Kiến trúc, điêu khắc thời hiện đại

06:08, 15/08/2013

Từ  đầu  thế kỷ  XX, những  kiến  trúc điêu khắc truyền  thống như đình, đền, chùa tháp, Lăng mộ hay những nhà thờ Thiên Chúa giáo... vẫn tiếp tục được trùng tu hoặc xây cất mới. Một số công trình dạng thức này đáng kể là:

Phủ Tiên Hương (Kim Thái - Vụ Bản) được mở rộng quy mô xây dựng to lớn vào năm 1914.

Chùa Cổ Lễ (Thần Quang tự) tại Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh   được xây dựng vào năm 1920, tháp Cửu phẩm Liên hoa của chùa 12 tầng 8 mặt cao 32 m dựng năm 1927.

Vương cung thánh đường Phú Nhai (năm 1923), Giáo hoàng đại chủng viện Allbert Nam Định (1930), nhà thờ Phú Nhai (1933).

Lăng Thánh mẫu Liễu Hạnh ở Tiên Hương Vụ Bản dựng năm 1938. Lăng  được xây dựng trên khu đất cao, diện  tích 652 m2. Từ ngoài vào trong có tới  5 vòng tường cách đều nhau. Từ lớp tường thứ 3 trở vào mặt nền được nâng dần lên và đạt tới độ cao 4,40 m tại phần mộ. Phần mộ là trung điểm của lăng có hình bát giác theo đồ hình bát quái. Xung quanh có đường viền tạo thành những núm vú hình quả lựu (dân gian gọi đó là bầu sữa mẹ).  Lăng quay về hướng Tây phía núi Tiên Hương. Các phía còn lại đều làm cửa bổ trụ. An ngữ bốn bậc cửa cuối cùng là những bình phong bằng đá làm theo kiểu cuốn thư có chuôi gươm, bút lông ở hai đầu, chữ thọ và hoa lá ở phía dưới .

Lăng Thánh mẫu Liễu Hạnh ở xã Tiên Hương (Vụ Bản). Ảnh: Internet
Lăng Thánh mẫu Liễu Hạnh ở xã Tiên Hương (Vụ Bản). Ảnh: Internet

Điều đặc biệt của kiến trúc này là từ xa nhìn hay đi đến Lăng mộ, người ta như đang ngắm hoặc đang đi tới hồ sen đầu mùa hạ với hàng chục búp sen đang vươn lên  mặt hồ. Cảm giác đó được tạo ra bởi hàng mấy những nụ sen bằng đá gắn trên những cột trụ cao ở các cửa và mỗi mặt tường.

Nhiều công trình kiến trúc được tập trung ở thành phố Nam Định: Toà Công sứ, rồi đến các công sở phục vụ cho công việc cai trị, đô hộ của chính quyền Thực dân Pháp.

Từ  Đổi mới (1987), nhất là hơn một chục năm trở lại đây, trong không khí xây dựng khẩn trương, ồ ạt, mạnh mẽ của cả nước, của Nam Định, nhiều công trình kiến trúc lớn của nhà nước và nhân dân được xây dựng như công sở các cơ quan, trường học, các đài kỷ niệm danh nhân, liệt sĩ... đã được mọc lên.

Tại thành phố công nghiệp Nam Định đã xây dựng nhiều nhà cửa với tiện nghi khang trang. Vùng đất Hải Hậu ra đời muộn nhờ khai hoang lấn biển cũng đã có những chiến lược toàn diện gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế xã hội. Từ những năm 1970 - 1980, Hải Hậu đã xây dựng một hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ bao gồm khu trung tâm văn hoá huyện lỵ ở thị trấn Yên Định và ba cụm văn hoá thông tin gắn liền với ba cụm kinh tế kỹ thuật trên địa bàn Nam Định thị trấn Cồn, Hải Phú và Trực Thái với nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống, hiệu sách, sân vận đồng...). Đến năm 1992, huyện  đã có 42 nhà văn hoá xã, 22 câu lạc bộ, 6 nhà truyền thống xã. Ở trung tâm huyện lỵ cũng như khắp các xã của Hải Hậu, các công trình văn hoá được xây dựng song song với bệnh viện, phòng khám bệnh, bệnh xá, trường học, mẫu giáo... Chỉ riêng các công trình kiến trúc của huyện xã, do các kiến trúc sư của quê hương thiết kế đã làm nên bộ mặt mới của huyện, xã.

