Sáng một vùng quê cách mạng

07:08, 21/08/2013

Trong không khí cả nước đang hướng tới kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9, chúng tôi có dịp về thăm xã Xuân Thành (Xuân Trường). Ông Đinh Văn Sáu, 76 tuổi, hội viên Hội Khoa học lịch sử tỉnh, là người con quê hương đã chứng kiến và được sống trong những ngày tháng lịch sử hào hùng đó, với niềm tự hào sâu sắc, ông đã trò chuyện với chúng tôi về truyền thống cách mạng anh dũng của đất và người Xuân Thành.

Dẫn chúng tôi đi thăm chùa Liêu Thượng, trong không khí yên bình, tiếng chuông chùa ngân nga, ông Đinh Văn Sáu kể: “Tại gác chuông này, cách đây 80 năm, ngày 3-3-1933, chi bộ Đông An (tiền thân của Đảng bộ xã Xuân Thành ngày nay) được thành lập, là một trong hai chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường với 4 đảng viên, gồm các đồng chí: Đinh Thúc Dự (bí thư chi bộ), Phạm Đình Duy, Đinh Văn Trai, Đinh Văn Huyên”. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Đinh Văn Sáu bồi hồi nhớ lại ký ức lịch sử mà ông từng chứng kiến, từng được nghe qua câu chuyện của người thân trong gia đình trực tiếp tham gia kháng chiến kể lại, 68 năm trước, ngày 19-8-1945, đồng chí Đinh Thúc Dự nhận được lệnh khởi nghĩa, sau đó đồng chí về dự Hội nghị Liên tịch của Ủy ban Khởi nghĩa họp tại chùa Tự Lạc (xã Xuân Nghiệp cũ, nay là xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường) bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Theo kế hoạch ban đầu, quân khởi nghĩa chia làm 2 mũi tiến công địch: một mũi  từ Đông An, Hạc Châu, một mũi từ Tự Lạc, hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh đồn Lạc Quần rồi đánh chiếm phủ Xuân Trường và đồn Ngô Đồng. Nhưng sau khi họp bàn với các đồng chí đảng viên chi bộ Đông An, đồng chí Đinh Thúc Dự phân tích: nếu tên quan huyện phủ Xuân Trường chưa đầu hàng, thì chắc chắn binh lính đồn Lạc Quần sẽ không chịu giao vũ khí cho quân khởi nghĩa. Kế hoạch thay đổi, cánh quân xuất phát từ Đông An tiến công phủ Xuân Trường trước, rồi quay lại hợp đồng tác chiến với mũi thứ hai đánh đồn Lạc Quần. Sáng 20-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa hơn 40 người, có 2 nữ thanh niên là Đinh Thị Vân (sau này được phong tặng Anh hùng LLVT) và Phạm Thị Thu, kéo lên chiếm phủ Xuân Trường, sau đó hợp nhất với cánh quân từ Tự Lạc (Thọ Nghiệp) tại dốc Xuân Bảng chiếm đồn Lạc Quần, đồn Ngô Đồng và huyện lỵ Giao Thủy, giải phóng quê hương khỏi ách thống trị của bọn đế quốc và phong kiến. Sự kiện lịch sử giành chính quyền huyện Xuân Trường - Giao Thủy thành công do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo tài tình, quyết định đúng đắn của chi bộ Đông An và sự đồng lòng của nhân dân. Nhiều gia đình cơ sở cách mạng như gia đình các cụ Đinh Thị Hợp, Đinh Thị Lương, Nguyễn Nguyên Khản, Đinh Thị Bính (tức cụ Cáp), Đinh Thúc Dự, Đinh Lai Hấp... được tặng “Bằng có công với nước”. Cụ Đinh Thị Hợp được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng “Đồng tiền vàng”. Cách mạng Tháng Tám thành công, chi bộ lãnh đạo xây dựng chính quyền, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân trong xã.

Chùa Liêu Thượng, nơi thành lập chi bộ Đảng Đông An.
Chùa Liêu Thượng, nơi thành lập chi bộ Đảng Đông An.

