Tư tưởng tín ngưỡng Đạo giáo... sẵn có từng phần lớn trong nhân dân Việt Nam từ nguyên thuỷ, và trong cả quá trình lịch sử, người Việt Nam chưa có lúc nào tạo ra một cái tên chung để đặt cho loại tư tưởng tín ngưỡng đó, duy những người nghiên cứu nhận thấy tư tưởng tín ngưỡng đó cùng bản chất với Đạo giáo nên xếp vào một loại. Vì thế trên thực tế không dễ dàng phân chia rạch ròi những tín ngưỡng cổ truyền với Đạo giáo.
Từ khoảng cuối thế kỷ II, khi xã hội Trung Hoa rối loạn bởi chính quyền Đông Hán chao đảo dưới áp lực của các cuộc nổi dậy của nông dân, Đạo giáo theo chân những người phương Bắc, trong đó có nhiều đạo sĩ luyện phép trường sinh, tìm đường sang lánh nạn vào Việt Nam. Đạo giáo đã tìm thấy ở mảnh đất phía nam, nơi mà tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu. Vì thế, Đạo giáo mà trước hết là Đạo giáo phù thuỷ, đã thâm nhập nhanh chóng và đan quyện như đến hoà lẫn với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền.
Sau Bắc thuộc, Đạo giáo đã rất phát triển ở Nam Định. Theo truyền thuyết, Thần tích về đức thánh Minh Không, Giác Hải - được thờ nhiều ở Nam Định, nhất là vùng Giao Thuỷ xưa (vùng Nam Trực, Trực Ninh, phần Xuân Trường ngày nay). Đó là một thánh Minh Không giỏi phép thuật, biến hoá khôn lường biết rút đường, biến nón thành thuyền, biến bị đẫy thành kho, biết chữa bệnh cho vua, cho dân, tiễu trừ yêu quái...
Thời Trần, dấu tích hay niềm tin ma thuật qua tục chạm trổ vào người từ thời xa xưa vẫn tiếp tục và thể hiện rất rõ. Toàn thư ghi: "Khi mới dựng nước - lập triều Trần, quân lính đều thích hình rồng ở bụng, lưng và hai đùi, gọi là vẽ rồng. Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta thích hình rồng ở mình, cho là thuồng luồng biển sợ hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng lồng không dám phạm tới, cho nên gọi là vẽ rồng". Bản thân Thượng hoàng Trần Minh Tông ý thức rất rõ điều này khi nói với vua Trần Anh Tông và Hưng Đạo Vương: "Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu, đời đời ưa chuộng hùng dũng, thường thích hình rồng vào đùi, nếp nhà theo nghề võ, nên thích rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".
Không ít các nhân vật của vương triều Trần cũng tin dùng và để tâm nghiên cứu Đạo giáo. Trần Thủ Độ (năm 1248): "sai những nhà phong thuỷ đi khắp các núi sông trong nước, chỗ nào có vượng khí thì dùng thuật để trấn áp...".
Trần Nhật Duật: "rất ham thích Đạo giáo, thông hiểu xung điển (tức kinh điển của Đạo giáo) có tiếng là người học rộng. Khi thượng hoàng còn nhỏ tuổi, bị ốm, từng sai Nhật Duật làm bùa trấn áp cho yên. Nhật Duật mặc áo lông, đội mũ giống đạo sĩ".
Từ thế kỷ XV trở đi, Đạo giáo thường xuyên được tăng cường ở vùng đất Nam Định. Chỉ trong giai đoạn 1407- 1427 nhà Minh đã cho xây dựng những ty đạo kỳ, đao chính, đạo hội ở hầu khắp các huyện An Bản, Mỹ Lộc, Vọng Doanh, Tây Chân. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều hiện tượng của Đạo giáo, phù thuỷ ở Nam Định được gắn liền với thời Lê Thánh Tông: từ truyền thuyết về Lê Thánh Tông - ông vua thời Nho giáo cực thịnh, đi đánh phương Nam năm 1471, cầu đảo ở đền Mờm thờ Đặng Dung, đến truyền kỳ việc xuất hiện của thần Tam Danh (Tam Bành) ở Vụ Bản.
Đền Mờm: ở thôn Ngọc Chấn, thờ Đặng Dung - danh tướng của nghĩa quân thời Hậu Trần. Tương truyền, Đặng Dung từng đóng quân ở đây để chặn quân Minh, cứu dân khỏi bị nạn vỡ đê, lụt lội. Thời Lê Thánh Tông (1469 - 1497), được phong là Bát Hải Long vương bảo quốc hộ dân Đặng tướng công thượng đẳng phúc thần. Năm 1471, Lê Thánh Tông đi đánh phương Nam qua đền, mơ thấy thần nhân dâng kiếm. Mùa xuân năm sau, khi thắng giặc trở về ban tiền xây lại đền qui mô hơn.
Thần Tam Danh: tương truyền vào thời Lê Thánh Tông (1469 - 1497) ở "làng Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản có bà mẹ đẻ ra được ba cái bọc - ba anh em chân tay thân thể khuyết lẹm, hình hài đáng sợ. Cha mẹ bèn đem đi chôn mỗi đứa một chỗ. Ít lâu sau thấy có linh ứng, có công phù triều đình đánh giặc nên được vua phong là Tam Danh đại vương. Các thày phù thuỷ bèn rước về thờ".
Đặc biệt là từ thế kỷ XVII, vùng Nam Định thường xuyên là một trung tâm duy trì và phát triển của Đạo giáo. Trên địa bàn Nam Định xuất hiện hàng loạt các truyền thuyết di tích có liên quan đến Đạo giáo.
Có thể nhắc tới những truyện về: Lâm Giang thủ tướng, Đại vương ông Báo, Ba tòa Cầu gió, Bà già ở hồ Động Đình, loài tre đá ở Tam Quang, Thợ mộc làm việc ở dưới thuỷ cung, Chuyện Điền Quận công...
Đầu thế kỷ XX khi các Thiện đàn - đàn cầu tiên mọc lên nhiều nơi ở miền Bắc, thì ở vùng Nam Định cũng không ít. Nhiều nhà nho yêu nước như Nguyễn Thượng Hiền, Đặng Xuân Bảng chủ trương phong trào này.
Trong Đạo giáo Việt Nam, bên cạnh các vị thần phổ biến của Đạo giáo như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Huyền Thiên Trấn Vũ, người Việt Nam còn tạo dựng và tôn thờ nhiều các vị thần khác như Đức Thánh Trần, Bà chúa Liễu, Thần Độc Cước, Ông Tam Bành, Ông Năm Dinh. Quan Lớn Tuần Tranh... Trong các vị thần người Việt này, chính những thánh, mẫu nổi tiếng nhất, phổ biến nhất lại "sinh" ở đất Nam Định, từ Nam Định như Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu, thần Tam Bành.
Theo: Địa chí Nam Định