Ở xã Hải Hòa (Hải Hậu) nhiều người biết ông Nguyễn Hữu Ổn bởi ông là tấm gương sáng về lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, ít người biết rằng, người đàn ông có vóc dáng nhỏ thó, đen nhẻm ấy đã từng kinh qua thời kỳ ác liệt của chiến tranh với tinh thần “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” tham gia bảo vệ cầu Đò Lèn (Thanh Hóa) tại Đội 304, thuộc Đại đội Thanh niên xung phong (TNXP) 873. Sau những tháng năm cống hiến tuổi xuân cho cách mạng, trở về đời thường, ông Ổn vẫn nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần sáng tạo, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cựu TNXP Nguyễn Hữu Ổn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình. |
Sinh năm 1949, là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng tại thôn Xuân Đài Đông, xã Hải Hòa, năm 1968, với những thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn tại xã, ông Ổn đã được kết nạp Đảng khi mới 18 tuổi. Năm 22 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đăng ký tham gia lực lượng TNXP và được biên chế tại Đội 304 có nhiệm vụ bảo vệ cầu Đò Lèn - một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men… của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Giữa làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, ông và các đồng đội không run sợ, luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Ổn nhớ lại: “Cầu Đò Lèn cùng với cầu Hàm Rồng và phà Ghép là ba trọng điểm đánh phá điên cuồng của giặc Mỹ. Ngày cao điểm, địch đánh phá 3-4 trận, ngày nào cũng có hàng chục lượt máy bay địch quần thảo trên bầu trời. Tuy nhiên, bom đạn của kẻ thù đã không ngăn cản được ý chí sắt đá của những chiến sỹ TNXP”. Ông và các đồng đội đã chiến đấu kiên cường với tinh thần "địch phá, ta sửa, ta đi; địch cứ phá, ta cứ đi", đường lại thông, xe, pháo lại nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Ngày 30-6-1973, một tốp máy bay địch bất ngờ đột kích ném bom dữ dội xuống cầu Đò Lèn. Cầu bị sập hoàn toàn, hàng hóa vận chuyển bị ùn ứ nhiều, trong khi đó ban ngày các lực lượng không thể tiến hành khắc phục, sửa chữa. Hằng ngày, từ 5 giờ chiều hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ông và đồng đội tìm mọi cách để khắc phục sự cố và bảo vệ an toàn hàng hóa. Suốt cả đêm ông và đồng đội quyết tâm “nối lại huyết mạch giao thông” để quân ta có thể nhanh chóng vận chuyển hàng hóa, thuốc men, đạn dược vào tiền tuyến. Ngày đêm bám sát trận địa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bắc cầu phà, rà phá bom mìn, mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần chi viện cho tiền tuyến. Nhiều đoạn đường bị băm nát, cắt khúc, cầu phà bị sập, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn nhưng các chiến sỹ TNXP đã không quản ngại. Tháng 12-1973, do sức khỏe suy giảm, ông được trở về quê. Mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn được địa phương tín nhiệm cử đi học khẩu đội trưởng pháo cao xạ, sau đó đảm nhận cương vị tổ trưởng tổ trực chiến cụm Hòa - Châu - Thịnh rồi làm Đại đội phó dân quân phụ trách huấn luyện. Đến năm 1975 ông được phân công làm Trung đội trưởng Trung đội cơ động tuần tra biên giới biển và sẵn sàng chiến đấu… Ở cương vị nào ông cũng thể hiện rõ trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1994, trở về đời thường, ông tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngay từ năm 1995, ông đã nhận đấu thầu hơn 5.400m2 đất bãi ven biển để cải tạo thành đầm nuôi tôm sú. Do mới vào nghề, kinh nghiệm chưa có nên những vụ nuôi tôm ban đầu không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông tiếp tục lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm của những người đã thành công ở các địa phương khác. Nhờ đó, những vụ tôm sau ông đã thành công. Không chỉ nuôi tôm, năm 2009, nhận thấy nghề nuôi nhím mang lại giá trị kinh tế cao, ông đã mua 24 cặp nhím với giá hơn 420 triệu đồng về nuôi. Sau khoảng 18 tháng nuôi, đàn nhím đã sinh sản, bán nhím giống ông thu về 500 triệu đồng. Cùng thời điểm đó, ông còn chuyển đổi hơn 700m2 đất vườn kém hiệu quả sang trồng cây cảnh. Từ năm 2009 đến 2011 lợi nhuận từ cây cảnh mang lại cho ông mỗi năm trên 100 triệu đồng. Hiện nay, mặc dù thị trường cây cảnh đã chững lại nhưng mỗi năm ông vẫn bán được từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông có gần 2.500m2 đất bãi trồng cà chua, hành, tỏi, ớt, đậu tương, dưa hồng…; hằng năm, thu nhập từ trồng các loại rau màu của gia đình ông đạt 55-60 triệu đồng. Ông còn nuôi từ 25 đến 30 con lợn/lứa, trừ chi phí, riêng nuôi lợn cũng mang lại thu nhập cho ông từ 20 đến 25 triệu đồng/năm. Năm nay, ông đang chuyển đổi nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Để bảo đảm thành công, ông tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo đầm nuôi và mua sắm thiết bị phục vụ nuôi tôm. Nếu mọi chuyện thuận lợi, trong năm nay chỉ tính riêng nguồn thu từ con tôm thẻ chân trắng có thể mang lại cho gia đình ông nguồn thu từ 300 đến 400 triệu đồng.
Mặc dù luôn bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh song cựu TNXP Nguyễn Hữu Ổn vẫn dành thời gian tham gia sinh hoạt Hội CCB, tích cực ủng hộ các hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em cựu TNXP. Hằng năm, vào dịp thu hoạch ông thuê từ 5 đến 7 lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập cho một số bà con ở địa phương. Mỗi năm, tổng nguồn thu của gia đình ông bình quân đạt từ 250 đến 300 triệu đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đã được nhiều hội viên cựu TNXP trong và ngoài huyện về tham quan, học hỏi kinh nghiệm./.
Bài và ảnh: Văn Thứ