Điêu khắc thường đi liền với các kiến trúc ,được thể hiện trên nhiều vật liệu khác nhau (gỗ, đá, gốm, đồng...) góp phần làm tôn/ tăng cái đẹp của công trình kiến trúc, nó tựa như bộ phận gắn liền, hữu cơ, không thể thiếu của các công trình kiến trúc. Bên cạnh đó, phần quan trọng của điêu khắc cũng được thể hiện trên các đồ vật riêng lẻ hoặc trên những đồ vật trang trí chuyên biệt: Chuông đồng, khánh đá (hoặc đồng) bia đá, câu đối, đại tự giường thờ, khám thờ...
Điêu khắc trên gỗ: Gỗ hầu như là vật liệu phổ biến nhất, để thoải mái trổ tài năng, biểu hiện trình độ và gửi gắm những ý tưởng thẩm mỹ của các nghệ nhân Nam Định. Trong bất kỳ một kiến trúc cổ truyền nào ở Nam Định cũng có thể bắt gặp với những quy mô và mức độ khác nhau những điêu khắc gỗ. Trong rất nhiều những điêu khắc gỗ, khó có thể quên bộ cửa chùa Phổ Minh với những nét chạm trổ tỉ mỉ, trau chuốt mà khoáng đạt những nét vùng vẫy của rồng mẹ, rồng con, sự mềm mại và uốn lượn của sóng nước cùng với những cánh hoa to rộng như vượt ra ngoài không gian bộ cửa mang dấu ấn nghệ thuật của thế kỷ XVI. Các các mảng điêu khắc gỗ khác như các hàng xà, đố lụa, cánh cửa, các bức thuận... của đền Hưng Lộc- Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng hay chạm trên tam quan gác chuông chùa Keo Hành Thiện, Xuân Trường mang dấu ấn nghệ thuật thế kỷ XIII.
Các bức chạm kênh bong ở xà, giường, mê cốn ở đình Sùng Văn, Mỹ Thuận, Mỹ Lộc; các bộ cửa gỗ của đền Đá, Tân Thịnh, Nam Trực; đền Đồng Quỹ, Nam Tiến, Nam Trực... là sản phẩm của điêu khắc gỗ thế kỷ XVIII.
Các khắc gỗ ở hoành, xà bẩy đền Giáp Nhất, Quang Trung, Vụ Bản; bộ khám thờ của Từ đường họ Lã, Thượng Đồng, Yên Tiến Ý Yên... được chạm trổ vào thế kỷ XIX.
Điêu khắc trên đá: thường gặp trên các bộ phận, các chi tiết kiến trúc như cột, bệ kê chân cột, tường, lan can, bia đá, nhạc khí, đồ thờ tự...
Có thể kể tới những điêu khắc ở:
- Chùa tháp Chương Sơn với cửa bó đá tạc những lớp "sóng hình núi", các vũ nữ thiên thần, rồng, tượng Phật, đài sen... để lại dấu ấn quý hiếm về nghệ thuật tạo hình trên đá thời Lý không chỉ riêng của vùng đất Nam Định.
Bệ đá chạm rồng Thời Lý – báu vật của phế tích Chương Sơn, hiện đang được lưu giữ ở chùa Nề (Long Chương tự). |
Những điểm nhấn sắc nét và điển hình của điêu khắc, tạo hình trên đá thời Trần ở Nam Định thể hiện ở những con rồng đá thân doãng khúc và những cái đầu nảy sừng, taị các thành bậc cửa, đài sen vuông với những cánh sen kép, mũi cánh nhô ra thành hình vân xoắn, lòng cánh sen theo hình hoa cúc cách điệu ở tháp Phổ Minh, những chân tảng chạm hoa sen, những chú sóc đá ở khu vực chùa Đệ Tứ, Lộc Hạ, ngoại thành Nam Định
Những chạm khắc đá trên các bộ cửa võng ở Đền Đá thôn Nam Hà, Tân Thịnh, Nam Trực; những ngưỡng đá ở đền Đồng Quỹ - Nam Trực; hình long, ly, quy, phượng trên cột đá Đền Nam Lạng (Trực Ninh)... là nghệ thuật điêu khắc đá của thời Hậu Lê.
