Kiến trúc cổ Nam Định

06:08, 06/08/2013

Loại hình kiến trúc thường gặp ở Việt Nam, ở châu thổ sông Hồng nói riêng trừ kiến trức nhà ở dân gian, còn lại chủ yếu và nổi bật nhất là các công trình tôn giáo tín ngưỡng. Mỗi loại hình mang dáng, nét đặc trưng từng thời kỳ, nó phản ánh bộ mặt xã hội- kinh tế đương thời và là sự nhận diện rõ ràng với mỗi vùng văn hoá.

Chùa tháp, Đình, Đền Miếu, Phủ, Nhà thờ, Cầu, Cổng... những kiến trúc gắn liền với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đời sống tâm linh, lễ hội của cư dân là những kiến trúc nổi bật hơn cả trong lịch sử và cảnh quan ở Nam Định. Theo thư tịch cổ cũng như dấu ấn vật chất còn lại trên thực tế, những kiến trúc sớm nhất thuộc loại này xuất hiện ở Nam Định là Chùa tháp, Đình, Miếu, Đền. Cùng với tiến trình lịch sử, những biến đổi của kinh tế, văn hoá, xã hội những công trình kiến trúc này có thể bị huỷ hoại, nhưng vẫn không ngừng được tôn tạo, tu bổ - như công trình không thể thiếu được, tạo thành cảnh quan quen thuộc của làng xã Nam Định. Những kiến trúc thuộc loại này thường dùng kết hợp những vật liệu bền chắc, quý hiếm như các loại gỗ tứ thiết, các loại gạch, đá cho từng bộ phận, chi tiết của kiến trúc. 

Những công trình kiến trúc văn hoá tiêu của Nam Định là sự thể hiện tuyệt với nghệ thụât kiến trúc truyền thống đặc sắc của vùng đất Thành Nam. Tiêu biểu như Chùa Cổ Lễ (chùa Thần Quang) ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh; Chùa Keo Hành Thiện (chùa Thần Quang), xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường; Chùa Đại Bi (Đại Bi tự) thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Trực; Chùa Lương xã Hải Anh, huyện Hải Hậu; Chùa Nghĩa Xá xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường; Chùa Linh Quang (Cổ Tung tự) thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng, huyện Nam Trực...

Chùa Cổ Lễ (chùa Thần Quang) ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh;
Chùa Cổ Lễ (chùa Thần Quang) ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Ảnh: Internet.

Các tháp chùa Cổ Lễ, Phổ Minh, Chương Sơn (thôn Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên)

Các đình: Đình Thượng Đồng xã Yên Tiến, huyện Ý Yên; Đình Tiên Chưởng xã Vũ Tiến, huyện Vụ Bản...

Các đền: Đền thờ Đào Sư Tích xã Cổ Lễ, huyện Nam Chân; đền Minh Không Thiền Sư xã Cổ Đàm, huyện Ý Yên; đền Ông Báo Đại Vương xã Tử Vinh, huyện Vụ Bản; đền Phạm Đạo Phú xã Hưng Thạch, Nghĩa Hưng; đền Phạm Nguyễn Bảo xã Hưng Thịnh, Nghĩa Hưng; đền An Thái xã An Thái, huyện Vụ Bản...

Phủ là loại hình khá tiêu biểu ở Nam Định như Khu di tích Phủ Dầy xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Trong đó, phủ Vân Cát mặc dù xây dựng muộn hơn vào những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đây là một công trình có sự kết hợp hài hoà kiến trúc cổ kim.

Kiến trúc Miếu ở Nam Định không nhiều, điển hình như miếu Chân Nương cung phi ở xã Vạn Lộc, huyện Giao Thuỷ, miếu Cao Đài xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc...

Kiến trúc Cầu là sản phẩm của vùng đất có địa hình sông ngòi ngang dọc như Nam Định. Cầu là những công trình phổ biến ở nhiều làng xã và có vị trí đáng chú ý trong kiến trúc Nam Định Ở Nam Định có hai loại cầu điển hình: cầu ngói và cầu đá. Vật liệu cố định bằng gạch đá, tre, gỗ. Để đảm bảo giao thông giữa các làng hai bên sông người ta bắc những cầu gỗ dài (Cầu Ngói xã Hải Anh, Cầu Ngói xã Bình Minh) theo kết cấu thượng gia hạ kiều là sự mô phỏng hình ảnh ngôi nhà dân gian, là sự kết hợp các vật liệu truyền thống với cảnh quan làng xóm. Vì thế, cây cầu không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là loại hình nghệ thuật độc đáo.

