Những tài liệu còn lại đến ngày nay cho biết, từ thế kỷ XI dưới triều Lý, nền văn học viết Nam Định đã bắt đầu phát triển. Cũng giống như tình hình phát triển văn học chung của cả nước thời bấy giờ, các tác giả văn học thường là các nhà sư.
Ở thời Lý, đội ngũ sư tăng đã rất đông đảo. Hai nhà sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải từng nổi tiếng về đường tu hành và tác phẩm văn học có giá trị, nhưng thể hiện nét đặc sắc của thơ ca thời Lý. Đó là những tư tưởng triết lý của đạo Phật được thể hiện thông qua những hình tượng thiên nhiên và cuộc sống con người giàu chất thơ.
Nhà sư Dương Không Lộ trong khi giảng giải cho các đệ tử về cảm quan vũ trụ mênh mông của đạo Phật có bài thơ "Ngôn hoài" nổi tiếng:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thượng cô phong đính
Trường khiếu nhât thanh hàn thái hư
Dịch thơ:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Thú quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng quạ kêu vang lạnh cả người
(Kiều Thu Hoạch dịch)
Nhà sư Nguyễn Giác Hải thì giảng giải về lẽ "sắc không" trong triết học Phật giáo qua bài thơ "Hoa điệp":
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kì
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mặc tu hoa điệp hướng tâm trì.
Dịch thơ:
Xuân sang, hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng, hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo
Thây hoa, mặt bước để lòng chi.
(Ngô Tất Tố dịch)
Có thể nói rằng, hai nhà sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải thuộc về lớp người đã đặt nền móng cho nền văn học viết của đất Sơn Nam hạ xưa và Nam Định ngày nay.
Đến thế kỷ XIII - XIV dưới triều Trần, nền văn học viết Nam Định có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều tác giả lớn để lại nhiều tác phẩm có giá trị lâu dài.
Nhà Trần xây dựng và hoạch định phương hướng phát triển hương Tức Mặc thành một trung tâm chính trị kinh tế, văn hoá ở phía Nam Thăng Long, tạo thế phát triển vững chắc cho cả nước thời bấy giờ.
Vì vậy, năm 1239, nhà vua sai nhập nội thái phó Phùng Tá Chu về tổ chức việc xây dựng cung điện, nhà cửa ở hương Tức Mặc mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, về văn học nói riêng ở vùng đất quê hương nhà Trần này. Đến năm 1262, Thiên Trường trở thành nơi làm việc, nghỉ ngơi và sáng tác thơ ca. Chùa chiền vừa là chỗ tu hành, vừa là nơi các nhà sư ngâm vịnh và sáng tác.
Từ giữa thế kỷ XIII trở đi, cùng với việc phát triển nền văn học Thăng Long, các vua quan nhà Trần đã tạo dựng nền văn học Thiên Trường (Nam Định ngày nay), với nhiều nhà thơ nổi tiếng và những tác phẩm thơ ca bất hủ. Đa số các vua Trần đều có thi tập, trong đó Trần Nhân Tông, ông vua thi sĩ, xứng đáng giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử thơ ca dân tộc.
Sau Trần Nhân Tông, các vua từ Anh Tông, Minh Tông đến Nghệ Tông bằng những tiếng nói riêng của mình đều có đóng góp vào sự phát triển của văn học thời Trần trên vùng đất Nam Định.
Cùng với các nhà vua, các quan đại thần, các tướng lĩnh trong hoàng tộc mỗi khi về thăm, làm việc, nghỉ ngơi ở Thiên Trường đều có sáng tác thơ ca hoặc viết sách về Phật học và các khoa học khác.
Trần Quốc Tuấn với bài "Hịch tướng sĩ" bất hủ, Trần Quang Khải với "Phò giá về kinh", Trần Nguyên Đán với nhiều sáng tác về Thiên Trường... là những tác giả lớn của văn học cả nước nói chung và văn học Nam Định nói riêng.
Đến cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, nhà Trần suy thoái rồi sụp đổ. Hồ Quý Ly giành được ngai vàng, nhưng chỉ được 7 năm rồi bị quân nhà Minh đánh bại. Đất nước rơi vào thảm cảnh dưới ách đô hộ của nhà Minh. Người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã lãnh đạo toàn dân nổi dậy khởi nghĩa. Sau 10 năm chiến đấu, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước. Nền văn học Thăng Long và của cả nước lại phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên ở Nam Định thì từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII văn học không còn phát triển mạnh như ở thời Trần. Vẫn còn nhiều người thi đỗ tiến sĩ và cả trạng nguyên, nhưng không khí sáng tác thơ văn thì không còn sôi nổi như ở giai đoạn trước.
Theo các nguồn tư liệu hiện còn, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII ở Nam Định chỉ có khoảng 20 tác giả mà nổi bật là Lương Thế Vinh, Phạm Đạo Phú, Đặng Phi Hiển, Tống Hân, Trần Kỳ, Vũ Vĩnh Trinh, Nguyễn Địch, Phạm Ngộ Hiên, Vũ Huy Trác...
Lương Thế Vinh (1441- 1496) là người đầu tiên ở Việt Nam biên soạn sách "Đại thành toán pháp", đã thất truyền. Ông nghiên cứu về Phật học và nghệ thuật. "Hí phường phả lục" là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về sân khấu. Ông được vua Lê Thánh Tông cử giữ chức Tao Đàn sái phu (chuyên về đánh giá, phê bình, biên tập thơ ca trong hội Tao Đàn).