Trong quá trình hình thành và phát triển đô thị, Nam Định đã có những công trình kiến trúc quan trọng như nhà máy Dệt, khu nhà ở cho cán bộ, các khu văn hoá thể thao, sân vận động là bước chuyển mình của vùng đất Thành Nam thời kỳ mở cửa.

Trong số đó phải kể đến một số công trình có hiệu quả thẩm mỹ, kiến trúc như: Nhà bảo tàng lịch sử nghệ thuật tỉnh, tượng đài Hưng Đạo Đại Vương tại thành phố Nam Định, đền tưởng niệm các liệt sĩ huyện Nam Trực, huyện Hải Hậu...

Khách sạn Vị Hoàng: Khách sạn do Kiến trúc sư Trần Đức Nhuận (người huyện Hải Hậu và được giải thưởng Nhà nước năm 2000). Khách sạn mang tên dòng sông cũ của Nam Định. Ngôn ngữ kiến trúc hài hoà phù hợp với cảnh quan kiến trúc xung quanh.

Đền thờ liệt sĩ - Thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu: Công trình xây dựng năm 1997 do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Minh thiết kế. Thuộc loại Công trình tưởng niệm.

Hình thức kiến trúc của đền biểu hiện khuynh hướng hoài cổ "trở về với cội nguồn" phù hợp với chức năng công trình. Từ bố cục, tổ chức không gian đến các chi tiết trang trí hoa văn đầu đao, con sơn bê tông giá gỗ... Tuy dùng kết cấu và vật liệu mới những hình thức theo lối giả cổ, thiếu sự nhuần nhuyễn.

Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Quảng trường 3/2 thành phố Nam Định, tác giả Vương Duy Biên- Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thể hiện, được khánh thành ngày 17/9/2000 (tức ngày 20 tháng 8 âm lịch), nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của đức Thánh Trần. Tượng cao 10,25m, nặng 20 tấn được thực hiện trong vòng hơn 10 năm kể từ ngày một nhà sư bắt đầu quyên góp đồng (từ chậu đồng, mâm đồng đến dây điện, cát tút... cho việc đúc tượng). Đây là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Công viên thành phố đã được cải tạo thành Quảng trường 3/2 với không gian 4 mặt rất lớn để làm nơi đặt tượng.

Tượng đài Trần Quốc Tuấn uy nghi, một chút trầm mặc của lão tướng trọng mưu lược, trí dũng. Tay trái (tay văn) cầm Hịch tướng sĩ để lên ngực, tay phải (tay võ) tì vào đốc gươm. Pho tượng mô tả tư thế của người chỉ huy "nhìn thế trận chưa cần phải dùng gươm, mà cần sự quyết tâm đồng lòng cảnh giác, lấy việc giữ hoà khí làm trọng". Đầu vấn khăn như một người dân bình thường, khuôn mặt phúc hậu cương nghị, thể hiện tầm vóc một vị tướng biết nhìn xa trông rộng, coi tướng sĩ thần dân như con. Trang phục áo vải được tạo tác tỉ mỉ và đẹp mắt.

Tượng được bố cục vững chãi, độ bay của tà áo và các đợt sóng dưới mũi hài cuộn ra phía sau tạo thành khối hình trụ chắc chắn hướng lên trên. Tượng được thể hiện tỷ mỷ, tinh xảo giàu tính hiện thực. Tượng đài Trần Hưng Đạo là niềm tự hào của thành phố quê hương người anh hùng.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com