏi cá là đồ sống thì có lá mơ sát trùng, ăn rươi có nhiều chất bổ khó tiêu thì có vỏ quýt có tinh dầu chanh dễ tiêu, gia vị riềng đi đôi với mẻ để nóng lạnh chế ngự nhau...

Cây cối trong vườn cũng là những phương thuốc quý. Lá tía tô, kinh giới, lá tre, lá bưởi, lá gừng dùng để xông khi cảm. Có nhiều cách giải cảm: đánh cảm bằng trứng gà và bạc; bằng địa liền và gừng; hoặc ăn lá ngải hấp với trứng. Củ giáy sao vàng, đun lẫn với đậu đen sắc uống cũng dùng để giải cảm. Cảm cúm hoặc băng huyết thì dùng lá nhọ nồi. Lá nhọ nồi hoặc lá dấu còn dùng để cầm máu khi đứt tay. Đau mắt thì xông bằng lá trầu hoặc lá dâu. Lá cây trinh nữ, phơi khô, sắc uống cùng với lá vông chữa bệnh mất ngủ. Nước lá lốt dùng để ngâm chân, tránh không ra mồ hôi chân. Đau đầu thì đun nóng ngải cứu, đắp vào trán. Trứng gà dùng với lá đại bi và lá ngải cứu, rang trên lá chuối để chữa ho.

 Nếu đau bụng đi ngoài thì mỗi địa phương lại có bài thuốc khác nhau. Ở xã Giao Tiến thì cho người ốm ăn 7 lá cây chó đẻ; huyện Vụ Bản thì dùng lá ổi xao kỹ, cô đặc lấy nước uống; có nơi thì lấy lá mơ lông và trứng gà trộn lên, lót lá mơ lông bên dưới chảo rồi đun chín cho trẻ ăn.

Đau lưng, đau khớp thì dùng rễ trinh nữ lát mỏng, tẩm rượu sao vàng hạ thổ đem sắc uống.

Trường hợp đau lưng do yếu thận lại có thể dùng 5 quả cật dê, 1 dúm đỗ đen sao vàng hạ thổ bằng nồi đất. Rạch quả cật dê, nhét đỗ vào, lấy lá khoai dại giã nhỏ, nhào với đất sét cho nhuyễn rồi bọc quả cật dê cho vào bếp nướng chín. Đem bóc phần đất bọc ngoài rồi ăn, mỗi ngày 1 quả. Ăn 5 lần sẽ khỏi.

Củ, rễ, thân, hoa, lá cây vòi voi sao vàng hạ thổ; râu ngô, bông mã đề, đỗ đen, lá lõi tiền đem sắc đặc uống có thể chữa được bệnh thận phù nề. Râu ngô, lá lõi tiền, mã tiền, rễ cỏ tranh (sao vàng hạ thổ) sắc uống để chữa đi giải ra máu.

Một số bài thuốc chữa các bệnh khác như: chữa gan có thể dùng vài lạng gan lợn tươi, lát mỏng và nhỏ, cho vào ấm tích, thái chè tươi bỏ vào, rót nước sôi vào hãm, sau 1 giờ thì đem uống trước khi ăn. Chữa thần kinh: 1 chai rượu trắng 650, ngâm 2,5 lạng tỏi,  10 ngày sau đem uống. Chữa bách bệnh: 200g  tỏi  bóc vỏ; 100 quả chanh vắt nước, lọc tép ra, cho vào lọ ngâm trong 2 - 3 tháng. Mỗi lần uống  2- 3 muỗng pha với nước sôi. Ngày uống 2 - 3 lần...

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com