Một tấm gương hiếu học
Huyện Hải Hậu được thành lập đến nay đã tròn 125 năm (1888-2013). Người có công doanh điền, lập nên hai tổng Tân Khai và Quế Hải trong tổng số 6 tổng của huyện Hải Hậu là Doanh điền sứ, tiến sĩ Đỗ Phát. Ông sinh năm 1813 tại thôn Tây, xã Quần Anh Hạ, nay là xóm 8, xã Hải Bắc (Hải Hậu) trong gia đình nhà nho nghèo, bố mất sớm, mẹ phải mò cua, bắt ốc cho con ăn học.
Vốn tư chất thông minh, ông sớm bộc lộ tài năng, lực học hơn hẳn các bạn cùng trang lứa.
Năm 1838, tiến sĩ Ngô Thế Vinh (1803-1856) về làng mở trường Đại Tập, Đỗ Phát xin theo học. Thấy học trò côi cút, nhà nghèo, gầy yếu ông rất thương, để tâm dạy bảo tận tình. Đỗ Phát sớm trở thành học trò xuất sắc nhất trường. Đi học nhiều khi không có tiền mua giấy, ông phải ghép lá chuối khô làm vở, lấy gạch cua, hạt cây đốt sáng học hành. Thầy ra bài khó, trò làm bài hay, nên được thầy khen: “Phú trung đa hữu giai cú, tấm tấm hồ nhập giai cảnh” (nghĩa là: Trong bài phú có nhiều câu hay, dẫn dắt người ta vào cảnh đẹp).
Năm 1840, tại kỳ thi Hương, Đỗ Phát đậu giải nguyên (thủ khoa) rồi vượt qua thi Hội, lại khăn gói vượt hàng trăm cây số, đi bộ vào Kinh đô Huế thi Đình. Tại khoa thi Quý Mão (1843) ông đỗ Tam giáp tiến sĩ xuất thân, khi vừa tròn 30 tuổi.
Đỗ Phát khai khoa tiến sĩ ở Quần Anh, cũng là ông tiến sĩ duy nhất ở Hải Hậu dưới chế độ khoa cử thời trước.
Một vị quan thanh liêm, kinh bang tế thế
Sau khi đỗ, ông được sung chức Hàn Lâm Viện Biên Tu. Ra làm quan trong hoàn cảnh đất nước không ổn định. Ở Huế ông đã chứng kiến cảnh dân phu khắp nơi bị mộ về xây dựng lăng tẩm và các cuộc tuần du của vua chúa tốn kém. Trước nguy cơ Tổ quốc bị tư bản Pháp xâm lược, buồn về thời thế, ông lấy cớ mẹ già đau yếu xin về phụng dưỡng. Năm 1848, triều đình lại triệu ông ra bổ chức Tri phủ Ứng Hoà, rồi chuyển vào làm đốc học Nghệ An. Lúc này ở Ứng Hoà, tháng 8-1854, cử nhân Cao Bá Quát lãnh đạo hàng ngàn dân nghèo khởi nghĩa đánh chiếm phủ lỵ. Ở Nghệ An thiên tai nghiêm trọng, dân tình bị bòn rút, đói khát nặng nề. Ngày 1-9-1858, quân Pháp bắn phá, chiếm bán đảo Sơn Trà. Ở Nam Định, đốc học Phạm Văn Nghị chiêu tập thân binh, tình nguyện vào Quảng Nam chống Pháp… Tình hình đất nước đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư Đỗ Phát, lần nữa ông lại cáo quan xin về dưỡng bệnh. Trước cảnh người nước ngoài thường sang quấy nhiễu, ông đứng ra xin chiêu mộ nghĩa binh đi giữ miền Đông Bắc, rồi được phong hàm Quang Lộc Tự Thiếu Khanh, bổ làm Quốc sử quán toản tu, chủ trì trong cơ quan biên tu đương đại Quốc sử.
Bảo tàng huyện Hải Hậu trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý qua 125 năm hình thành và phát triển của huyện. Ảnh: PV |
Tháng 11-1866, Vua Tự Đức chuẩn y đặt nha Doanh điền Nam Định. Đỗ Phát được sung chức Thượng Biện Tỉnh Vụ kiêm Doanh điền Phó sứ, năm 1881 làm Doanh điền Chánh sứ. Ông đã tập hợp 117 vị Tiên Công từ 20 địa phương, tổ chức dân nghèo về khai hoang, lấn biển. Công việc vô cùng gian nan, đến 1885 đã khẩn hoang được 2.813 mẫu đất. Năm 1888 lập thành Tổng Tân Khai, hợp cùng ba tổng Quần Phương, Kiên Trung, Ninh Nhất, thành lập huyện Hải Hậu. Công việc khẩn hoang tiếp tục, đến 1895 ra đời tổng Quế Hải với diện tích 5.705 mẫu đất. Ngày nay cả hai tổng này, địa chính bao gồm 5 xã: Hải Quang, Hải Đông, Hải Tây, Hải Lý, Hải Chính. Giải đất chạy dài suốt gần 20km bờ biển, dân cư trù phú. Ven biển là những cánh đồng muối Xuân Hà, Văn Lý, Tang Điền, Kiên Chính nổi tiếng cả nước.