Cũng phải kể tới 9 cầu đá khác ở Hải Anh với những chi tiết trang trí hình mây cách điệu đầu rồng; 3 cầu đá khác còn lại ở Trực Ninh được trang trí cánh sen, rồng mây và còn lại Thạch Kiều bi ký.

Đại Nam  nhất thống chí cũng đã chép tới 20 cây cầu của các huyện ở Nam Định. Chỉ riêng một huyện Nam Trực, Nguyễn Ôn Ngọc trong Nam Định tỉnh địa dư chí  cũng đã kể ra đến 12 cây cầu đá, cầu gỗ...  Không phải ngẫu nhiên mà tục ngữ Bắc Bộ đã lưu ý xếp hạng: "Cầu - Nam, Chùa - Bắc, Đình- Đoài". Cầu để đi lại nhất là với những địa phương mới được khai khẩn, mở mang ở phía ven biển, cầu cống là những điểm được quy hoạch ngay từ đầu, được đầu tư khá nhiều công của. Tấm bia "Hưng Thịnh thạch kiều bi ký"  (Bia cầu đá xã Hưng Thịnh) cho thấy phần nào  công phu xây cất cầu của người xưa: "Từ năm Thuận Thiên cho đến nay, một xã có 4 xóm, ngoài xóm có sông nhỏ với sông lớn hợp phái. Ở phía đông, phía tây đều có bắc cầu bằng gỗ, nhưng khi nước lên, nước xuống bị sóng xói dội, mưa nắng, hàng năm phải tu bổ, khó nhọc và hao phí nhiều...". Trước đây tiền, thóc thu từ đất đều dùng để tu sửa vào đền, số còn thừa thì giao cho bốn xóm vay để sinh lợi. Nhưng đến năm Quý Hợi, sau khi tu sửa đền dân làng bàn bạc quyết định số thóc còn lại cùng với số dư lợi hàng năm được bao nhiêu đem làm cầu đá, nhưng chỉ mới làm thô sơ. Mùa xuân năm Ất Sửu làng lại gọi thợ đến làm tu sửa nâng cấp câu cầu, đến giữa mùa hạ (tháng năm) thì "cây cầu và  mày mặt khúc sông được tô điểm mới", "như cầu vông bắc qua mặt trăng, như rồng xanh nằm giữa sóng, qua lại đều thuận tiện, người vật đều yên lành".

Kiến trúc  thành luỹ

Trong lịch sử của miền đất Nam Định, từng có những thành trì thuộc các triều đại khác nhau.

Vào đầu thế kỷ XV khi quân Minh xâm lược và áp đặt ách đô hộ nước ta, chúng đã cho xây dựng  một thành luỹ lớn là trung tâm của phủ Kiến Bình (vùng Nam Định - Ninh Bình) gọi là thành Cổ Lộng.

Thành Cổ Lộng đã bị bỏ phế từ lâu. Dấu tích thành còn lại đến nay cho phép hình dung thành rộng khoảng 100 ha tại cánh đồng Thành, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên. Trong thành còn rất nhiều mảng gốm, sành, những hòn đá "kê chân cột"- cùng chất liệu với đá khai thác từ vùng núi Thiên Kiên - núi Bô, những địa danh như  "nền vua", "nền kho", "đấu đong quân", "hồ bán nguyệt".

Đến thế kỷ XIX, trên địa bàn Nam Định, theo Đại Nam nhất thống chí  còn có:

Thành tỉnh Nam Định: ở địa phận hai xã Tức Mặc và Năng Tĩnh huyện Mỹ Lộc "được đắp bằng đất năm Gia Long thứ 3 (1804), năm Minh Mạng thứ 14 (1833) xây bằng gạch, chân đế tường xây bằng đá xanh, phía trên bằng đá ong, "chu vi 830 trượng, 7 thước 3 tấc (khoảng 3.223m), cao 1 trượng 2 thước, 2 tấc (4,8m), mở 4 cửa. Hào rộng 6 trượng (11,5m), sâu 6 thước (2,4m)".

