Có thể khẳng định, khu phố cổ nhất của thành phố Nam Định là: Một phần phố Minh Khai (từ đường Hùng Vương đến đường Mạc Thị Bưởi), trước đây gọi là phố Hàng Nâu, Hàng Mắm, Hàng Bát; tiếp đến là phố Hàng Sắt trên (trước đây là phố hàng Song), Hàng Sắt dưới - phố chạy ven theo dòng sông Vị Hoàng đã bị lấp.
Tiếp đến là phố Bến Ngự, phố Hàng Sắt (trước đây là phố Hàng Cấp và phố Hàng Sắt); phố Hoàng Văn Thụ (trước đây là phố Khách, phố Hàng Dầu, Hàng Cau); phố Hai Bà Trưng (trước đây là phố Hàng Nón, Hàng Màn, phố Hàng Thiếc, Hàng Cau, Hàng Thêu). Một phần phố Trần Hưng Đạo, nhưng trục ngang có phố Hàng Đồng, phố Bắc Ninh (trước đây là phố hàng Giầy, phố Cửa Đông). Một phần phố Phan Đình Phùng, phố Hàng Nồi. Những ghi chép và nghiên cứu về phố cổ Nam Định không được nhiều và tỷ mỉ như Hà Nội, Hội An, song những tư liệu lưu lại còn miêu tả khá rõ hình ảnh phố phường Nam Định xưa. Hình ảnh phố Hàng Nâu được ông Ngô Huy Quỳnh ghi lại: phố phường hình thành do nhà xây liền vách trông ra đường cái nhưng không xếp thẳng hàng theo đường chỉ giới phân biệt mặt hè đường với đất xây dựng nhà như những quy hoạch thành thị thế kỷ XIX. Yêu cầu bán đồ thủ công nghiệp và các mặt hàng hoá khác đã tạo ra những cửa hàng.
Phố Hàng Đồng xưa. Ảnh: Internet. |
Thời gian đầu các cửa hàng xây rộng rãi. Phố Hàng Nâu có cửa hàng hẹp cũng mở ra 5m, còn phần lớn là 6m-7m hoặc hơn thế nữa. Sau gian hàng phía trước có một sân trong có bể nước và núi non bộ cùng cây cảnh tô điểm cho những gian nhà khách hay buồng ngủ như ở phố Hàng Sắt và phố Hàng Đồng. Ở hai dãy phố này nhà phát triển dần theo chiều sâu từ 15 - 16m như ở phố Hàng Sắt; trên dưới 20m như ở Hội An hoặc có khi đến 30m hay hơn nữa ở phố Hàng Nâu (trường hợp ở Hà nội, khu 36 phố phường lô đất có nơi dài tới 70m). Không có một lô đất nào có diện tích định sẵn. Bố trí nhà hai bên đường theo yêu cầu thương nghiệp. Các yêu cầu của đời sống và sản xuất thủ công diễn ra từng bước. Sau cửa hàng bị hạn chế bởi địa giới của lô đất hàng xóm nên các nền nhà chính đều lợp hai mái với giọt gianh song song với chỉ giới đường mặt phố, nước mưa từ mái nhà không bị chảy sang nhà bên cạnh. Những thực tế xây dựng trên lô đất hẹp đã tạo ra những quy tắc xây dựng thành thị người ta phải tuân theo.
Ngôi nhà phố được hình thành do một quá trình dài lâu biến đổi, thích nghi từ ngôi nhà nông thôn truyền thống. Vì thế cái chung của nhà nông thôn và nhà thành thị không phải ở công năng kiến trúc mà ở cách bố trí các nếp nhà, lợp mái có sân ngăn cách
Từ nông thôn đến thành thị có đổi mới về kiến trúc, cũng như chức năng sử dụng trong ngôi nhà. Nếu coi việc bố trí các nếp nhà hai bên sân cảnh là truyền thống dân gian khi đi từ nông thôn ra thành thị, thì có thể nói rằng kết cấu các nếp nhà với hai mái dốc lợp trên một không gian có giới hạn do khả năng xây dựng thời bấy giờ quyết định...
Nhà cửa xếp hai bên đường, xây dựng tự phát tuy có theo tinh thần phường hội đoàn kết, đã dần dần được hướng dẫn xếp theo vạch chỉ giới trên bản đồ quy hoạch thành phố xây dựng ở thế kỷ XX. (Đây là một đặc sắc của đô thị Việt Nam thời kỳ này, nổi rõ ở bộ mặt phố phường mà điển hình như Nam Định, Hà Nội, Hội An).
Từ đó tạo ra nét đặc sắc hiếm thấy mà không phải đô thị xưa nào ở Việt Nam còn giữ lại được. Đây là những nét khác biệt ở mỗi đô thị, ở từng vùng khác nhau. Ngoài Hà Nội, Chợ Lớn thì Nam Định chỉ có một vài đường phố ngắn, dọc theo sông Vị Hoàng và thành bao xung quanh.
Dựa theo hiện trạng kiến trúc cổ còn lại không nhiều trên các dãy phố có thể phân ra ba loại:
+ Loại nhà một tầng mái lợp ngói ta: mặt chính ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ được chia thành 3 gian (hầu hết được cải tạo thay vào xây tường)
+ Loại một tầng có thêm tầng xép: mặt nhà tầng một cũng hoàn toàn bằng gỗ, cột gỗ một cửa đi ở giữa và hai cửa bán hàng. Tầng xép có một cửa sổ to và hai lỗ hoa văn ở hai bên chủ yếu là lấy ánh sáng.
+ Loại hai tầng: mặt nhà tương tự loại một tầng và một tầng xép chỉ khác tầng hai cao hơn tầng xép có cửa đi mở ra ban công, sàn gỗ.
Mặt bằng ba loại nhà này được phân khu gần giống nhau, chia làm ba khu rõ rệt: khu ngoài (giáp đường là gian bán hàng và ở; tiếp đến là sân trong; rồi đến khu phụ. Quy mô của ba gian này to nhỏ khác nhau phụ thuộc vào khu đất của từng hộ.
Theo: Địa chí Nam Định