Theo Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính và Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục của Nguyễn Ôn Ngọc, từ thời Lý, Nam Định đã có một vị quốc sư nổi tiếng chữa bệnh cho vua là Nguyễn Minh Không. Nguyễn Minh Không người làng Đàm Xá, phủ Tràng An tên là Nguyễn Chí Thành, theo học Từ Đạo Hạnh.
Tương truyền, vua Lý Thần Tôn bỗng sinh ra một bệnh kỳ dị, thuốc chữa thế nào cũng không khỏi, tinh thần phiền loạn, tiếng gào thét kinh người. Có rất nhiều thầy thuốc nhưng không ai chữa khỏi. Có đồng dao hát rằng: Muốn chữa bệnh cho nhà vua, thì phải vời Nguyễn Minh Không.
Triều đình sai người tìm Minh Không. Minh Không đến, sai người lấy cái vạc to, đổ nước hoà thuốc vào đun lên, đun sôi một trăm dạo, lấy tay khoắng vào trong vạc thuốc hai ba lần rồi múc ra tắm cho vua. Tắm xong thì vua khỏi bệnh.
Vua phong cho Minh Không làm quốc sư, lấy 200 hộ để thưởng công. Sau khi Minh Không mất, nhiều chùa ở Giao Thuỷ dựng tượng ông.
Nhiều vị Tiến sĩ đỗ đạt ở Nam Định, khi trở về quê hương ngoài việc đào tạo học trò còn tham gia chữa bệnh cứu dân. Số lượng các thầy thuốc này rất nhiều, tên tuổi của họ được ghi chép trong các gia phả khó có thể khảo cứu hết được.
Tiến sĩ Đặng Hữu Dương, người Hành Thiện, Xuân Trường là tác giả của tập sách thuốc chữ Nôm gần 6000 câu thơ lục bát với tiêu đề Nông gia tự liệu. Hành Thiện còn là cái nôi sản sinh ra nhiều thầy thuốc nổi tiếng như Nguyễn Tư Phấn (Chu Sỹ), Nguyễn Như Lệ (lang Hành Thiện), Giáo sư, Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, Giáo sư, Bác sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Sĩ Quốc và Anh hùng, Thiếu tướng Phạm Gia Triệu, Tiến sĩ, Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân
Trong phần Y tông của cuốn Trà Lũ xã chí, có nhắc tới danh y Trần Viết Hộ, người thôn Trung. Ở thôn Đông có Phan Báu tinh nghề thuốc, chữa bệnh thổ tả và bệnh sốt rét. Ngoài ra ở Trà Lũ, còn có các thầy thuốc như: Đinh Công, Đinh Hợi, Đinh Khánh, Trần Thiết, Đỗ Viết Nguyệt, Đỗ Viết Ngọc...
Huyện Hải Hậu có Bùi Thúc Trinh (1811 – 1891) hiệu là A Xuyên, Nhất Trung, người xã Quần Anh Hạ nay thuộc xã Hải Phương sinh ra trong một gia đình y học, ba đời làm thuốc. Ông là học trò của Trúc Đường tiên sinh Ngô Thế Vinh nhưng thi không đỗ. Ông chuyên nghiên cứu về thuốc, trở thành một vị danh y Ông viết các tác phẩm: Vệ sinh mạch quyết, Vệ sinh yếu chỉ... và đào tạo được nhiều lương y có tiếng.
Dòng họ Nguyễn ở Cựu Hào, huyện Vụ Bản có nhiều người là những y sư nổi tiếng của triều đình nhà Nguyễn, là những thầy thuốc giỏi, tận tình cứu chữa cho nhân dân, mở trường dạy nghề làm thuốc.
Mở đầu nghề làm thuốc của dòng họ là cụ Nguyễn Truyền, được cha là Nguyễn Xưởng cho theo học nghề y, chữa bệnh cho nhân dân, trở thành một danh y đầu thời Nguyễn. Nguyễn Truyền lại truyền nghề y cho con là Tú tài Nguyễn Hướng. Nguyễn Hướng vừa chữa bệnh, vừa viết sách đúc kết những kinh nghiệm chữa bệnh vừa truyền nghề cho con trai cả là Nguyễn Định.
Nguyễn Định đậu Tú tài 2 khoá nên còn gọi là Tú kép. Ông theo cha nghiên cứu sâu về y lý, đúc rút nhiều kinh nghiệm chữa bệnh đương thời, viết thành sách, mở trường dạy học. Học trò học nghề thuốc của ông rất đông.
Nguyễn Định có 2 người con là Nguyễn Phối và Nguyễn Ninh cũng giỏi nghề làm thuốc. Theo tộc phả, năm 1888, vua Thành Thái bị bệnh hiểm nghèo, nghe tin họ Nguyễn Cựu Hào có người làm thuốc giỏi đã cho chiếu xuống vời vào cung. Nguyễn Định cùng hai con trai vào chữa khỏi bệnh cho vua. Nhà vua mời 3 cha con ở lại làm việc trong triều. Nguyễn Định và Nguyễn Ninh chối từ, trở về quê, có Nguyễn Phối ở lại chữa bệnh trong hoàng cung. Nguyễn Phối được phong chức Điều hộ và năm 1890 phong đến chức Ngự y. Nguyễn Ninh về làng tiếp tục chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học. Học trò của ông có tới 70 – 80 người thành đạt. Khi Nguyễn Định và các con ông mất, học trò đã dựng nhà thờ để thờ phụng thầy học của mình.
Trong số con cháu của dòng họ Nguyễn ở Cựu Hào nối nghiệp ngành y có Nguyễn Cạnh là người mới 12 tuổi đã giỏi nghề, bắt mạch chữa bệnh cho dân. Ông là người sáng lập Hội Đông y nay là Hội Y học dân tộc huyện Vụ Bản từ năm 1958 và được Bộ Y tế cấp danh hiệu "Thầy thuốc có chuyên môn giỏi" năm 1962.
Ngày nay, họ Nguyễn ở Cựu Hào có tới 30 người là Bác sĩ, Giáo sư y khoa, lương y, tiêu biểu là Giáo sư lương y Nguyễn Sĩ Lâm, anh hùng Lao động ngành y tế, suốt đời tận tuỵ với nghề làm thuốc, là người có đề xuất sáng suốt và kiên trì thực hiện việc kết hợp đông và tây y để chữa bệnh.
Ngoài những nhà lãnh đạo, quản lý y tế và các bác sĩ nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà như: Bộ trưởng Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân, Giáo sư Đặng Vũ Hỷ, còn phải kể đến Bác sĩ Vũ Ngọc Ánh và Bác sĩ Vũ Công Thuyết. Bác sĩ Vũ Ngọc Ánh (1901- 1945) xuất thân trong một gia đình khoa bảng, được đi du học tại Pháp. Năm 1945, làm Bộ trưởng Bộ Y tế trong chính phủ Trần Trọng Kim. Ông là tác giả một số sách y học viết bằng tiếng Pháp. Bác sĩ Vũ Công Thuyết (1915), người huyện Vụ Bản, Hiệu trưởng trường Đại học Dược khoa, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Nghệ An.
Theo: Địa chí Nam Định