Âm nhạc hiện đại

02:07, 23/07/2013

Đây là dòng âm nhạc phát triển mạnh vào thế kỷ XX, phong phú, đa dạng và hoàn chỉnh hơn từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ở mọi thể loại: giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc phim, nhạc kịch, nhạc múa, ca khúc. Số lượng tác phẩm, tác giả khá hùng hậu:

Âm hưởng mở đầu cho dòng âm nhạc hiện đại là những ca khúc "Vọng phu I", "Vọng phu II", "Vọng phu III" của nhạc sĩ Lê Thương. Ông là bậc thầy của âm nhạc Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX.

Tiếp đó là nhạc sĩ Đặng Thế Phong (1918 - 1942). Ông là con thứ ba trong một gia đình viên chức tại sống tại số 9 phố Hàng Đồng, thành phố Nam Định. Những tác phẩm của ông "Con thuyền không bến", "Giọt mưa thu". Giai điệu và ca từ của Đặng Thế Phong là tiếng than não lòng trong cái đêm trường tăm tối, là sự phủ định xã hội thực dân phong kiến của những đêm trước Cách mạng Tháng Tám. Đặng Thế Phong mất năm 24 tuổi và mới chỉ để lại cho đời được vài ba ca khúc, song những âm hưởng ấy không bao giờ tắt.

Những nhạc sĩ cùng lứa với Đặng Thế Phong đã may mắn nhận được ánh sáng Cách mạng của Đảng, tầm vóc của họ được nâng bổng lên, tiêu biểu là:

Văn Cao (1923 - 1995): Quê thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản. Bài hát đâu tiên của ông là "Buồn tàn thu", tiếp đó là "Cung đàn xưa", "Thiên thai", "Bến xuân", "Suối mơ", "Thu cô liêu". Đây là những ca khúc trữ tình. Ông còn viết nhiều bản hành khúc hùng tráng: "Vui lên đường", "Thăng Long hành khúc ca", "Gò Đống Đa", "Chiến sĩ Việt Nam" và "Tiến quân ca"được chọn làm Quốc ca.

Nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: Internet.
Nhạc sỹ Văn Cao. Ảnh: Internet.

Sau Cách mạng tháng Tám, Văn Cao viết một loạt ca khúc, mang đầy nhiệt huyết của một thanh niên đi theo cách mạng: "Trương Chi", "Hải quân Việt Nam", "Không quân Việt Nam", "Làng tôi", "Bắc Sơn", "Trường ca Sông Lô", "Tiến về Hà Nội", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch", "Ngày mùa". (xem phần Lịch sử văn hoá).

Bùi Công Kỳ (1919 - 1985): ông đã có sáng tác đầu tay ngay những ngày đầu cuộc khởi nghĩa tháng Tám. "Bài hồn Việt Nam" - ông đã hát trong một buổi biêu diễn ở đoàn vũ kịch Anh Vũ. Tiếp đó ông viết "Ba Đình nắng", đây là một trong những bài hát hay nhất về ngày Qquốc khánh 2/9. Sau đó lại có một loạt ca khúc như: "Anh và tôi", "Bài ca biên giới", "Tây Bắc mừng chiến thắng", "Nông dân ơn Đảng"...

Tác phẩm ông để lại không nhiều, nhưng với "Hồn Việt Nam", "Ba Đình nắng" - ông đã tạo cho mình một vị trí xứng đáng trong thể loại ca khúc Việt Nam.

Đỗ Minh: sinh năm 1926 tại Hải Hậu. Tham gia hoạt động âm nhạc từ những năm kháng chiến chống Pháp, viết ca khúc và sách nghiên cứu âm nhạc. Cuốn "Tìm hiểu ca nhạc dân gian Việt Bắc"cuốn "Cây đàn tính và hát then" là hai cuốn sách nghiên cứu sâu, có giá trị về tìm hiểu ca nhạc dân tộc thiểu số.

Những ca khúc của ông được mọi người biết đến rộng rãi: "Ca ngợi Đảng lao động Việt Nam" (Sau đổi thành "Ca ngợi Đảng Cộng Sản Việt Nam"), "Tình Bắc- Nam", "Buổi sáng trên nương", "Chiều biên giới", "Những bàn chân không mỏi". Ngoài ra, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, nhạc phim, nhạc kịch, nhạc múa.

Bài "Ca ngợi Đảng Cộng Sản Việt Nam" đã trở thành bài hát Đảng ca chính thức.

Phạm Đình Sáu: sinh ngày 9/6/1926, tại Nam Định, nguyên uỷ viên thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khoá 3), nguyên Cục trưởng cục Âm nhạc và múa. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã viết một loạt ca khúc phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc đó: "Hồ Chí Minh - người anh hùng dân tộc", "Phụ nữ Việt Nam", "Vui xuân thi đua", "Nông dân vùng lên"...

