40 năm gắn bó với công tác tuyên huấn

08:07, 31/07/2013

Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Chu, thương binh hạng 4/4  ở xóm 9, thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) khi ông vừa được nhận giải thưởng cuộc thi viết về đề tài Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phát động. Ở tuổi 74, sức khoẻ của ông đã yếu đi nhiều do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam và vết thương cũ tái phát. Từ 9 năm nay, sau 2 lần tai biến mạch máu não, ông Chu chỉ có thể lần tường hoặc chống gậy đi quanh quẩn trong nhà, song vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Ông viết hồi ký, làm thơ, viết báo, viết bài tham dự các cuộc thi... Với ông, cuốn sổ, cây bút là "người bạn" thân thiết hằng ngày. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chu không giấu nổi tự hào khi được gắn bó cả cuộc đời với công tác tuyên huấn của Đảng.

Ông Vũ Văn Chu viết hồi ký về những năm tháng gắn bó với công tác tuyên huấn của Đảng.
Ông Vũ Văn Chu viết hồi ký về những năm tháng gắn bó với công tác tuyên huấn của Đảng.

Năm 1962, khi đang là giáo viên Trường Tiểu học xã Nghĩa Thắng, ông được điều động về làm cán bộ Ban Tuyên huấn Huyện uỷ Nghĩa Hưng trực tiếp phụ trách Đài truyền thanh huyện mới được thành lập. Ngày 15-4-1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông Chu xung phong lên đường nhập ngũ. Một năm sau ngày nhập ngũ, ông được điều lên làm trợ lý tuyên truyền Ban Tuyên huấn Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 Quân giải phóng miền Nam, trực tiếp phụ trách tờ tin “Anh dũng”. Ông còn tổng hợp bản tin của chương trình phát thanh Quân đội nhân dân trên Đài Tiếng nói Việt Nam, chọn lọc bản tin của Thông tấn xã Việt Nam và tổng hợp thành tích chiến đấu của toàn miền thành những chương trình thời sự nói chuyện cho cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn. 40 năm đã trôi qua nhưng những năm tháng làm bản tin dưới hầm đầy khó khăn vẫn còn in đậm trong tâm trí ông: “Dưới ngọn đèn dầu tự tạo với chiếc máy chữ cũ kỹ, đồng chí Lê Thực soi đèn cho tôi đánh máy. Bản tin đến với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn như tiếp thêm cho họ nguồn sinh khí mới”. Ngoài ra, ông còn dành thời gian sáng tác các ca khúc ngắn “Vượt Trường Sơn”, hoạt cảnh chèo “Đánh thắng trận đầu”, song tấu chèo “Hai gọng kìm”… cho đội văn công Sư đoàn 7 biểu diễn. Cùng với tờ tin “Anh dũng”, các chương trình văn nghệ, nói chuyện thời sự trở thành món ăn tinh thần cổ vũ ý chí chiến đấu của các chiến sĩ trong đơn vị. Năm 1971, ông được điều sang làm trợ lý tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Quân khu C40, phụ trách tờ báo “Lập công” của Quân khu. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, ông đã tích cực học tiếng Khơ-me và các phong tục, tập quán của đồng bào Khơ-me. 10 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, hai lần bị thương, sau khi được điều trị hồi phục, ông lại tiếp tục chiến đấu và tham gia công tác tuyên giáo của Đảng. Năm 1975, sau khi ra quân, ông chuyển về Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh, phụ trách công tác khoa giáo và là giáo viên kiêm chức Khoa Lịch sử Đảng của Trường Hành chính tỉnh. Về nghỉ hưu tháng 9-1982, ông tiếp tục tham gia làm thường trực Ủy ban MTTQ xã, Ủy viên BCH Hội CCB xã, 9 năm làm Trưởng Ban văn hoá, phụ trách Đài truyền thanh xã, 13 năm làm Bí thư Chi bộ xóm 9 thôn Tân Liêu, xã Nghĩa Sơn.

Trong cuộc đời 40 năm làm công tác tuyên huấn, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần ông được gặp Bác Hồ khi về Hà Nội dự lớp tập huấn “Từ tuyến đầu Tổ quốc” do Ban Tuyên huấn Trung ương tổ chức tháng 5-1962. Ông nhớ lại hôm đó, sau khi hỏi han tình hình sức khoẻ, điều kiện ăn, ở của học viên trong lớp, Bác Hồ nói: Các cháu được ăn no, ngủ trọn giấc ở thủ đô, trong khi đó đồng bào miền Nam đang chìm trong chiến tranh khói lửa. Miền Bắc, miền Nam như trong một gia đình, một nửa gia đình được sống trong ấm no, yên ổn, còn một nửa đang bị kẻ thù đàn áp. Bác rút khăn chấm nước mắt rồi nói tiếp: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Miền Bắc sống trong hoà bình, tự do, lẽ nào lại để miền Nam đắm chìm dưới ách đế quốc, thực dân, phải cứu lấy đồng bào miền Nam, các cháu có đồng ý không? Thực hiện lời dạy của Bác Hồ sau lớp tập huấn trở về, ông Chu cùng với Huyện Đoàn Nghĩa Hưng tổ chức 23 điểm tuyên truyền về tư tưởng của Bác Hồ đối với cách mạng miền Nam tại 23 xã, thị trấn trong huyện và 2 lớp bồi dưỡng báo cáo viên “Từ tuyến đầu Tổ quốc” cho cán bộ cơ sở. Cùng với nói chuyện, tuyên truyền ở các cụm dân cư, theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Huyện uỷ, ông biên soạn chương trình hỏi đáp về Cách mạng miền Nam, trách nhiệm của người dân miền Bắc đối với cách mạng miền Nam phát trực tiếp trên Đài truyền thanh huyện, được nhân dân đón nhận và tạo không khí thi đua sôi nổi “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Với ông Chu, công tác tuyên giáo đã ngấm vào máu thịt, là niềm đam mê chưa bao giờ tắt. Ông vẫn thường xuyên viết báo, hồi ký, tham gia các cuộc thi viết do các ngành, các cấp tổ chức. Với sự nỗ lực và tâm huyết của mình ông đã giành được nhiều giải thưởng như Giải B cuộc thi "Tìm hiểu 80 năm truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2010; Giải Khuyến khích cuộc thi viết “Đảng trong cuộc sống hôm nay” năm 2010; Giải Khuyến khích cuộc thi viết “Mái ấm gia đình” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức năm 2011. Tháng 6-2013 vừa qua, ông đoạt giải Khuyến khích cuộc thi viết về đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức với tác phẩm “Tôi làm báo từ sau lần được gặp Bác Hồ”...

Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, ông Vũ Văn Chu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Bằng khen của UBND tỉnh tặng "Gia đình chính sách tiêu biểu" nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2012)./.

Bài và ảnh: Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com