Theo bản đồ của H. Rivie chỉ đạo đội đồ bản cuộc hành quân sau khi hạ thành Nam Định ngày 27-3-1883, còn có thể thấy những nét cơ bản của  khu vực trong thành với những đình Vọng Cung, các dinh Tổng đốc, đề đốc, bố chính, án sát, các kho bạc, kho lương, chuồng voi ngựa, nhà lao, cột cờ.

Khu ngoài thành về phía Tây có Trường Thi, Nhà học, Văn miếu, phía Nam có bãi tập, phía Đông là khu phường phố buôn bán, phía Bắc là vùng chiêm trũng ngập nước.

Năm 1884 - 1885, thực dân Pháp cho bạt thành, lấp hào để xây dựng thành phố, chỉ còn lại một góc thành cửa Bắc, một mỏm thành cửa Đông Nam và Cột cờ.

Thành phủ Thiên Trường: ở địa phận xã Tương Đông, huyện Giao Thuỷ được xây dựng năm Minh Mạng 14 (1833)  "chu vi 129 trượng, cao 6 thước, hào rộng 2 trượng 5 tấc, mở 2 cửa".

Thành phủ Nghiã Hưng: xây năm Tự Đức thứ 7 (1853) tại xã Phù Sa huyện Đại An chu vi 271 trượng, 2 thước, cao 7 thước 2 tấc, mở 3 cửa, hào rộng 2 trượng 5 thước. Trước khi rời về địa điểm này, thành phủ Nghĩa Hưng từng  ở địa phận Mi Khôi, Gôi Sơn rồi Thái La - Châu Bạc .

Nam Định tỉnh địa dư chí của Nguyễn Ôn Ngọc có nhắc đến những thành huyện như Ý Yên, Nam Trực, trong đó  thành huyện Nam Trực  "cao 13 thước, trên mặt cao 4 thước, dưới chân 8 thước. Bề rộng vuông vức, mỗi chiều 70 trượng. Bốn phía đều trồng tre gai, phía hữu giáp dân cư đều là đất bằng, phía tả giáp sông Ngọc, sông Bân, rộng 1 trượng 5 thước. Năm đầu niên hiệu Thành Thái ghép gạch cửa thành cao 1 trượng 5 thước rộng 1 trượng, ngang 6 thước 5 tấc. Có một cái cầu đá, thông vào ngoài cửa huyện. Trong có một toà công đường, tường gạch lợp ngói. Còn các nhà tư thất trại lệ và các trú sở khác đều lợp bằng tranh".

Kiến trúc lăng mộ

Truyền thuyết và các tư liệu dân gian khác có nhắc đến những lăng, mộ đã từng được xây dựng từ xưa tại một số nơi ở Nam Định: như Lăng mộ của nữ tướng Mai Thị Hồng thời Hai Bà Trưng ở Vụ Nữ - Vụ Bản, lăng mộ Trần Minh Công ở thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang- Nam Trực; mộ công chúa Phụng Dương- phu nhân của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải ở Bảo Đài -Mỹ Thành, Mỹ Lộc.

Nam Định tỉnh địa dư chí của Nguyên Ôn Ngọc còn nhắc tới những ngôi mộ xưa như mộ Nguyễn Công ở Thanh Khê, mộ của tiến sĩ Phạm Khắc Thận ở Cổ Tung, mộ Thuyên Công ở Bách Tính ...

Khu mộ Phương Quận công Nguyễn Công Triều ở Bách Cốc, Vụ Bản  mộ xây gạch dài 14m, rộng 10m, đỉnh mộ có chóp hình bầu rượu, góc mái uốn cong. Bia mộ lập năm 1691. 

Lăng mộ Thánh mẫu Liễu Hạnh vopón là ngôi mộ cổ ở cồn Cá Chép xã Tiên Hương. Thời Minh Mạng (1820 - 1840) quan huyện Vụ Bản cho xây gạch quanh mộ và một bệ nhỏ cho mọi người đến đặt lễ.  Vào năm 1938, vua Bảo Đại cho "Hội Xuân Kinh" triều đình Huế tiến hành xây dựng khu lăng Mẫu như hiện nay.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com