Ngày 10 tháng Giêng (âm lịch) năm Quý Tỵ 2013 vừa qua nhân dân thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã tổ chức lễ đón Bằng xếp hạng Di tích lịch sử, văn hoá cấp Quốc gia đền Am thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ và tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của ông.
Thiền sư Bùi Huệ Tộ (1566-1641) là vị chân tu đã suốt đời vì đạo pháp dân tộc, vì cuộc sống yên bình, no ấm của nhân dân. Theo tài liệu còn lưu giữ tại đền Am, Thiền sư Bùi Huệ Tộ sinh ra trong một gia đình nền nếp, giàu truyền thống hiếu học tại thôn Ông Tô, xã Chân Đàm (nay là thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang). Năm 32 tuổi, ông xuất gia tu hành tại quê hương và có công xây dựng, trụ trì nhiều chùa ở huyện Nam Trực. Trong thời gian tu hành, ông vận động nhân dân sửa sang cảnh chùa, bỏ tiền để mua ruộng, chuộc nhà và đồ đạc cho dân nghèo, giúp họ có phương tiện làm ăn, tạo lập cuộc sống. Tại đền Am, hiện còn nhiều câu đối khẳng định công lao và lòng biết ơn của nhân dân đối với một nhà sư suốt đời vì đạo, vì dân.
Quang cảnh đền Am, thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Đền Am tọa lạc ở đầu thôn Nhất, mặt quay về hướng tây nam, trên một khu đất rộng trên 2.000m2. Đền Am gồm các hạng mục kiến trúc chủ yếu: Hồ nước, cổng, nghi môn, sân, nhà khách, đền chính và hai dãy giải vũ nội. Tất cả các hạng mục công trình trải dài theo trục bắc nam. Đền chính có kiến trúc kiểu chữ “công” gồm tiền đường, trung đường và cung cấm. Tòa tiền đường 3 gian 2 chái. Hai hồi hiên trước cửa tiền đường xây hai cột trụ bằng đá, ba mặt khắc câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công lao của Thiền sư. Tòa trung đường kiến trúc theo lối cuốn vòm, cột gạch chồng lâu 2 tầng 8 mái được tôn tạo lại năm Kỷ Tỵ (1989). Phía sau trung đường là tòa cung cấm với 3 gian. Giải vũ nội chia thành 2 dãy, mỗi dãy gồm 4 gian, được xây đối xứng nhau theo kiểu thu hồi bít đốc, các bộ vì kèo được thiết kế theo kiểu kèo cầu, quá giang bằng gỗ, đây là nơi hội họp của nhân dân trong thôn. Các hạng mục kiến trúc gỗ của đền Am đều được lắp dựng bằng gỗ lim, mái ngói nam mang đậm phong cách truyền thống dân tộc. Tại đây còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc, các họa tiết trang trí đề tài lựu, cúc, trúc, mai, họa tiết cánh sen, họa tiết hổ phù sinh động. Đặc biệt trên xà nách của hai gian chái tiền đường còn lưu giữ được mảng chạm long vân theo phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật, đền Am còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu như tượng ngai và bài vị thờ Thiền sư Bùi Huệ Tộ, bia đá “Linh từ bi ký” và “Bách thế, bách thiên”, truy viễn miếu bi, sắc phong, sách Thánh tổ Thực lục, nón tu lờ. Tồn tại cùng quá trình hình thành và phát triển của làng xã, đền Am còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Đền Am là một trong những địa điểm mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ cho con em địa phương (năm 1946). Với vị trí cách xa khu dân cư, nằm giữa cánh đồng, không gian rộng rãi, lại có nhiều cây cối bao quanh nên trong suốt thời kỳ “2 năm 4 tháng” (từ 10-1949 đến 2-1952), đền Am được chi bộ và chính quyền xã chọn làm nơi hội họp bí mật và là điểm liên lạc giữa huyện với xã Quang Trung (tên của Thị trấn Nam Giang thời điểm đó) và các xã phía bắc huyện Nam Trực. Từ năm 1970-1974, đền được chọn làm nơi sơ tán, cất giữ tài liệu mật của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định. Từ sau ngày đất nước thống nhất, đền Am vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, vừa là nơi hội họp của thôn.
Lễ hội đền Am hằng năm được tổ chức vào hai ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng (âm lịch) thu hút đông đảo dân làng tham gia. Ngoài phần lễ chính tổ chức trang trọng theo nghi thức cổ được truyền lại, trong những ngày diễn ra lễ hội, còn có nhiều sinh hoạt văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như múa rối nước, đánh cờ, tổ tôm điếm, đánh đu; trong đó múa rối nước là "đặc sản" văn hóa tinh thần độc đáo của người dân thôn Nhất.
Việc Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia cho đền Am là sự ghi nhận, đánh giá cao những giá trị lịch sử, văn hóa của công trình, cũng như kết quả công tác tôn tạo, bảo vệ di tích của chính quyền và nhân dân địa phương, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ phát huy giá trị di tích cho muôn đời sau./.
Bài và ảnh: Minh Thuận