Những ngày giữa tháng 4-2013 vừa qua, vào dịp Tết cổ truyền của nhân dân Lào và nhân dân Thái Lan, chúng tôi có dịp đến chung vui cùng bè bạn và cũng thật may mắn khi được đến thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Uđon Thani (Vương quốc Thái Lan). Dọc đường cao tốc, những hàng cây doong khun nở hoa vàng rực; các thị trấn, thôn bản của người Thái, người Lào cũng hiền hoà dễ mến như ở quê nhà. Người dân ở đây đang chuẩn bị cho lễ hội té nước và buộc chỉ cổ tay.
Chúng tôi được bác Trần Trọng Tài, 68 tuổi quê gốc Nam Định, đã ba đời sinh sống ở đây giới thiệu những nét chung nhất về khu tưởng niệm này.
Vào tháng 7-1928, khi từ châu Âu về Xiêm (Thái Lan) Nguyễn Ái Quốc ở bản Noọng Bua (gần ga xe lửa Uđon), với các tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín… Một thời gian ngắn sau đó Nguyễn Ái Quốc chuyển về bản Noọng Ôn, xã Xiêng Phin ngày nay. Tại đây, Thầu Chín chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm làm cho người Xiêm có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam, trong đó có kiều bào ta. Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục tập quán của người Xiêm, vận động mọi người vừa học chữ Xiêm, vừa học chữ Việt, nói tiếng Việt. Cùng với việc xây dựng tổ chức, Thầu Chín còn dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động ở đây, Người còn giúp Việt kiều đào giếng lấy nước ăn, vỡ đất làm vườn trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn… Chính vì vậy Nguyễn Ái Quốc đã được bà con người Việt, người Xiêm trong làng, trong xã yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Khoảng hơn một năm sau Nguyễn Ái Quốc chuyển đến hoạt động ở vùng khác, nhưng hình ảnh của Thầu Chín được nhiều người già ở Uđon nhắc đến như một tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu sau này noi theo.
Nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Thái Lan và Việt Nam, hơn 10 năm trước, chính quyền các cấp của Thái Lan đã quyết định và tạo điều kiện cho việc xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính nơi Người đã ở và hoạt động, làm nơi nghiên cứu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời cũng là điểm tham quan du lịch. Khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trên khu đất rộng gần 10.000m2 tại làng Noọng Ôn bao gồm nhiều hạng mục công trình, một số được phục dựng lại như nhà Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1928, rồi kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà… một số công trình mới như nhà đa năng, khu tưởng niệm, tủ sách, phòng chiếu phim, phòng hội thảo cùng nhiều tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác.
Được sự chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước như Bảo tàng Hồ Chí Minh tư vấn chuyên môn, cung cấp tư liệu lịch sử liên quan đến giai đoạn Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, được sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn, Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai và kiều bào ta, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012. Từ đó đến nay đã có nhiều đoàn khách trong nước và bè bạn xa gần đến với Khu tưởng niệm này. Được biết đây là Khu tưởng niệm lớn nhất trong 13 nhà tưởng niệm Bác Hồ ở các nơi trên thế giới.
Chúng tôi lặng lẽ thắp nén hương tưởng nhớ Bác và cảm thấy ấm lòng khi trên bàn thờ Bác luôn luôn có hoa thơm, quả ngọt, thể hiện tấm lòng tôn kính của bà con Việt kiều, của người Thái và bè bạn xa gần đối với Bác Hồ yêu quý của chúng ta./.
Đỗ Phú Nhuận