Trong câu chuyện mà ông Sáu kể với tôi, cứ mỗi lần nhắc đến hai từ “hy sinh” tôi lại thấy mắt ông rưng rưng... Trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, “một mất, một còn” với kẻ thù, xã Xuân Thành đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng như Xã đội trưởng Phạm Thiện Kế (tức Thoàn) sau khi bị địch bắt và dụ dỗ, đã mắng vào mặt kẻ thù: “Tao không có tội gì, chết Thoàn này còn trăm Thoàn khác” rồi đập đầu vào đá hy sinh; đồng chí Mai Văn Vượng, đảng viên của chi bộ Đông An (xã Xuân Thành) được điều về làm Bí thư chi bộ xã Xuân Thượng đã hy sinh oanh liệt; Xã đội trưởng Phạm Đức Nhạ, trong tình huống kẻ địch bất ngờ xuất hiện, đã nhanh chóng cất giấu tài liệu, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; nữ chiến sĩ du kích Phạm Thị Nhuần đã từ dưới hầm nổ súng, quăng lựu đạn tiêu diệt địch, trước lúc hy sinh phá vũ khí để khỏi rơi vào tay địch. Nhiều gia đình đời sống kinh tế vô cùng khó khăn nhưng vẫn một lòng kiên trung ủng hộ cách mạng, tạo mọi điều kiện để cán bộ hoạt động như gia đình: bà Đào Thị Lâm (xóm Long Khê Liêu Thượng), ông Nguyễn Viết Hòa, bà Nguyễn Thị Thủy (xóm Đông Văn Phú), ông Đinh Văn Giản (xóm 2 Đông An), bà nguyễn Thị Tụ (xóm 1 Hạ Miêu)... Một số gia đình cơ sở cách mạng bị địch phát hiện, khủng bố đốt nhà, nhưng vẫn vững vàng như gia đình: ông Đinh Văn Giản thôn Đông An, ông Đào Văn Châm thôn Liêu Thượng. Tổng kết 9 năm kháng chiến chống Pháp, Xuân Thành đã được Chính phủ tặng 35 Huân, Huy chương và 82 Bằng khen cho các gia đình có công với cách mạng; 485 Huân chương, Huy chương và 75 Bằng khen cho cá nhân, gia đình ông Phạm Văn Ngữ có 4 con là liệt sĩ, được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa qua, Xuân Thành được đón nhận phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng: Danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” thời kỳ chống Pháp.

Xuân Thành hôm nay đang vững tiến trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Lý giải về sự khởi sắc của quê hương, đồng chí Bùi Đức Thịnh, Bí thư Đảng bộ xã Xuân Thành cho biết: Phát huy truyền thống vẻ vang trong các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ Xuân Thành luôn có hướng đi sáng tạo, bám sát và tích cực triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ chỉ đạo UBND và HTXNN tập trung đổi mới về tổ chức và quản lý, tích cực chuyển dịch, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, phát triển cây vụ đông trên đất 2 lúa. Năng suất lúa và sản lượng lương thực hằng năm không ngừng được nâng lên, năm 2012 đạt 120,75 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2012 đạt 3.412 tấn, bình quân lương thực đầu người năm 2012 đạt 570 kg/người/năm. Năm 2011-2012, địa phương đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM và đề án xây dựng NTM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, đã có 12/12 xóm hoàn thành giao đất trên thực địa. Công nghiệp, dịch vụ thương mại đang từng bước được phát triển. Những năm qua, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, từ năm 1991-2011 địa phương đã tập trung huy động các nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh: kiên cố hóa kênh Đồng Nê 2, đường dân sinh và đường 50 nối dài đến đê hữu sông Hồng với trị giá đầu tư hàng trăm tỷ đồng, trong đó nhân dân các xóm 2, 3, 4, 7 đã hiến hơn 6.000m2 đất và tự tháo dỡ công trình để dự án được thi công đúng tiến độ; hoàn thành xây dựng trụ sở làm việc Đảng uỷ, HĐND, UBND xã với tổng diện tích mặt bằng 7.515m2. Ngoài ra, công tác thông tin truyền thanh, y tế, giáo dục và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT của xã đều phát triển mạnh. Địa phương đã hoàn thành phổ cập tiểu học và THCS. Trường tiểu học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, hoạt động từ thiện nhân đạo như: ủng hộ xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ của huyện, Nghĩa trang Liệt sĩ địa phương, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ... được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hiện nay xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 chỉ còn 5,5%. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 95% số hộ sử dụng nước sạch, gần 50% số hộ sử dụng điện thoại cố định và nối mạng internet. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được đẩy mạnh và được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Năm 2012, có 1 xóm đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh, 2 xóm đạt danh hiệu văn hoá cấp huyện, 5 khu dân cư tiên tiến. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự ATXH và an ninh nông thôn được giữ vững và ổn định, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, cùng nhau xây dựng cuộc sống vui tươi, ấm no, hạnh phúc. Hệ thống chính trị của xã được thường xuyên củng cố, kiện toàn, ngày càng trong sạch vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ xã Xuân Thành hiện có 286 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ. Đến nay đảng bộ có 273 đồng chí được tặng và truy tặng Huy hiệu 60 năm, 55 năm, 50 năm, 40 năm và 30 năm tuổi Đảng. Đảng bộ hằng năm đều đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trong sạch vững mạnh.

Chia tay mảnh đất Xuân Thành anh hùng, tâm trí tôi vẫn tràn đầy những câu chuyện trong ký ức của người đảng viên già về lịch sử hào hùng của quê hương với những con người đã anh dũng chiến đấu với quân thù, máu của họ đã thấm vào đất mẹ quê hương, để hôm nay trên từng tấc đất Xuân Thành là cánh đồng xanh mướt, cây xanh tỏa bóng, công trình kiên cố, hiện đại... Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã biến niềm tự hào thành những hành động cụ thể để xây dựng Xuân Thành vững bước đi lên, viết tiếp những mốc son chói lọi vào trang sử địa phương./.    

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com