Vượt lên nỗi đau da cam

08:08, 09/08/2013

Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Nghĩa Hưng có 1.850 thành viên, trong đó có 98 người là nạn nhân trực tiếp mức 1 (suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên), 1.751 người bị nhiễm gián tiếp; 470 gia đình có 2 nạn nhân trở lên; đời sống các gia đình hội viên còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình, góp phần xoa dịu "nỗi đau da cam" cho các hội viên. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hội viên đã chủ động vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Bảy (bên phải), ở phố Tân Thọ, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã vượt khó vươn lên làm giàu từ cây cảnh.
Ông Nguyễn Văn Bảy (bên phải), ở phố Tân Thọ, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đã vượt khó vươn lên làm giàu từ cây cảnh.

Ở tổ dân phố Tân Thọ, Thị trấn Liễu Đề, nhiều người cảm phục tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu của ông Nguyễn Văn Bảy. Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, biên chế vào Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 271 (Quân khu 7) trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1978, ông vào chiến trường B2, chiến đấu tại các tỉnh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Căm-pu-chia. Năm 1982, do sức khỏe suy giảm, ông được phục viên về địa phương với sức khỏe bị suy giảm do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin (mức 1). Sau 9 năm tham gia chiến đấu, ông trở về quê hương với nhiều khó khăn chồng chất, bản thân lại bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Với quyết tâm không khuất phục đói nghèo, ông khai thác đất đai vườn nhà trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi lợn, gà. Năm 1990 ông đi khắp các xã có nghề trồng cây cảnh trong huyện rồi đến xã Điền Xá (Nam Trực) để học cách trồng hoa cho năng suất, chất lượng cao. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy thị trường đào và quất chỉ tập trung vào thời điểm cuối năm, vì thế trên diện tích 5 sào vườn những tháng đầu năm ông xen canh trồng thêm hoa cúc, hoa huệ; cuối năm mới tập trung trồng đào, quất phục vụ thị trường tết. Từ năm 2000 đến nay, năm nào gia đình ông cũng thu được 70 đến 90 triệu đồng. Có điều kiện kinh tế, ông đã nhiệt tình hỗ trợ những người có cùng cảnh ngộ về giống, vốn, kỹ thuật để khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Trang trại cá giống của ông Đồng Văn Vơn ở xóm 6, xã Nghĩa Châu cũng được nhiều người biết đến là địa chỉ chuyên cung cấp cá giống chất lượng cao cho các hộ nuôi thủy sản. Năm 1973, ông Vơn tham gia quân ngũ và chiến đấu tại chiến trường Bình - Trị - Thiên. Đến năm 1976, ông phục viên về địa phương với sức khỏe bị suy giảm do nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin (mức 1). Năm 1994, khi xã có chủ trương khuyến khích người dân nhận thầu các diện tích đất trũng để phát triển nghề nuôi thủy sản, ông đã quy đổi toàn bộ diện tích của gia đình về gọn một vùng để thuận tiện tổ chức sản xuất. Ông đầu tư cải tạo thành những vuông ao liền ô, liền khoảnh để nuôi cá bố mẹ và ương giống các loại cá truyền thống như trắm cỏ, trắm đen, chép, trôi, mè… Ông còn đầu tư xây dựng 4 bể ép cá giống và 2 bình ô xy hỗ trợ khách mua đi đường xa đảm bảo sức khỏe của cá giống. Trang trại cá giống của ông luôn thu hút các thương lái và người dân đến tìm mua. Để nghề nuôi cá giống đạt hiệu quả kinh tế cao, ông chủ động ương nuôi cá giống theo hình thức luân canh; tuỳ mùa vụ, thị hiếu khách hàng và tập tính từng giống mà ông lựa chọn con nuôi phù hợp. Mỗi năm ông ương được từ 8 đến 10 lứa cá giống các loại, trừ chi phí cho thu nhập 80 đến 100 triệu đồng/năm.

Cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn của các hội viên, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong huyện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin thông qua các phong trào, cuộc vận động như: “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”… Từ năm 2011 đến nay, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong huyện đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tổng số tiền 563 triệu đồng để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; cho hội viên vay 125 triệu đồng không lấy lãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng được 5 Nhà Tình nghĩa cho các hội viên nghèo, là các ông: Bùi Văn Dục, Nguyễn Văn Hưng (xã Nghĩa Minh), Nguyễn Văn Phán (xã Nghĩa Châu), Trần Văn Đăng (xã Nghĩa Lâm), Vũ Quang Tuyến (xã Nghĩa Sơn); tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hội viên vào dịp lễ, tết, lúc ốm đau, ủng hộ tiền cho con em hội viên vượt khó học giỏi… với tổng trị giá 304 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều Hội cơ sở đã tích cực vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội để tạo nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, bình quân quỹ hội toàn huyện đạt trên 500 nghìn đồng/hội viên; một số Hội cơ sở có số quỹ cao như Nghĩa Lâm, Nghĩa Thái, Nam Điền… đạt bình quân trên 700 nghìn đồng/hội viên. Nhiều hội viên được tiếp cận vay vốn từ nguồn quỹ hội để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Để nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng xã hội tích cực cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường công tác vận động hỗ trợ nguồn quỹ, tìm kiếm thêm kênh cung cấp vốn cho các gia đình hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình./.

Bài và ảnh: Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com