Không thể không nói tới những đường nét điêu khắc chữ và hoa văn trang trí tinh xảo, tỉ mỉ của hàng trăm tấm bia đá trong các di tích kiến trúc cổ ở Nam Định. (Theo thống kê ban đầu chưa đầy đủ của Bảo tàng tỉnh, cho đến năm 2001 còn lại 585 tấm bia đá). Trong số đó phải kể tới những tấm bia có niên đại sớm như: tấm bia thời Lý tại chùa Nghĩa Xá - Xuân Ninh, Xuân Trường, tấm bia đá tại đình Cao Đài niên hiệu Hưng Long thứ nhất (1293).
Điêu khắc trên đồng: Tuy số lương ít hơn những điêu khắc gỗ và đá, nhưng truyền thống trang trí (đúc, chạm khắc) trên đồ đồng của người Việt ở Nam Định qua những trống đồng Côi Sơn vẫn được tiếp tục trên hàng trăm các chuông đồng, các tượng đồng, vật dụng để thờ ở các đình, đền, chùa, miếu.
Đền làng Đồng Quỹ- nơi có nghề đúc đồng truyền thống, có những hiện vật đồng: tượng Triệu Quang Phục sơn son, thếp vàng, ngồi trên sập cao 1,60 m. Chiếc vạc đồng cao 0,85 m, nặng 180 kg, khắc bầu rượu, túi thơ, quả vả, cuốn thư.
Một mảng điêu khắc, trang trí phổ biến và đặc sắc khác là các loại gốm, đồ đựng, đồ ăn, gạch ngói xây dựng, đồ thờ tự rất phong phú của các thời kỳ. Đặc biệt phải kể đến sưu tập các loại đồ gốm gia dụng của thời Trần với những hoa lá khắc chìm được phủ lên bằng các loại men trắng, rạn nâu, ngọc, ngà.
Chủ đề điêu khắc phản ảnh:
Được thờ phụng chủ yếu trong các Chùa tháp, Đình, Đền, Lăng, Miếu... là tượng các vị Phật, Thần, Thánh. Bên cạnh những tượng - tượng trưng có những tượng phản ảnh tài hoa điêu khắc, tạc hoặc đúc của nghệ nhân. Các Apsara (vũ nữ thiên thần) múa trên các thành bạc đá ở cửa tháp Chương Sơn (Ý Yên). Những pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ và mang tính nghệ thuật cao của thế kỷ XVI ở chùa Phổ Minh: tượng Phật nhập niết bàn - tương truyền là tượng vua Trần Nhân Tông, tượng Văn Thù bồ tát, Phổ Hiền bồ tát, Tiên đồng Ngọc nữ, công chúa Mạc... Tượng Hộ pháp bằng đá ở chùa Nam Lạng (Trực Tuấn - Trực Ninh), tượng Thiền Sư Không Lộ - chùa Keo Hành Thiện và các pho tượng Hộ pháp, tượng Phật của chùa Đại Bi, chùa Lương...
Bên cạnh những tượng Phật, Thánh thần, các tổ nghề thủ công, tổ khai sáng làng ấp, hình tượng con người lao động bình dị, cảnh sinh hoạt dân dã trở thành chủ đề gần gũi được thể hiện trong các công trình kiến trúc điêu khắc ở Nam Định: cảnh hái dừa (đình Hoà An), cảnh chèo thuyền ở chùa Đệ Tứ, Đệ Tam. Đặc biệt là cảnh thuyền buôn và đoàn thuỷ thủ được nhìn từ phía sau trong những chiếc mũ rộng vành, áo khoác dài tới gối, quần rộng ống, dài đến mắt cá chân - gợi lên hình ảnh của một vùng sông nước mở cửa tiếp xúc với bên ngoài.