Ông đã viết được một số tổ khúc giao hưởng và các tác phẩm thính phòng, hợp xướng, ca khúc trong thời gian học đại học sáng tác tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc).

Âm nhạc của Phạm Đình Sáu bám sát những đề tài trong cuộc sống, khoẻ khoắn, giàu tình cảm như "Khúc hát đảo quê hương", "Biết mấy tự hào", "Việt Nam tổ quốc ta", "Những thành phố bên bờ biển cả", "Lớn lên dưới cờ Đảng".

Văn Ký: sinh năm 1928, người xã Liêm Minh, Vụ Bản. Ông tham gia hoạt động âm nhạc ở khu 4 cũ, với những sáng tác: "Trăng xưa", "Bình Trị Thiên quật khởi", "Tình hậu phương", "Dân cồn lên đường", "Lúa thoái tô"...

Đề tài trong ca khúc của Văn Ký rất phong phú, mang đến cho người nghe những rung cảm mạnh mẽ, sâu sắc, trữ tình, trong sáng như "Bài ca hy vọng", "Tây Nguyên bất khuất", "Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh", "Nha Trang mùa thu lại về", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi"... "Bài ca hy vọng" như một niềm tự hào, nó được hát lên trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong song sắt nhà tù Mỹ - ngụy ở Miền Nam, bài hát vẫn được cất lên âm vang để khẳng định một niềm tin tất thắng.

Trong lĩnh vực khí nhạc, Văn Ký viết rất nhiều thể loại: Ca cảnh, nhạc, múa, ca kịch "Nhật ký sông Thương", "Đảo xa"; nhạc phim "Cô gái công trường", "Trên vĩ tuyến 17", "Bác Hồ muôn vàn tình thân yêu"; vũ kịch "Kơ Nhí" gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần ở trong nước, Liên Xô (cũ), Cộng hoà dân chủ Đức (cũ)...

Trần Quí: là nghệ sĩ nhân dân, sinh ngày 26/3/1933 tại Mỹ Lộc. Tốt nghiệp Đại học Âm nhạc tại Liên Xô (cũ), làm chỉ huy ở Nhà hát Giao hưởng - hợp xướng - nhạc vũ kịch Việt Nam, rồi làm Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc trung ương.

Năm 1987, ông được mời làm chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Hàn lâm Novosibirk. Ông là người đầu tiên chỉ huy và dàn dựng các vở Opéra "Cô Sao"(tác giả Đỗ Nhuận), "Bên kia Krông Pa" (tác giả Nhật Lai), "Núi rừng hãy lên tiếng" (Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên).

Những tác phẩm tiêu biểu của Nghệ sĩ nhân dân Trần Quý: Ca khúc Hát mừng anh Núp - Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1953 - 1955); Ca khúc Lời thống nhất - giải nhì (không có giải nhất). Ban thống nhất Trung ương (1955); Ca khúc Trên mỏ Đèo Nai em hát, Lửa tình yêu (Nhạc kịch 3 màn) - Huy chương vàng kịch hát 1987; Ngọn đèn biển (Concertino cho Cello và dàn nhạc); Suite (4 chương): Tây Nguyên - Giải nhất về hoà tấu lớn của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1996); Biển quê hương (Concertino cho đàn bầu và dàn nhạc) - Giao hưởng thính phòng lần thứ nhất Bộ Văn hoá Thông tin (1993); Người đi săn và chim công nhạc múa, Những anh hùng dũng sĩ Trị Thiên - Huế (Nhạc phim).

Và còn nhiều những nhạc sĩ tên tuổi với những tác phẩm còn mãi với thời gian: Văn An với "Đôi dép Bác Hồ", "Nhịp cầu nối những bờ vui", "Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương"; Vũ Trọng Hối với "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát"; Trần Đức với "Khi tóc thầy bạc trắng"; Trần Viết Được với "Trái tim chiến sĩ ta"; Văn Thành Nho với "Đất nước lời ru"; Trương Ngọc Ninh với "Lời ru chia đôi"; Nguyễn Tiến với "Hoa cau vườn trầu"; Nguyễn Văn Thắng với "Không ai ngăn nổi lời ca"; Huy Trân với "Trái đất này là của chúng mình"...

Trong các phong trào Tiếng hát át tiếng bom, Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, các nhạc sĩ hiện đang công tác tại tỉnh nhà như Trần Viết Được, Hoàng Lai, Xuân Huấn, Đức Miên, Tuyết Lành, Vũ Đình Thành, Huy Tập, Xuân Tùng..., cũng đã góp phần tích cực vào diện mạo đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Các ca khúc của các anh thường xuyên có mặt trong các kỳ hội diễn quân chúng của các huyện, thành phố, các ngành trong tỉnh và trong cả nước.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com