Chuyện về một gia đình cách mạng

06:08, 16/08/2013

Trọn một buổi chiều thu Tháng Tám nắng vàng dìu dịu, trong căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn giữa khu phố Bạch Đằng, phường Phan Đình Phùng (TP Nam Định), chúng tôi được bà Ngô Thị Vân kể cho nghe về truyền thống cách mạng của gia đình, về quãng đời hai vợ chồng bà cùng hăng hái tham gia hoạt động cách mạng ở vùng quê Xuân Trường, “cái nôi” cách mạng của phía nam Nam Định. Dù đã bước vào tuổi 85, tóc bạc, da mồi nhưng bà Ngô Thị Vân vẫn còn giữ được những nét đẹp của một thời xuân sắc, đặc biệt là trí nhớ của bà còn rất minh mẫn, những chuyện ngày xưa, thời kỳ mà bà cùng ông “kiên gan, bền chí” tham gia hoạt động trong vùng địch hậu, bà vẫn khắc ghi trong thẳm sâu tâm trí như một dấu ấn không bao giờ phai mờ. Thoáng chút trầm tư nhớ về người chồng đã khuất, bà Vân chậm rãi trải lòng mình trở về những ngày tháng sục sôi khí thế cách mạng của 68 năm về trước. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, xã Xuân Nghiệp (nay là xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường), ngay từ khi còn nhỏ bà đã được chứng kiến sự đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự lầm than cơ cực của người dân quê mình, tình cảnh đó đã càng làm nung nấu trong bà quyết tâm lớn lên sẽ tham gia cùng các bậc cha chú trong làng đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Vừa tròn 16 tuổi, cái tuổi trăng rằm, bà Ngô Thị Vân bắt đầu những ngày tháng đầu tiên tham gia phong trào cách mạng ở ngay tại quê hương mình. Đó là vào cuối năm 1944, đầu năm 1945, khi cao trào cách mạng với khí thế sục sôi ăn sâu, lan rộng khắp các vùng quê trong tỉnh, sau những ngày đầu chập chững nhưng với lòng gan dạ, dũng cảm và lòng căm thù giặc sâu sắc, bà đã nhanh chóng trưởng thành, thể hiện rõ “tố chất” tiềm ẩn của một chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Bà Ngô Thị Vân kể cho con trai nghe về truyền thống cách mạng của gia đình.
Bà Ngô Thị Vân kể cho con trai nghe về truyền thống cách mạng của gia đình.