Thế kỷ XIX, là thời kỳ nở rộ của văn học Nam Định. Trên 40 tác giả với hàng nghìn tác phẩm xuất hiện đã khiến cho Nam Định trở thành một trong những trung tâm lớn của văn chương nước nhà.
Về mặt thể loại, có thể nói chưa bao giờ văn học Nam Định phong phú như ở giai đoạn này. Ngoài thơ (viết bằng thể đường luật) đã xuất hiện nhiều văn xuôi (dạng thực lục, chưa có tiểu thuyết). Nhiều tác giả có văn tập và xuất hiện nhiều công trình khảo cứu về lịch sử, văn hoá, văn học.
Về đội ngũ tác giả, chủ yếu vẫn là những người xuất thân khoa bảng nhưng có tác giả nổi tiếng mà đỗ đạt không cao. Ở hai vùng Xuân Trường, Ý Yên đội ngũ tác giả đông đảo có kiến thức uyên bác và có tài thơ văn đa dạng. Đặc biệt ở huyện Xuân Trường có làng Hành Thiện là một trung tâm văn học lớn với nhiều nhà khoa bảng lừng danh và nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Riêng dòng họ Đặng đã đóng góp nhiều tác giả và hàng trăm tác phẩm có giá trị. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng đã lập ra thư viện gia đình là thư viện Hy Long lớn nhất Bắc kỳ thời bấy giờ. Con trai của ông là Đặng Xuân Viện không đi theo con đường cử nghiệp mà tập trung trí tuệ vào việc khảo cứu lịch sử, văn hoá đồng thời viết sách địa chí. Khối lượng sách sáng tác và biên khảo đồ sộ của hai ông chiếm một vị trí quan trọng trong kho tàng văn hoá Nam Định và cả nước.
Ở các địa phương khác trong tỉnh cũng đều có những tác giả nổi tiếng: ở Nam Trực có Ngô Thế Vinh, Vũ Hữu Lợi; ở Ý Yên có Phạm Văn Nghị, Lã Xuân Oai; ở thành phố Nam Định có Trần Bích San, Trần Tế Xương... Nhiều người trong số họ đã có những vị trí xứng đáng trong lịch sử, văn học dân tộc.
Ở giai đoạn này, chữ quốc ngữ bắt đầu phát triển nhưng hầu hết các tác giả vẫn viết bằng chữ Hán, Nôm. Trần Tế Xương chỉ viết bằng chữ Nôm, trở thành bậc "thần thơ, thánh chữ", vượt lên đứng vào hàng ngũ các tác giả lớn nhất của văn học Việt Nam. Đặng Xuân Viện, tuy sinh năm 1880 nhưng ông tập trung viết nhiều vào những năm đầu thế kỷ XX, dùng nhiều chữ quốc ngữ.
Tuy các tác phẩm chủ yếu vẫn được viết bằng chữ Hán, Nôm, nhưng các tác giả rất ít dùng điển cố nên người đọc dễ tiếp nhận. Cố nhiên, những tác phẩm được viết bằng chữ Nôm vẫn được lưu truyền rộng rãi so với những tác phẩm chữ Hán.
Nội dung văn học giai đoạn này có nhiều xu hướng. Xu hướng tập trung ngợi ca truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương đất nước như Đặng Xuân Bảng, Đặng Xuân Viện, Ngô Thế Vinh... Ngô Thế Vinh là người viết nhiều thơ phú về chính quê hương Bái Dương của ông. Các tập "Bái Dương phú lược", "Bái Dương thi tập", "Bái Dương thư tập" chứa đựng lòng yêu quê hương, đất nước rất sâu đậm của ông.
Xu hướng thể hiện tinh thần yêu nước, chống xâm lược là xu hướng có tính chiến đấu cao trong văn học giai đoạn này. Đại diện là các nhà thơ Phạm Văn Nghị, Lã Xuân Oai, Trần Văn Gia, Đặng Đoàn Bằng... Tiêu biểu nhất là Phạm Văn Nghị, một nhà sư phạm mẫu mực đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước như: Nguyễn Khuyến, Trần Bích San... Lời thơ của ông chứa đựng hào khí bất khuất của dân tộc:
Tây Nhung hà sự xâm Chu cảnh
Chỉ nhật thiên qua toả tích trần
Dịch thơ:
Giặc Tây sao dám phạm bờ cõi
Chẳng mấy gươm trời quét sạch bay
(Nguyễn Văn Huyên dịch)
Triều Nguyễn bất lực, các cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của nhân dân ta lần lượt bị thất bại, đất nước rơi dần vào ách thống trị của thực dân Pháp. Vì vậy, xu hướng yêu nước chống xâm lăng trong văn học Nam Định ở thế kỷ XIX cũng chuyển dần thành tâm trạng u hoài, xót xa cho cảnh nước mất, nhà tan.
Xu hướng trào phúng tuy không có nhiều tác giả tham gia nhưng có nhiều tác phẩm có giá trị lâu dài. Tú Xương là người đi đầu cho xu hướng này. Những tác phẩm sáng tác bằng chữ Nôm phản ánh chân thực xã hội nửa thực dân nửa phong kiến trong cuộc sống Âu hoá, lai căng... đã được truyền bá rộng rãi. Thơ Trần Tế Xương mang đậm sắc thái thị thành Nam Định trong giai đoạn lịch sử nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX:
"Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài, đất bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà"
(Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu)
Thơ ông cũng là loại thơ giàu chất phóng sự nhất trong thơ ca dân tộc. Cùng với Nguyễn Khuyến (ở Hà nam), Trần tế Xương đã trở thành ngôi sao sáng chói trong thơ ca hiện thực trào phúng Việt Nam.
Theo: Địa chí Nam Định