Tuổi cao, ông đã về nghỉ, nhưng khi thành lập huyện Hải Hậu, lại được bổ làm tri huyện đầu tiên. Với tầm nhìn xa trông rộng, ông đã chọn đất xây dựng huyện đường. Trải qua bao nhiêu công việc bộn bề, nhưng chỉ sau một năm, kiến thiết cơ bản hoàn thành, huyện đường đi vào hoạt động ổn định, ông mới chính thức nghỉ hưu.
Trải qua 45 năm làm quan, dưới 7 triều Vua Nguyễn (từ Thiệu Trị đến Đồng Khánh), kinh qua nhiều chức vụ, ông giữ vững tiết tháo nhà nho, sống thanh liêm, giản dị, đem hết tài năng kinh bang tế thế, được nhân dân tôn kính.
Một tác gia văn học, một tấm gương đạo hiếu mẫu mực
Đỗ Phát là một tác gia văn học, xứng tầm đại thụ trong “Rừng Nho” Hải Hậu. Văn ông hay, triết lý thâm sâu, đưa ông lên hàng những tác gia Hán Nôm nổi tiếng. Ông đã sáng tác nhiều thể loại: Câu đối, bia ký, thơ, phú, nhạc, giáo khoa… Những tác phẩm tiêu biểu như: Khuê phạm băng kinh (giáo khoa cho nữ giới), Hiếu Thuận Ước Ngữ (giáo khoa cho nam giới), Thuỷ Kinh Lục, Long Châu Thập bát vịnh, Tập lục Dương Đình phú, Mai Hiên thi tập, Sào Liên thi lục… phần lớn những tác phẩm của ông đều ca ngợi vẻ đẹp quê hương, kín đáo gửi gắm tâm sự về thời thế, thao thức những lo toan về công cuộc mở mang, kiến thiết ruộng đồng. Bút tích của ông nay còn ở nhiều nơi, nhất là văn bia, cùng nhiều bài ký có giá trị văn học - lịch sử quý giá.
Tiến sĩ là người đứng đầu các nho sĩ trong vùng, ông soạn văn bia, khắc “Tổng Khoa Lục” vinh danh tất cả những người có học vị trong Tổng.
Suốt đời ông thể hiện đạo nghĩa hiếu trung, người đời ví ông như tấm gương “Nhị Thập tứ hiếu”. Cha mất, để tang cha suốt ba năm ròng, không đến chỗ vui chơi. Mẹ ốm xin nghỉ việc quan về phụng dưỡng, tự tay sắc thuốc, bưng cơm, tắm rửa, giặt giũ cho mẹ… Không trực tiếp chăm sóc được thầy, ông xin gả con gái cho con thầy, để cậy con thuốc thang, săn sóc thay mình. Đối với bà con lối xóm, ông sống chan hoà, không quan dạng. Năm 1865 vỡ đê biển, ông xuất tài cử người đi đong thóc chẩn cấp cho dân bị nạn. Với các con ông giáo dục khuôn phép, các con nối trí cha học giỏi. Năm Canh Ngọ (1870) cả hai con cùng đi thi. Con cả đỗ Tú Tài, con thứ giật giải nguyên (đỗ đầu). Ở Hải Hậu, đây là trường hợp duy nhất, hai cha con đều đỗ đầu, người đời khen là: “Phụ Tử Kế giải”.
Khi ông mất, dân làng Quế Hải thờ ông làm Thành hoàng. Dân làng Quế Phương lập đền - chùa, tạc tượng, khắc bia đá tri ân. Nay nơi đây đã được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử - văn hoá. Triều đình ban tặng ông hai chữ “Quốc Lão”. Tại Kinh đô Huế khắc tên ông vào bia tiến sĩ cùng với danh nhân cả nước. Ngày nay Bảo tàng huyện Hải Hậu còn trưng bày nhiều tư liệu và bút tích của ông; ghi tên ông vào lịch sử, khắc tên ông vào bia đá cùng với các tên tuổi tiền nhân đã có công khai cơ, mở đất lập nên huyện Hải Hậu giàu đẹp ngày nay. Tên tuổi của ông còn sống mãi trong lòng nhân dân Hải Hậu./.
Trần Quang Dực
(Hải Trung - Hải Hậu)