Trong những ngày tháng hoạt động sôi nổi đó, bà Ngô Thị Vân đã quen và kết duyên cùng ông Nguyễn Xuân Sinh, là người cùng quê và cùng tích cực tham gia hoạt động với bà từ những ngày đầu. Gia đình chồng bà là một gia đình có truyền thống cách mạng, cụ thân sinh ra ông Nguyễn Xuân Sinh là cụ Nguyễn Xuân Lâm (tức Ký Lầm), là một trong những “hạt nhân” tham gia sáng lập và được bầu là tổ trưởng tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở vùng Xuân Trường - Giao Thủy; cụ Nguyễn Xuân Lâm là một trong 3 người đầu tiên (cùng cụ Nguyễn Trường Thúy và cụ Phạm Ry) tham gia thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Thọ Nghiệp được thành lập ở chùa Tự Lạc, cụ là một trong những đảng viên hoạt động tích cực, kiên trung và bị địch khủng bố, truy lùng gắt gao, kể cả lúc bị địch bắt, tra tấn dã man rồi bị đày đi Côn Đảo, cụ vẫn giữ vững khí tiết của một chiến sĩ cách mạng, tiếp tục vận động, tập hợp anh em trong tù tham gia đấu tranh. Biết bao nhiêu lần địch bắt giam, cụ bị di chuyển đi nhiều nhà giam nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường của cụ. Được ra tù cụ lại lao vào hoạt động và trong những ngày cách mạng Tháng Tám sục sôi, cụ Nguyễn Xuân Lâm đã dẫn đầu đoàn quân giành chính quyền ở Giao Thủy và được bầu là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Giao Thủy. Cùng với cụ Nguyễn Xuân Lâm, hai em ruột của cụ là Nguyễn Xuân Kỷ và Nguyễn Xuân Khải, cũng là hai đảng viên cách mạng kiên trung tham gia hoạt động tích cực ở vùng quê Xuân Trường. Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Xuân Kỷ được bầu là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời huyện Xuân Trường. Noi gương cha và các chú, ông Nguyễn Xuân Sinh đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ thuở niên thiếu. Những ngày cha bị địch bắt đi đày ở Thái Nguyên, ông được anh trai bà Ngô Thị Vân là Ngô Doãn Trọng (là đảng viên, bị cường hào đe dọa, phải di cư lên Thái Nguyên) dẫn đi thăm cha và ông đã ở lại đó hoạt động; trở thành liên lạc viên tích cực chuyển thư từ, tài liệu của các bác, các chú trong tù để ông Trọng mang về quê để giữ vững mối liên lạc với tổ chức và thông báo tình hình ở quê nhà cho cha. Khi cha được ra tù, ông Sinh lại cùng cha về quê hoạt động, tham gia vào Hội Thanh niên cứu quốc, làm giao liên tích cực với nhiệm vụ chuyển và cất giấu tài liệu, nắm tình hình, nhanh chóng báo tin cho các cán bộ Việt Minh tránh sự truy đuổi gắt gao của kẻ thù rồi truyền tin cho các đồng chí cán bộ họp bàn các công việc quan trọng chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Trong những ngày khởi nghĩa sục sôi giành chính quyền mùa thu năm 1945, ông đã theo cha và các chú đi đánh chiếm đồn Lạc Quần và giành chính quyền ở Giao Thủy. Từ một giao thông viên, ông Sinh dần dần được tín nhiệm giao thêm một số nhiệm vụ công tác quan trọng. Đến năm 1952, ông được kết nạp Đảng, tham gia chi ủy và hăng hái tham gia các hoạt động, vừa bí mật, vừa công khai của phong trào đấu tranh kháng Pháp ở xã Thọ Nghiệp. Sát cánh cùng chồng trong những ngày hoạt động sôi nổi ấy, bà Ngô Thị Vân đã kiên cường “bám đất, bám làng”, thể hiện rõ khí chất kiên cường, gan dạ của một nữ chiến sĩ cách mạng. Bà đã không sợ hiểm nguy, dũng cảm tiếp bước các bậc cha chú tham gia vào phong trào thanh niên trong xã hoạt động trong vùng địch hậu chờ thời cơ tiến lên giành chính quyền. Bà tham gia Ban tiếp tế, làm công tác hậu cần phục vụ, chuẩn bị cho các lực lượng tham gia giành chính quyền. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà hoạt động trong Đoàn Thanh niên cứu quốc, làm chi hội trưởng Phụ nữ kiêm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Nghiệp rồi tham gia vào lực lượng du kích của xã, làm xã đội trưởng... Những nỗ lực của bà Vân trong suốt quá trình hoạt động từ trước Cách mạng Tháng Tám đã được tổ chức ghi nhận, năm 1947, bà được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 1949, khi quân Pháp tràn vào chiếm đóng quê hương, hầu hết cán bộ, đảng viên, dân quân du kích bị giặc vây bắt, bà được cử sang Thái Bình học lớp chi ủy rồi trở về vùng tề được bà Đinh Thị Vân (lúc đó là Huyện ủy viên Xuân Trường) giao công tác gây cơ sở ở xã. Bà là một trong những đảng viên hoạt động tích cực, gây dựng phong trào kháng Pháp ở xã và là “cái gai nhức nhối” trong mắt quân thù. Quân địch ngày đêm tìm mọi cách bắt bà hòng đàn áp phong trào. Giữa năm 1950, bà bị địch bắt và bị giam ở nhà tù Lục Thủy. 18 tháng bị giam cầm trong nhà tù với biết bao cực hình, biết bao đòn tra tấn dã man nhưng không thể làm lung lạc tinh thần và ý chí kiên cường của người nữ đảng viên. Vượt lên trên tất cả những đau đớn, thử thách, bà Ngô Thị Vân vẫn tích cực hoạt động, phụ trách khối phụ nữ trong nhà lao, liên lạc nắm tình hình bên ngoài, tuyên truyền, vận động các anh em trong tù giữ vững niềm tin và ý chí chiến đấu. Đến tháng 11-1951, bà được trả tự do và tiếp tục trở về hoạt động trong phong trào của xã cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi. Và trong suốt những năm tháng sau đó, bà vừa tích cực hoạt động trong các phong trào ở xã, vừa là hậu phương vững chắc, chăm lo nuôi dạy con cái để chồng yên tâm tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Ông được điều động lên Tây Bắc làm công tác vận động đồng bào các dân tộc ở Khu tự trị Thái - Mèo rồi vượt Trường Sơn cùng lực lượng Thanh niên xung phong sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào. Sau những năm tháng quân ngũ, ông về làm công tác Bảo vệ chính trị nội bộ của Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh cho đến khi nghỉ hưu. Với những thành tích đạt được, ông Nguyễn Xuân Sinh được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Ba, Huân chương It-xa-la hạng Nhất (của nước CHDCND Lào). Với bà Vân, sau quãng thời gian tham gia công tác ở quê nhà đến năm 1967 bà được chuyển lên công tác ở Sở LĐ-TB và XH tỉnh cho đến khi nghỉ hưu. Bà Ngô Thị Vân đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. 85 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, trải qua biết bao biến thiên thăng trầm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bà Ngô Thị Vân vẫn một lòng trung thành với Đảng; luôn nêu gương sáng của một đảng viên gương mẫu, giáo dục cháu con gìn giữ nền nếp, truyền thống của gia đình, trở thành những người có ích cho xã hội.

Thời gian trôi đi với những thăng trầm, bộn bề lo toan của cuộc sống, đến giờ đã ở vào buổi chiều xế bóng của cuộc đời nhưng mỗi lần kể cho con cháu nghe về những thời khắc đáng nhớ của mùa thu Tháng Tám lịch sử 68 năm về trước, trong lòng bà Ngô Thị Vân vẫn trào dâng nỗi xúc động, bồi hồi như mới ngày hôm qua./.

Bài và ảnh: Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com