Những cảnh sinh hoạt của trai gái làng cũng được phác hoạ: ở đền Đệ Tam chạm ba cô gái khoả thân, tóc dài, hai người trước nghiêng khép chân, người còn lại đứng, nhìn thẳng, hai bàn tay cầm lá sen che chỗ kín. Người đàn ông áo thụng, nắm tay cô gái, tay khác đang đưa vào ngực cô gái. Ngay trong cung cấm của đền Hưng Lộc (Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng) là bức chạm trai gai tình tự, mà dân gian quen gọi là bức "bốn nụ cười". Trên khóm "trúc hoá long" là cảnh tiên cưỡi rồng, còn phía dưới là cảnh bốn người, mà trung tâm là người con trai đóng khố ôm vai người con gái vận yếm, đứng yên, e thẹn với túi trầu giữ hờ trên tay. Một người con trai tay phải chống về phía sau, tay trái chỉ về phía đôi trai gái, cười hở cả hàm răng khểnh, lộ cả cái rốn sâu, trong khi một ông già bên cạnh người con gái lại ngoảnh mặt đi chỗ khác.
Các linh vật hay những con vật mà tư duy dân gian coi chúng có những khả năng siêu phàm, chi phối cuộc sống trần thế là biểu tượng của những quyền uy: long, ly, quy, phượng.
Rồng: Rồng ổ thời Lý ở chùa Chương Sơn; đôi rồng võng lưng kiểu yên ngựa, với những yếu tố thú như chạc, tai, mũi sư tử... quanh đầu đuôi trong thớt tròn - tượng trưng cho bầu trời, chầu về một vành mặt trời ở trung tâm lần đầu tiên được biết đến trong mỹ thuật Việt Nam trên trần tháp Phổ Minh thời Trần. Những con rồng của thế kỷ XVII, tỏa râu hình lá hoả, rừng rực, khoẻ mạnh, thân rồng ẩn hiện uyển chuyển trong lớp mây lá, quấn quýt những chú rồng con (mẫu long giáo tử) được chạm khắc tinh vi trên những con giừơng, bộ cánh cửa của đền Hưng Lộc (Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng), những cảnh rồng lấy nước, cuốn cao, voi ngậm đuôi rồng ở đình Sùng Văn...
Lân thuộc loại sớm trong kiến trúc ở Việt Nam là những con lân đỡ đài sen trong chùa Chương Sơn và trên những đầu dư đền Hưng Thịnh...
Phượng múa giữa những lá, hoa, chim thần, sóng nước ở tháp Chương Sơn. Ở đình Ruối (Ngọc Chuế- Ý Yên) có cảnh Phượng ngậm cành hoa; ở đền Hưng Thịnh có cảnh phượng chầu hổ phù. Bên cạnh linh vật, trong kiến trúc, điêu khắc Nam Định còn thể hiện không ít những thú, chim: voi đá ở đền Hưng Thịnh; chồn, sóc (đình Cao Đài); khỉ (tháp Chương Sơn), cá (đền Hưng Thịnh), nghê đá, chồn đá (chùa Nghĩa Xá- Xuân Ninh, Xuân Trường); rắn (đình Tiên Chưởng- Vụ Bản)...
Hoa văn, cây cỏ hoa lá: là những trang trí thường gặp nhất trên các công trình điêu khắc cổ. Hoa sen xuất hiện sớm và trở thành hình ảnh quen thuộc trong các kiến trúc, điêu khắc Nam Định. Trên bệ Phật chùa Chương Sơn đời Lý có những hoa sen 4 lớp cánh chồng ken nhau. Giữa từng cánh hoa của hai lớp trên chạm rồng chầu lá đề, lòng cánh hoa dưới chạm hoa dây.
Trên công trình kiến trúc, trang trí đời Trần như tháp Phổ Minh, cồn đá Lộc Hạ với những bệ đá, chân tảng đá kê cột chạm hoa sen. Trên thạp gốm cùng thời, bông sen gần gũi với xu hướng tả thực giản dị, sinh động. Bông sen chính với hai cánh gần nụ ôm vào với vài cánh bên vươn ra uốn mềm, cuốn hoa lượn cong... được chạm chìm, hai nụ hoa ở hai bên. Hình tượng hoa sen tiếp tục ở các thế kỷ sau trong các công trình kiến trúc như ở chùa Keo (Hành Thiện), đền Hưng Thịnh...
Tùng, trúc, cúc, mai và những biến cách của nó như "trúc hoá long"cũng thường được gặp trong nhiều công trình như một mảng đề tài gần gũi của các nghệ nhân.
Theo: Địa chí Nam Định